Cách đây 10 năm, người dùng vẫn chưa biết màn hình cảm ứng là gì - Nhưng kể từ khi chiếc iPhone đầu tiên ra mắt, một kỷ nguyên mới đã được mở ra
Màn hình cảm ứng được phát minh và ứng dụng trong khá nhiều lĩnh vực, thiết bị chẳng hạn máy tính tiền siêu thị, ATM, máy bán nước....Nhưng điện thoại trang bị màn hình cảm ứng ở thời gian trước đây được xem là một loại công nghệ cực kì xa xỉ.
Cuộc cách mạng công nghệ trong vài năm gần đây đã dần biến smartphone với màn hình cảm ứng ngày càng trở nên phổ biến, giá rẻ và kiểu dáng hiện đại hơn. Màn hình cảm ứng là gì đã không còn quá xa lạ, và mọi thứ đang dần trở thành một phần của cuộc sống
Màn hình cảm ứng là gì và các loại cảm ứng điện thoại hiện tại?
Nói đơn giản, màn hình cảm ứng là loại màn hình có thể hỗ trợ người dùng điều khiển thiết bị thông qua các thao tác chạm bằng tay hoặc bút cảm ứng. Lợi thế lớn nhất của công nghệ mới là giúp các thao tác trở nên trực quan, từ đó tăng diện tích hiển thị của thông tin, rút ngắn thời gian tương tác nhiều lần và thay đổi cách nhập liệu truyền thống.
Smartphone có màn hình cảm ứng cho phép các trải nghiệm chơi game, lướt web, xem phim, nghe nhạc trở nên 'sướng' đúng nghĩa.
Có hai loại màn hình cảm ứng cơ bản, gồm điện dung và điện trở. Công nghệ màn hình cảm ứng điện trở đã quá cũ và trở lỗi thời, không còn được áp dụng từ khá lâu, phổ biến nhất trên thị trường đang là cảm ứng điện dung đa điểm, với tấm nền TFT hoặc IPS, cùng với bề mặt cảm ứng phủ một lớp kính cường lực có khả năng chịu va đập.
Cấu tạo của màn hình cảm ứng là gì?
Cấu tạo màn hình cảm ứng sẽ gồm nhiều lớp, nhưng lớp dưới cùng sẽ buộc là tấm nền hỗ trợ hiển thị. Tấm nền sẽ được phủ một hợp chất làm từ hỗn hợp dẻo, và có cấu tạo tùy vào màn hình mềm hoặc cứng khác nhau.
Phía trên tấm nền hiển thị là yếu tố để tạo độ sáng, tấm nền IPS hoặc TFT được đặt tiếp theo, sau đó đến lớp cảm ứng và mặt trên cùng có thể là cường lực hoặc nhựa để bảo vệ màn hình. Lớp bảo vệ ở mặt trên cùng phổ biến nhất hiện nay đa phần đều là Gorilla Glass (Corning sản xuất) và Dragontrail (từ Asashi Glass) , một loại kính mỏng, cấu tạo bởi hợp kim kiềm và aluminosilicate với độ bền cao hơn nhiều lần so với kính thông thường, có thể bảo vệ màn hình khỏi các chấn động thiết bị sẽ tiếp xúc trong quá trình sử dụng.
Không chỉ áp dụng trên điện thoại, kính cường lực còn sử dụng trên laptop, máy tính bảng hoặc thậm chí cả tivi. So với các loại kính thông thường, cường lực mỏng hơn nhưng vẫn cho độ bền cực cao, khả năng hiển thị tuyệt vời và chất lượng cảm ứng cũng tốt hơn.
Nguyên lí hoạt động của màn hình cảm ứng là gì?
Màn hình cảm ứng sẽ gồm 3 thành phần chính để nhận các tín hiệu tác động từ bên ngoài, gồm cảm biến, phần cứng và phần mềm bên trong. Nhiệm vụ chính màn hình cảm ứng là 'xác định' vị trí với tọa độ XY khi có người dùng chạm, vuốt, kéo thả trên bề mặt.
Lớp cảm biến chính là phần ở trên cùng như đã đề cập. Tùy theo loại và nhà sản xuất, màn hình sẽ được thiết kế với cơ chế 'tạo lưới' hay 'giăng bẫy' để nhận biết tọa độ khi có tác động. Sự thay đổi điện áp, điện dung, điện trở khi có ngón tay chạm vào sẽ là cơ chế chính để màn hình nhận diện chính xác tọa độ XY.
Sau khi cảm biến nhận các tín hiệu 'đầu vào', bộ điều khiển (các mạch điện tử) sẽ 'dịch thuật' và gởi thông tin đến phần mềm bên trong smartphone. Mọi thứ được xử lí, tiếp đến trả về kết quả phản hồi cho và ra lệnh cho màn hình cảm ứng phải 'nhảy' đúng vị trí trước đó - Độ nhạy của màn hình cảm ứng phụ thuộc vào các yếu tố cả về phần cứng, phần mềm và chất lượng của lớp cảm ứng.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, màn hình cảm ứng giờ đây đã có giá thành rẻ hơn, nhưng chất lượng và độ bền vượt trội hơn hẳn, đồng thời giữa giá rẻ và cao cấp cũng không có sự chênh lệch quá nhiều vào tấm nền. Thay vào đó, nên chọn thiết bị có góc nhìn tốt (tấm nền IPS), độ phân giải cao và màu sắc hài hòa, trung thực.
Nguồn : FPTShop.com.vn