Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ đã mang đến rất nhiều thay đổi trong cuộc sống của chúng ta, bao gồm cả cách mà chúng ta trò chuyện, giao tiếp với người khác. Ngày nay, chúng ta vẫn thường xuyên vô tư sử dụng những cụm 'không phải tiếng Việt' như: 'Đợi tí để tôi Google thử xem' hay 'Photoshop hộ tôi bức ảnh này với', ấy vậy mà người nghe vẫn hiểu chúng ta đang muốn nói gì mà chẳng cần hỏi lại.
Đó chính là do Google, Photoshop, và còn rất nhiều từ khác, là những công ty công nghệ đã quá nổi tiếng trên toàn thế giới, đến mức tên của họ giờ đây đã được sử dụng như một động từ trong giao tiếp hàng ngày.
1. Google
Google đã trở thành một động từ với hàm ý 'tra cứu thông tin trên công cụ tìm kiếm Google'.
Google là công cụ tìm kiếm trực tuyến lớn nhất thế giới, và phổ biến đến mức “cái gì không biết thì cứ Google là xong”. Kể từ khi ra mắt vào năm 2008 đến nay, Google đã trở thành nguồn thu thập và cung cấp thông tin khổng lồ về mọi lĩnh vực, khía cạnh trong cuộc sống. Đến năm 2016, Google đã xuất sắc vượt qua cả YouTube lẫn Facebook để trở thành trang web có lượng truy cập lớn thứ 2 toàn cầu. Động từ “Google” ngày nay được sử dụng như một cách ngắn gọn cho việc tìm kiếm thông tin trên nền tảng Google.
2. Photoshop
Photoshop thì được sử dụng với ý nghĩa 'chỉnh sửa hình ảnh'.
Giống như Google, Photoshop cũng là một “ông trùm”, nhưng là của lĩnh vực chỉnh sửa hình ảnh. Ngay từ khi ra mắt vào năm 1990, Photoshop đã nhanh chóng nổi lên như một công cụ chỉnh sửa ảnh cao cấp và cực kì chi tiết, mang đến rất nhiều tính năng để người dùng thỏa sức sáng tạo.
Giờ đây, chỉ cần bạn nói: “Photoshop hộ tôi bức ảnh này”, là người nghe sẽ hiểu ngay bạn đang muốn làm gì. Thế nên chúng ta mới có trào lưu đăng tải một bức ảnh lên mạng và nhờ cộng đồng mạng “photoshop” hộ để có được tác phẩm sống ảo như ý muốn. Nhưng coi chừng đấy, không phải ai chỉnh sửa ảnh cũng có tâm đâu nhé.
3. Skype
Chắc hẳn chúng ta đã không còn xa lạ với cụm từ 'Skype' hay 'gọi Skype' khi muốn liên lạc với bạn bè, người thân.
Skype là ứng dụng trò chuyện video trực tuyến hoàn toàn miễn phí của công ty cùng tên (đã được Microsoft mua lại vào năm 2011) và hiện đã có mặt trên rất nhiều thiết bị khác nhau như máy tính, tablet hay smartphone. Ra mắt từ năm 2003 nhưng phải đến giai đoạn 2009 - 2012, Skype mới thực sự trở nên phổ biến nhờ sự bùng nổ mạnh mẽ của smartphone.
Năm 2010, Apple ra mắt iPhone 4 kèm theo chức năng FaceTime hoàn toàn mới với cơ chế hoạt động khá giống Skype. Với phiên bản iOS 12 chính thức sẽ phát hành trong mùa thu năm nay, người dùng iPhone có thể gọi FaceTime theo nhóm với số lượng lên đến 32 người, thay vì chỉ có thể trò chuyện với 1 người tại 1 thời điểm như trước đây.
FaceTime cũng được sử dụng như một động từ với chức năng tương tự Skype.
Chính nhờ chức năng tiện lợi của mình mà Skype hay FaceTime đã được sử dụng như một động từ thay cho hành động trò chuyện qua video trên smartphone/tablet.
4. Instagram
Instagram cũng phổ biến đến mức được sử dụng để thay thế cho cụm 'đăng hình ảnh/video' lên mạng xã hội này.
Ra mắt vào năm 2010, Instagram đã trở thành một nền tảng mạng xã hội ảnh cực kỳ phổ biến và thu hút rất nhiều người dùng, trong đó bao gồm cả các sao bự của showbiz trên toàn thế giới. Đến năm 2012, sau khi được Facebook mua lại với giá 1 tỉ USD, Instagram mới thực sự “lên đồng” và phát triển mạnh mẽ, đạt hơn 1 tỉ người dùng tính đến tháng 6/2018.
Với mức độ phổ biến như vậy thì Instagram, hay Insta, đã biến thành 1 động từ mà giới trẻ thường sử dụng thay thế cho cụm “đăng ảnh/video” lên mạng xã hội này.
5. Grab
Thời tiết thất thường như hiện nay thì 'đi Grab' có lẽ sẽ là lựa chọn hợp lý hơn cả.
So với 4 công ty trên thì Grab có tuổi đời còn khá trẻ khi mới được thành lập vào năm 2012. Tuy nhiên, hãng đã nhanh chóng trở thành một trong những thế lực hàng đầu trong lĩnh vực taxi công nghệ và hiện đã trở nên quá phổ biến với người dùng Việt Nam. Giờ đây, khi bạn bè bảo bạn “đi Grab đi”, thì hãy biết đường rút điện thoại ra và đặt xe thông qua ứng dụng Grab nhé.
Theo DG
Trí thức trẻ