Thay vì nâng cao trải nghiệm sử dụng của người dùng bằng cách cải tiến thiết kế, cấu hình, thì một số nhà sản xuất lại làm điều ngược lại là thay đổi thiết kế, nhưng lại giảm đi trải nghiệm người dùng. Bài viết sẽ giúp bạn hiểu rõ tại sao sự sáng tạo không đi đôi với trải nghiệm người dùng.
Công nghệ phát triển rất nhanh trong nhiều năm qua, hàng trăm chiếc smartphone, máy tính bảng hay laptop được ra mắt mỗi năm, sẽ không quá khó hiểu khi thiết kế của một số chiếc máy lại giống nhau khá nhiều. Bên cạnh đó, một số chiếc máy sau khi được nâng cấp thiết kế lại vô tình làm giảm trải nghiệm sử dụng của người dùng, và chiếc máy được nhắc đến trong bài viết này Macbook Pro bản có Touchbar.
Sự xuất hiện của thanh cảm ứng Touchbar trên Macbook Pro được xem là một hướng đi mới của laptop, khi những hàng phím bấm vật lý đượ thay bằng dãy cảm ứng có thể thay đổi tuỳ theo trường hợp sử dụng của người dùng. Tuy nhiên, Touchbar cũng nhanh chóng tạo ra hai luồng ý kiến trái chiều: Touchbar tốt và không tốt.
Với những người đánh giá Touchbar tốt. Việc bổ sung thanh cảm ứng Touchbar sẽ cho phép người sử dụng có thể tuỳ biến nhiều hơn so với việc dùng hàng phím F nhàm chán với những năng cố định. Trong khi với Touchbar là một dải cảm ứng có hiển thị cả thông tin, bạn có thể đặt một nút cảm ứng trên Touchbar là Copy, một nút Paste chẳng hạn, và những nút này có thể thay đổi theo thiết lập của từng ứng dụng để mang đến cho người dùng sự thuận tiện cao nhất.
Còn với những người đánh giá Touchbar trên Macbook Pro không tốt, rõ ràng họ hoàn toàn có lý do để đưa ra nhận định như vậy. Đầu tiên là thanh cảm ứng Touchbar sẽ làm mất đi cảm giác nhấn phím vật lý quen thuộc, đồng thời bạn sẽ phải nhìn xuống thanh Touchbar để nhấn. Thứ hai là thanh Touchbar ở thời điểm hiện tại hoạt động vẫn chưa thật sự mượt mà, đôi khi gặp lỗi và không hiển thị bất kỳ phím bấm gì.
Thanh cảm ứng Touchbar và Macbook Pro đều rất tuyệt vời, tuy nhiên sự kết hợp chưa được tốt đôi khi gây ra cho người dùng không ít sự khó chịu. Đánh đổi sự ổn định của Macbook với thanh cảm ứng Touchbar là không đáng, đơn giản là mọi người đến với Macbook vì một giá trị rất đặc trưng: sự ổn định, điều mà không nhiều chiếc máy khác có thể làm được. Tuy nhiên, nếu bạn có thể đánh đổi giữa hai yếu tố trên thì cũng khá ổn để có được trải nghiệm sử dụng hoàn toàn mới.
Sự sáng tạo của sản phẩm đôi khi không tỷ lệ thuật với trải nghiệm sử dụng của người dùng. Để minh chứng hơn cho điều này, bạn hãy nhìn lại chiếc điện thoại Fire Phone của Amazon, chiếc máy từng ra mắt đỉnh đám khi trở thành chiếc smartphone đầu tiên trên thế giới được trang bị đến 6 camera đặt xung quanh để phục vụ cho trào lưu hình ảnh 3D (vốn rất thịnh vượng vào khoảng 7 năm trước). 6 camera trên Fire Phone được quảng cáo rất hầm hố dằng có thể dùng để quét sách, hay quét món đồ vật bất kỳ và sau đó sẽ dẫn đến đường dẫn mua hàng trên Amazon. Tuy nhiên, Ngược với những hào nhoàng ban đầu khi ra mắt cùng mức giá đến 600 USD, Fire Phone nhanh chóng chìm vào quên lãng, bị ngưng sản xuất sau 1 năm ra mắt và trở thành thất bại thảm hại của Amazon.
Bạn thắc mắc lí do tại sao ư? Lí do đơn giản rằng Fire Phone không đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dùng. Ngoài 6 camera và các tính năng mua hàng có phần thừa thãi, Fire Phone hoàn toàn không có gì quá nổi bật cả về thiết kế, tính năng lẫn cấu hình phần cứng, vậy nên sự thất bại của Fire Phone là điều mà các chuyên gia công nghệ đã dự đoán từ trước.
Không ở đâu xa, gần đây nhất là những chiếc smartphone có thiết kế dưới dạng module. Rộ lên lên từ dự án Project Ara (điện thoại lắp ghép) của Google, đây từng được xem là những chiếc smartphone tạo nên xu hướng công nghệ mới của thế giới, nơi mà bạn có thể dễ dàng nâng cấp bộ vi xử lý, RAM, camera,… bằng cách tháo các bộ phận từ điện thoại đang có và mua những bộ phận tương tự ở bên ngoài. Ý tưởng smartphone dạng module là rất hay, nhưng không phải ai cũng có nhiều kiến thức về bộ vi xử lý, RAM, hay camera để có thể thay thế. Do đó, smartphone module là chiếc điện thoại không dành cho tất cả mọi người và dự án Project Ara sau đó đã bị Google cho dừng.
Sau những sự việc trên, chúng ta dễ dàng nhận ra rằng phần đông người dùng cần một thiết bị đơn giản, ổn định và không quá phức tạp, có thể đáp ứng tốt những nhu cầu cơ bản hơn là những tính năng, thiết kế hào nhoáng mà không mang lại giá trị sử dụng nào. Sự đơn giản và ổn định cũng là lí do tại sao những chiếc iPhone của Apple thành công trong suốt 10 năm qua và không có dấu hiệu dừng lại. Rõ ràng, một sản phẩm tốt trước hết phải là một sản phẩm đáp ứng hoàn hảo các nhu cầu sử dụng cơ bản, sau đó mới tính đến các tính năng kèm theo.