Waka là một trong 15 nhà phát hành sách điện tử chính thức do Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ thông tin và Truyền thông cấp phép hiện nay. Là đơn vị hoạt động trên môi trường số, Waka sớm làm quen và học hỏi các xu hướng chuyển đổi số.
Ông Đinh Quang Hoàng, Giám đốc điều hành Waka, nói về thực tế chuyển đổi số của đơn vị mình, đồng thời đưa ra nhận định về xu thế chuyển đổi tất yếu trong ngành xuất bản.
Ba giai đoạn của chuyển đổi số trong xuất bản
PV: Chuyển đổi số sẽ mang lại điều gì cho ngành xuất bản, thưa ông?
Ông Đinh Quang Hoàng: Chuyển đổi số là “sự thay đổi liên quan việc áp dụng công nghệ kỹ thuật số trong mọi khía cạnh của xã hội loài người”. Hay là “sự tích hợp công nghệ kỹ thuật số vào tất cả lĩnh vực của doanh nghiệp dẫn đến những thay đổi cơ bản đối với cách hoạt động của doanh nghiệp và cách họ cung cấp giá trị cho khách hàng” (Enterprisers project).
Theo tôi, chính sự thay đổi 'toàn diện', hoặc 'mọi khía cạnh' xác định phạm vi của chuyển đổi số. Khi triển khai chuyển đổi số, nó có ba đặc điểm mang lại lợi ích cho ngành xuất bản:
Thứ nhất, “tập trung vào trải nghiệm của khách hàng”: Khách hàng là người hưởng lợi. Khách hàng của các nhà xuất bản ở đây không chỉ là người đọc, mà còn là tác giả, dịch giả…
Mô hình cũ là nhà xuất bản quyết định điều gì tạo nên một cuốn sách hay. Mô hình mới là nỗ lực cộng tác nhiều hơn để làm việc cùng nhau trong môi trường kỹ thuật số để tạo ra sản phẩm cuối cùng mà mọi người đều hài lòng.
Ông Đinh Quang Hoàng - Giám đốc điều hành Waka. Ảnh: NVCC.
Thứ hai là “Quy trình hoạt động”: Chuyển đổi số trong nội tại tổ chức, để tối ưu năng lực và sử dụng hiệu quả thông tin từ các phòng ban.
Nhà xuất bản là kho thông tin và ý tưởng là lưu trữ tất cả thông tin này dưới dạng kỹ thuật số, lập bản đồ thông tin (sử dụng siêu dữ liệu) để người dùng cuối dễ dàng tìm thấy hơn và cung cấp cho người dùng cuối những cách sử dụng khác nhau.
Tất cả điều này cho phép nhà xuất bản đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng và tạo ra tính đáp ứng của yếu tố thứ ba là có “Mô hình kinh doanh mới” với các luồng doanh thu mới.
PV: Theo ông, một doanh nghiệp xuất bản tham gia chuyển đổi số cần thực hiện những bước nào?
Ông Đinh Quang Hoàng: Tôi nghĩ ba giai đoạn của chuyển đổi số trong xuất bản là:
1. Số hóa: Hoạt động chuyển đổi tất cả dữ liệu từ dạng lưu trữ truyền thống sang dạng dữ liệu lưu trữ trên máy tính (và/hoặc các thiết bị nhớ). Hiểu đơn giản là tất cả cuốn sách cần phải được chuyển thành sách điện tử.
2. Ứng dụng số hóa: Việc sử dụng các phần mềm, công cụ hỗ trợ phù hợp để thao tác với dữ liệu đã số hóa, qua đó nâng cao năng suất nhờ vào việc giảm thiểu các công việc thủ công, cũng như sử dụng tối ưu được dữ liệu.
3. Chuyển đổi số: Sau khi triển khai được hoàn thiện hai giai đoạn trên, các doanh nghiệp mới có thể bước vào giai đoạn chuyển đổi số.
Ứng dụng phần mềm có tích hợp trí tuệ nhân tạo
PV: Waka đang thực hiện chuyển đổi số ra sao?
Ông Đinh Quang Hoàng: Căn cứ ba giai đoạn như trên, hiện tại, chúng tôi đang ở cuối giai đoạn số hai là Ứng dụng số hóa sau khi đã tích luỹ được kho dữ liệu sách số từ quá trình hợp tác với hầu hết nhà xuất bản, các công ty phát hành trong nước, cũng như các đơn vị sở hữu nội dung nước ngoài.
Giai đoạn này, chúng tôi tập trung việc tiếp tục triển khai các ứng dụng phần mềm có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI), máy học (ML) và hệ cơ sở dữ liệu hành vi. Ứng dụng này để nâng cao năng suất cho đội ngũ biên tập, giúp họ làm quen với quy trình xuất bản kiểu mới cho giai đoạn sau này.
Hoạt động chuyển đổi số ở ngành xuất bản của chúng ta hiện nay chưa thực sự diễn ra, nếu căn cứ theo đúng chuẩn khái niệm của chuyển đổi số.
Ông Đinh Quang Hoàng
Quá trình này cũng giúp nâng cao trải nghiệm từ phía người dùng cuối, mang thêm nhiều giá trị cho người đọc (không chỉ ở nội dung sách mà còn ở cách người đọc tương tác với cả tác phẩm - tác giả - dịch giả, qua đó tạo ra dòng doanh thu mới để bắt đầu chính thức chuyển sang giai đoạn chuyển đổi số.
PV: Khi chuyển đổi số, công ty của ông gặp khó khăn, thách thức gì?
Ông Đinh Quang Hoàng: Khó khăn chính khi chuyển đổi số là sự kết nối giữa các doanh nghiệp xuất bản điện tử (ví dụ Waka) và các đơn vị phát hành truyền thống.
Về cơ bản, việc triển khai giai đoạn một (Số hóa) cần chi phí lớn, và ở giai đoạn hai (Ứng dụng số hóa) nếu không duy trì được để tạo thói quen lâu dài cho người dùng cũng như tạo được lợi thế cho doanh nghiệp, thì sẽ không thể chuyển sang giai đoạn ba là Chuyển đổi số.
Do đó, bài toán cần giải quyết của các doanh nghiệp tham gia xuất bản điện tử nói chung và Waka nói riêng là cân đối giữa triển khai mang tính ngắn hạn (chiến thuật) với tầm nhìn chiến lược. Cần có những kết quả ngắn hạn mang tính động lực nhưng không phá vỡ tính hệ thống trong thị trường sách điện tử nói riêng và thị trường sách nói chung.
Đơn cử một trường hợp là việc xây dựng kho sách số hoá, hiện nay chúng tôi đang hợp tác với các đơn vị sở hữu bản quyền các tựa sách phát hành trong nước, tuy nhiên số lượng còn rất khiêm tốn. Ước tính số đầu sách chỉ chiếm ít hơn 5% số tựa sách đã phát hành (bản in giấy) trên thị trường.
Điều này khiến kho sách điện tử số hóa hầu như không đáp ứng được nhu cầu người đọc. Trong khi đó, phí duy trì kho sách lại chiếm tới hơn 30% chi phí vận hành.
Nếu tiếp tục duy trì kho sách theo cách cũ sẽ không thực sự hiệu quả, trong khi thị trường lại không phát triển được (cần tối thiểu 30% lượng sách để người dùng có “cảm giác” luôn tìm thấy những thứ họ muốn tìm ở phiên bản điện tử, qua đó thay đổi được thói quen). Đây vẫn là bài toán nan giải nhất cho đến hiện tại.
Nhiều đơn vị trong nước đang ở bước số hóa xuất bản phẩm. Ảnh minh họa: Shutterstock.
'Chuyển đổi số chưa thực sự diễn ra ở xuất bản nước ta'
PV: Ông nhìn nhận ra sao về thực trạng chuyển đối số trong xuất bản ở nước ta?
Ông Đinh Quang Hoàng: Rõ ràng, 'chuyển đổi số' đang là khái niệm “hot”, được nhắc đến rất nhiều và sử dụng rộng rãi trong khoảng thời gian gần đây.
Theo quan sát cá nhân, hoạt động chuyển đổi số ở ngành xuất bản của chúng ta hiện nay chưa thực sự diễn ra, nếu căn cứ theo đúng chuẩn khái niệm của 'chuyển đổi số'. Cũng không có gì phải ngại khi nói điều này, vì ngay cả các nhà xuất bản lớn trên thế giới còn gặp phải vướng mắc tương tự.
Căn cứ ba giai đoạn đã nêu, một phần không nhỏ các nhà xuất bản, đơn vị phát hành mới đang dừng lại ở giai đoạn số một, và một số đơn vị khác ở đầu giai đoạn hai. Bên cạnh đó, khá nhiều đơn vị khác còn e dè, thậm chí chưa triển khai giai đoạn số hóa một cách đầy đủ.
PV: Theo ông, các đơn vị xuất bản, phát hành cần giải pháp nào để khắc phục khó khăn, thực hiện chuyển đổi số?
Ông Đinh Quang Hoàng: Trong xu thế tất yếu của chuyển đổi số, nếu các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành trong nước không làm bây giờ thì sớm hay muộn cũng xuất hiện các doanh nghiệp nước ngoài điền vào chỗ trống trên thị trường này.
Việc giám sát và quản lý các hoạt động của doanh nghiệp công nghệ nước ngoài luôn luôn khó khăn (ngay cả chính nước sở tại) đặc biệt với các công ty công nghệ thuộc nhóm Big4.
Thay vì các doanh nghiệp phát hành còn e dè thực hiện những bước đầu tiên để số hóa (do mất nhiều chi phí) và sau đó để mất dữ liệu vào các trang lậu hay các nền tảng quốc tế mà không mang lại lợi ích gì nhiều, các doanh nghiệp phát hành có thể quan tâm đến gói hợp tác cung cấp nền tảng của những đơn vị như chúng tôi.
Nguồn: zingnews.vn