Tác động của COVID-19 và những 'cú huých' hỗ trợ DN
Đại dịch COVID-19 và các biện pháp hạn chế liên quan đã làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, cắt giảm năng suất lao động và giảm doanh thu - khiến nhiều DN bị ảnh hưởng nặng nề, thậm chí có nhiều DN đã không thể vượt qua được cuộc khủng hoảng đặc biệt là các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), các DN nhỏ đại diện cho hơn 95% tổng số DN và chiếm hơn 60% việc làm trên toàn thế giới. Vai trò của các công ty này thậm chí còn rõ nét hơn ở các nền kinh tế mới nổi, nơi họ đóng góp đáng kể vào việc tạo việc làm, cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo.
Với vai trò quan trọng của DN nhỏ và vừa trong nền kinh tế toàn cầu, thành công của các nỗ lực phục hồi sau đại dịch sẽ phụ thuộc vào tình trạng tài chính của họ. Nếu không có các khuôn khổ pháp lý và quy định mạnh mẽ về tình trạng mất khả năng thanh toán, nhiều quốc gia sẽ phải đối mặt với một thời kỳ khó khăn với tình trạng phá sản gia tăng có thể kìm hãm tinh thần kinh doanh và tăng trưởng trong nhiều năm tới.
Trong bối cảnh đó, các chính sách đúng đắn và sự can thiệp của chính phủ là rất quan trọng trong việc đảm bảo cho các DN khả thi có thể tiếp tục duy trì và phát triển được trong tương lai, đồng thời các doanh nhân phải đóng cửa DN có thể có được một khởi đầu mới trong điều kiện kinh tế tốt hơn.
(Ảnh minh họa)
Hỗ trợ các DN đang gặp khó khăn là một phần trọng tâm trong chiến lược cứu trợ kinh tế của các chính phủ trong suốt đại dịch. Trên tình hình thực tế đó, nhiều chính phủ đã áp dụng một loạt các biện pháp khẩn cấp nhằm hỗ trợ tính thanh khoản cho các DN và hạn chế nguy cơ phá sản tăng đột biến. Các biện pháp này được thực hiện dưới nhiều hình thức bao gồm hoãn thanh toán và nộp thuế, giảm nợ và gia hạn bảo lãnh các khoản vay của nhà nước, tạo điều kiện tiếp cận tín dụng và cung cấp các khoản trợ cấp.
Dựa trên Công cụ theo dõi chính sách tiếp cận tài chính COVID-19 của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy, các biện pháp hỗ trợ phổ biến nhất được chính phủ 130 quốc gia sử dụng để giúp các DN nhỏ đó là hỗ trợ tài chính với 77% quốc gia áp dụng, tiếp theo là bảo lãnh công cho các khoản vay (50%), chậm trả nợ (30%), giảm thuế (28%), và giảm lãi suất (24%).
Tuy nhiên, mô hình của các chính sách phản ứng này khác nhau ở các nhóm quốc gia khác nhau. Ở các nước có thu nhập cao và trung bình đã áp dụng nhiều biện pháp, trung bình lần lượt là 2,5 và 1,9 biện pháp. Khoảng 80% các nền kinh tế này thực hiện hỗ trợ tài chính, trong khi các biện pháp khác chiếm tỷ trọng nhỏ hơn, dao động từ 20 - 60%.
Ví dụ như Bolivia, Botswana và Ấn Độ là một trong số các quốc gia có thu nhập trung bình đã áp dụng cả hỗ trợ tài chính và bảo lãnh cho vay. Trong khi đó, hỗ trợ tài chính và giảm thuế là những biện pháp được các nước thu nhập thấp sử dụng nhiều nhất, với tỷ lệ lần lượt là 75% và 33%.
Để giúp Liên minh châu Âu (EU) phục hồi sau tác động kinh tế - xã hội của đại dịch, các nhà lãnh đạo EU cũng đã nhất trí về một quỹ phục hồi bất thường trị giá 750 tỷ euro có tên là 'Thế hệ tiếp theo EU' (Next Generation EU). Gói phục hồi sẽ đặc biệt ưu tiên đầu tư vào chuyển đổi số (CĐS) và chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, nhiều quốc gia cũng đã áp dụng các biện pháp can thiệp điều tiết phi tài chính để hạn chế DN phá sản một cách hiệu quả.
Ví dụ, chính phủ Pháp đã thay đổi quy định và chính sách về tuyên bố một công ty là công ty mất khả năng thanh toán, hạn chế nghĩa vụ nộp đơn phá sản. Hay tại Bỉ, các tòa án và cơ quan đăng ký kinh doanh cũng đã điều chỉnh chính sách và hạn chế hoạt động của họ để bảo vệ các DN hoạt động tốt khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng COVID-19.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), những biện pháp can thiệp này đã hạn chế được số lượng lớn các trường hợp nộp thủ tục phá sản kể từ khi COVID-19 bùng phát.
Rõ ràng, những biện pháp này có thể chỉ trì hoãn một làn sóng phá sản tạm thời, có thể có lợi cho nền kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra nhiều vấn đề khi ngày càng có nhiều lo ngại rằng chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến việc phân bổ nguồn lực và tăng trưởng năng suất tổng hợp trong thời gian dài, nếu các DN kém hiệu quả vẫn tiếp tục tồn tại, ngăn cản vốn và lao động được chuyển đến các cơ hội kinh doanh mới.
Nhận định về vấn đề này, bà Isabelle Durant, Quyền Tổng thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết, sự hỗ trợ phải phù hợp với các ưu tiên của quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau COVID-19. Các biện pháp hỗ trợ ngắn hạn như giảm gánh nặng thuế, mở rộng tài chính nợ và hỗ trợ việc làm chắc chắn là cần thiết và cần được tiếp tục
'Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đầu tư vào các chính sách cấu trúc dài hạn, chẳng hạn như kỹ thuật số và tài chính, cũng như phát triển năng lực kỹ năng kinh doanh', bà Durant nhấn mạnh.
Trong bối cảnh đại dịch, các DN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ có xu hướng bị ảnh hưởng ít hơn so với các DN truyền thống, chậm chuyển đổi.
Có một thực tế là trong bối cảnh đại dịch, các DN ứng dụng mạnh mẽ công nghệ hoặc có liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông ít bị ảnh hưởng hơn so với các công ty, DN truyền thống, chậm chuyển đổi.
Do đó, theo OECD, các chính sách hỗ trợ không nên chỉ tập trung vào các biện pháp hạn chế tình trạng kiệt quệ tài chính và những tác động tiêu cực của nợ chồng chất trong ngắn hạn. Các chính sách cũng nên được kết hợp với các biện pháp hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phổ biến công nghệ để đẩy mạnh CĐS toàn diện; cung cấp môi trường và động lực phù hợp cho các công ty khởi nghiệp đổi mới và phát triển, đồng thời cho các doanh nhân tiềm năng gia nhập thị trường; đảm bảo các điều kiện khung thân thiện với DN, để thúc đẩy thử nghiệm và tái phân bổ nguồn lực; hỗ trợ chuyển đổi sang các công việc mới, đặc biệt là cho các nhóm lao động yếu thế.
Các chính sách tăng cường tính năng động và thúc đẩy phục hồi toàn diện
Những diễn biến hiện tại của các chiến dịch tiêm chủng COVID-19 đã làm tăng niềm tin vào khả năng kiểm soát đại dịch trong trung và dài hạn. Tuy nhiên, rủi ro kinh tế liên quan vẫn còn tiềm ẩn trong tương lai gần. Một làn sóng phá sản sắp tới có thể đè nặng lên nền kinh tế vốn đã rất suy yếu.
Theo OECD, các chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc hạn chế những rủi ro này bằng cách thực hiện một chiến lược cân bằng để loại bỏ dần các chính sách hỗ trợ khẩn cấp thay vào đó là các chính sách hỗ trợ và phát triển bền vững trong tương lai.
Theo đó, OECD cũng đã đưa ra các khuyến nghị về các chính sách giúp tăng cường tính năng động và thúc đẩy DN phục hồi toàn diện.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cho một lộ trình CĐS toàn diện
Công nghệ số góp phần vào việc giới thiệu và nâng cấp nhanh chóng các hàng hóa và dịch vụ mới, đồng thời cũng thay đổi cách thức sản xuất của các DN, với kỳ vọng lớn về mặt lợi nhuận và năng suất. Các công nghệ số cũng là chìa khóa để duy trì hoạt động kinh tế trong thời gian thực hiện các biện pháp hạn chế xã hội.
Tuy nhiên, không phải tất cả các công ty đều áp dụng công nghệ số theo cách giống nhau và cũng không được hưởng lợi như nhau từ quá trình CĐS. Thậm chí, khoảng cách ngày càng gia tăng khi sự chuyển dịch sang các phương thức sản xuất kỹ thuật số ngày càng được ứng dụng mạnh mẽ giữa các DN nhanh nhạy trong việc chuyển đổi và phần còn lại của 'dân số' DN.
Do đó, việc đẩy mạnh sự phổ biến công nghệ cũng như đảm bảo rằng lợi ích của CĐS được chia sẻ giữa các DN và người lao động vẫn nên là những ưu tiên hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách. Những ưu tiên này có thể đạt được bằng cách nâng cao nhận thức về các công nghệ phù hợp, nâng cao năng lực ứng dụng của các DN và đảm bảo các điều kiện để sử dụng hiệu quả các công cụ kỹ thuật số, đặc biệt là tập trung vào cải thiện các kỹ năng liên quan cho tất cả người lao động và nâng cao năng lực quản lý.
Cung cấp các điều kiện và khuyến khích phù hợp cho các công ty khởi nghiệp
Tinh thần kinh doanh và một môi trường kinh doanh năng động là chìa khóa để thúc đẩy sự năng động của DN, đặc biệt là vào thời điểm mà việc giảm đăng ký kinh doanh đang là nguyên nhân ngày càng khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại.
Điều này có thể đạt được bằng cách cung cấp các điều kiện và ưu đãi phù hợp cho các DN mới thành lập và các doanh nhân tiềm năng. Các biện pháp hữu ích bao gồm giảm các rào cản gia nhập, giảm thiểu sự không chắc chắn về quy định, thúc đẩy đào tạo về tinh thần kinh doanh, phát triển mạng lưới giữa các thành viên khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp và hợp tác giữa các trường đại học và DN.
Đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng thanh khoản mà các công ty đang trải qua do đại dịch COVID-19, việc đảm bảo rằng nguồn vốn cho các công ty khởi nghiệp sáng tạo vẫn có sẵn là điều tối quan trọng.
Sự gia nhập của các DN mới và đóng góp của họ vào thị trường việc làm và đổi mới có thể bị cản trở bởi những ràng buộc liên quan đến nhu cầu tài chính và thiếu một hệ sinh thái hướng tới tinh thần kinh doanh. Mặc dù những vấn đề này có một số điểm tương đồng với những khó khăn mà các DN hiện nay phải đối mặt, nhưng các chính sách hỗ trợ không nên bỏ qua các đặc thù của khởi nghiệp và theo sát trong suốt quá trình phát triển của DN. Điều này đòi hỏi phải sử dụng nhiều công cụ khác nhau (từ đơn giản hóa việc tài trợ vốn mạo hiểm đến việc hoàn trả các khoản vay liên quan đến lợi nhuận của DN) trong sự phối hợp với các tổ chức tư nhân để thích ứng với các nhu cầu khác nhau của DN trong vòng đời của họ.
Đảm bảo các điều kiện khung thân thiện với DN để ưu tiên thử nghiệm và phân bổ lại nguồn lực
Các chính phủ đã thành công trong việc hạn chế làn sóng phá sản có thể gây tổn hại đến việc làm và năng lực sản xuất của các nền kinh tế. Khi các biện pháp khẩn cấp được loại bỏ dần, các nhà hoạch định chính sách có thể tận dụng cơ hội để cải thiện hiệu quả của việc phân bổ lại nguồn lực. Trong bối cảnh đó, việc giảm bớt các rào cản pháp lý đối với việc gia nhập, san bằng sân chơi, nâng cao hiệu quả tư pháp và hiệu quả của các thủ tục thanh lý có thể kích thích sự năng động của DN. Tương tự, thúc đẩy thử nghiệm và tái phân bổ nguồn lực sẽ giảm tỷ lệ vốn bị chìm trong các công ty không có khả năng phục hồi.
Cuộc khủng hoảng COVID-19 cũng phản ánh ở một mức độ nào đó tầm quan trọng ngày càng tăng của các nghề đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật số của lực lượng lao động.
Hỗ trợ chuyển đổi sang công việc mới cho các nhóm lao động có hoàn cảnh khó khăn
Việc phân bổ lại các nguồn lực, mặc dù có lợi cho sự phục hồi và tăng năng suất, nhưng lại có thể có những tác động bất lợi đối với những người lao động bị di chuyển. Do đó, các kế hoạch phục hồi cũng cần hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang việc làm mới, đặc biệt là đối với những người lao động có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời cũng đẩy mạnh quá trình CĐS đang diễn ra của các DN và nền kinh tế nói chung.
Những tác động không đồng nhất của cuộc khủng hoảng giữa các lĩnh vực phản ánh ở một mức độ nào đó tầm quan trọng ngày càng tăng của các nghề đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật số, có thể mang lại cơ hội cho những người lao động bị dịch chuyển có đủ kỹ năng. Về mặt này, các chính sách không nên chỉ nhằm phục hồi nền kinh tế mà còn cần chuẩn bị cho người lao động trong tương lai, thúc đẩy nguồn nhân lực và hỗ trợ chuyển đổi hiệu quả giữa các ngành nghề. Điều này có thể làm tăng triển vọng cho người lao động, giảm thiểu chi phí xã hội, tăng cường khả năng phục hồi và tính toàn diện của thị trường lao động, đảm bảo rằng không có người lao động nào bị bỏ lại phía sau./.