Sẽ có quy định muốn sở hữu ô tô phải có tài khoản ngân hàng để phục vụ việc xử phạt vi phạm
Không rút ngắn thời hạn bằng lái
Tại văn bản gửi UBND TP Hà Nội, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt kiến nghị, cần siết chặt quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch và cấp Giấy phép lái xe (GPLX), cụ thể như chuyển giao công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, đồng thời, quy định đối với mỗi GPLX cấp thang điểm tối đa là 10 điểm, nếu người điều khiển vi phạm bị trừ hết số điểm thì phải thi, sát hạch lại như lần đầu để được cấp lại GPLX. Bên cạnh đó, đề nghị quy định đối với GPLX ô tô hạng B2 rút ngắn thời hạn còn 5 năm thay vì 10 năm như hiện nay.
Tuy vậy, đề xuất này không nhận được sự đồng tình từ Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Sở GTVT Hà Nội. Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, đề nghị này không phù hợp với Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Ngành GTVT quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX là phù hợp với chủ trương hội nhập quốc tế.
Còn về việc chấm điểm đối với GPLX, theo lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam là không mới, trước đó đã quy định việc bấm lỗ trên bằng lái xe, song hình thức quản lý này không hiệu quả nên đã được bãi bỏ vào năm 2007. “Việc quy định hiệu lực của GPLX ô tô hạng B2 là 10 năm như hiện nay phù hợp với Nghị quyết 45/NQ-CP của Chính phủ ban hành 16-11-2010 về đơn giản hóa thủ tục hành chính và tạo điều kiện cho người lái xe hạng B không kinh doanh vận tải”, bà Phan Thị Thu Hiền cho hay.
Hạ cốt đê sông Hồng làm tàu điện hoặc xe buýt?
Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cũng đề xuất ban hành quy định công dân đến đăng ký sở hữu phương tiện ô tô phải có tài khoản cá nhân tại ngân hàng để phục vụ cho công tác xử lý vi phạm qua hình ảnh. Đối với những trường hợp lái xe vi phạm được các cơ quan chức năng phát hiện thông qua hệ thống camera giám sát phục vụ xử phạt vi phạm hành chính sẽ nhận thông báo về hành vi vi phạm, chế tài xử lý, đồng thời bị khấu trừ số tiền xử phạt vi phạm hành chính trong tài khoản.
Bên cạnh đó, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt cũng kiến nghị hạ cốt đê, xây dựng 2 tuyến tàu điện hoặc 2 tuyến xe buýt nhanh BRT phục vụ nhân dân đi lại, hạn chế phương tiện cá nhân. Cụ thể, tuyến số 1 từ bến Nứa (Long Biên) đi Yên Phụ - Nghi Tàm - Âu Cơ - đê Liên Mạc - Nhổn - QL32 - Phùng và ngược lại; tuyến 2 từ Yên Phụ - Nguyễn Khoái - Lĩnh Nam - Pháp Vân - Ngọc Hồi - Thường Tín và ngược lại. Về đề xuất này, đại diện Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, do đê sông Hồng là đê cấp đặc biệt vì vậy việc hạ cốt đê cần phải có ý kiến thống nhất của Bộ NN&PTNT mới có đủ cơ sở để triển khai thực hiện.
Đối với tuyến số 1, hiện UBND TP đang tập trung triển khai dự án xây dựng cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, trong đó có việc hạ cốt đê (thay thế đê đất bằng đê bê tông đoạn từ đường Thanh Niên - khách sạn Thắng Lợi), dự án đang được chủ đầu tư thực hiện các thủ tục trình duyệt theo quy định. Việc mở tuyến buýt nhanh BRT như đề xuất sẽ xem xét sau khi hoàn thành việc thay thế đê đất bằng đê bê tông. Đối với tuyến số 2, hiện tại hạ tầng kỹ thuật đoạn Nguyễn Khoái - Lĩnh Nam còn hạn chế chưa đủ điều kiện để bố trí làn đường dành riêng cho xe buýt. Việc này sẽ được xem xét khi hạ tầng giao thông đường bộ đủ điều kiện.
Ngân Tuyền (ANTĐ)