Xiaomi đã chọn DBG Technology cho việc sản xuất thiết bị cầm tay của mình. DBG Technology là một công ty sản xuất thiết bị điện tử, có trụ sở đặt tại Hồng Kông. Công ty này có một nhà máy sản xuất tại Thái Nguyên, với diện tích khoảng 200.000 m2 cùng khoản đầu tư xấp xỉ 80 triệu USD.
Mục tiêu của Xiaomi là sử dụng cơ sở mới tại Việt Nam này làm trung tâm xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á, như Malaysia và Thái Lan. Xiaomi hiện đứng thứ hai về thị phần tại Việt Nam với 22%, chỉ đứng sau Samsung một bậc (34%). Các trung tâm sản xuất khác của Xiaomi được đặt tại Trung Quốc và Ấn Độ.
Trong buổi nói chuyện giữa Xiaomi và Global Times vào ngày hôm qua, phát ngôn viên của Xiaomi đã cho biết: chi phí giao hàng ở thị trường Đông Nam Á đang tăng do ảnh hưởng của đại dịch Covid, chi phí hậu cần những năm gần đây cũng tăng đáng kể. Để giải quyết những vấn đề này, công ty đã hợp tác với những đối tác của mình để thực hiện việc nội địa hoá sản xuất.
Ma Jihua, một nhà phân tích công nghệ kỳ cựu, đã chỉ ra rằng: việc thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam hoặc các thị trường Đông Nam Á khác có thể cải thiện cả chi phí và hiệu quả phân phối của các nhà sản xuất thiết bị cầm tay Trung Quốc. ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc và việc hợp tác công nghiệp ngày càng chặt chẽ giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là xu thế dài hạn cho nhiều ngành công nghiệp, bao gồm cả điện thoại thông minh.
Một số nhà sản xuất sản phẩm điện tử cũng đã nhận thấy xu hướng này, bao gồm cả nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Trung Quốc TCL và nhà sản xuất màn hình hiển thị BOE. Một trong những nhà sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời hàng đầu của Trung Quốc, Trina Solar, cũng đã thiết lập dây chuyền sản xuất tại Việt Nam vào đầu năm 2017.
Ma cũng chỉ ra rằng, mặc dù Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động, vị trí và các khía cạnh khác, nhưng năng lực đảm nhận sản xuất từ Trung Quốc cho đến nay vẫn còn hạn chế do phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp một số thiết bị và bộ phận cốt lõi.