Gần như công ty Internet nào thời buổi này cũng làm như thế, và thông tin của bạn càng được sử dụng nhiều hơn khi Google, Facebook sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo để phân tích, gợi ý, tìm kiếm thông tin cho bạn xem. Duy chỉ có Apple...
Tim Cook trong thời gian qua đã định vị công ty mình với khách hàng rằng Apple không muốn thu thập dữ liệu của người dùng và đây cũng là yếu tố giúp Apple trở nên khác biệt. 'Họ sẽ thu thập mọi thứ mà họ có được từ bạn và cố gắng kiếm tiền từ đây. Chúng tôi nghĩ rằng điều này rất sai trái'.
'Họ' ở đây có thể là hiểu là Apple đang ám chỉ tới Google, Facebook và những công ty Internet khác đang sử dụng data khách hàng để sống. Google không có dữ liệu về thói quen của người sử dụng sẽ không thể nào bán quảng cáo định hướng, tương tự cho Facebook. Ngoài ra, các tính năng gợi ý tìm kiếm hay gợi ý xem tin tức, hệ thống lọc mail tự động... cũng được xây dựng dựa trên dữ liệu của người dùng. Với Google và Facebook, những dữ liệu này sẽ được gom lại từ thiết bị di động hay máy tính của bạn rồi upload lên server của hãng, sau đó mới được xử lý trên máy chủ và chạy các thuật toán trí tuệ nhân tạo.
Còn với Apple, họ thường chỉ chạy các tính năng machine learning ngay trên chính thiết bị chứ không upload lên server, nếu có cũng chỉ là một vài thông tin nhỏ mà thôi. Chức năng nhận diện mặt trong Photos hay khả năng đoán chữ lúc gõ bàn phím ảo cũng từ đây mà ra.
Bạn có thể thấy được logic ở đây. Apple bán thiết bị lấy tiền, không phải bán quảng cáo. Tất nhiên, đây là lý do quá hợp lý để họ chê các đối thủ của mình và việc này đánh trúng tâm lý muốn bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Facebook, Google cũng có cái lý của họ khi sử dụng data của người dùng theo cách này, miễn là cần bảo mật và không được lạm dụng thôi.
Và chính vì việc muốn đề cao quyền riêng tư mà Apple đang bị bỏ lại trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo. Để hiểu về vấn đề này, bạn cần biết rằng để AI chạy thì nó cần phải học từ một lượng rất lớn dữ liệu. Đó có thể là danh sách app bạn thường sử dụng hằng ngày, chi tiết các thao tác chạm, phân tích hình ảnh gương mặt người trong từng khung hình, hay chỉ đơn giản là danh sách những người bạn thường gọi điện. iPhone có tất cả những dữ liệu này, nó cũng có thể xử lý toàn bộ trong chính chiếc iPhone và không đi ra ngoài. Tuy nhiên, chỉ một chiếc iPhone sẽ không thể nào đọ được với hệ thống server đồ sộ được dựng lên cho các mục đích AI. Google, Facebook thậm chí còn làm chip riêng cho AI nữa, iPhone làm sao mà đọ lại.
Nói cách khác, để xử lý nội bộ thiết bị hay làm những thứ đơn giản thì Apple vẫn có thể làm được trên chiếc iPhone, iPad. Nhưng khi cần những thứ phức tạp hơn, cần chạy liên tục để học hỏi nhiều hơn thì iPhone không thể đáp ứng, hoặc mất rất rất lâu để học hỏi các thông tin đó, mà bạn sẽ cần phải 'lên mây' mới chơi nổi. Google, Facebook đang kiếm lại từ chuyện này, còn Apple thì không. Apple sử dụng kĩ thuật differential privacy để thu thập dữ liệu về bạn nhưng không chỉ ra đích danh bạn, điều này giúp hãng đảm bảo tính riêng tư nhưng lại không thể cá nhân hóa một cách mạnh mẽ các tính năng. Mọi thứ đều có giá của nó.
Công bằng mà nói, khả năng xử lý AI trong điện thoại đã được cải tiến rất nhờ, một phần nhờ CPU ngày càng mạnh hơn, phần khác nhờ vào sự hỗ trợ tích cực của GPU cho những tác vụ tính toán, một số hãng cũng làm chip riêng cho AI nữa. Mới đây Apple cũng ra mắt CoreML, nền tảng machine learning cho phép các ứng dụng bên thứ ba tận dụng khả năng AI của iOS một cách triệt để và dễ dàng hơn so với trước.
Nhưng một khi Apple đã mở CoreML ra thì các công ty khác, bao gồm cả Facebook và Google, cũng có thể nhảy vào xài chung, và khả năng AI của họ đã mạnh nay lại càng mạnh hơn. Phần khó bây giờ vẫn thuộc về Apple trong con đường chinh phục AI. Hãy chờ xem Apple sẽ tiếp tục giải quyết vấn đề này như thế nào trong khi vẫn giữ được cam kết về quyền riêng tư của hãng với người tiêu dùng.
Nguồn: Wired