Smartphone Android chiếm 3/4 thế giới, nhưng chưa được một nửa tại Mỹ
Theo báo cáo từ Newzoo, thị phần smartphone Android ở Mỹ là 48.3% vào tháng 11/2017, tăng nhẹ từ mức 45.7% hồi tháng 10/2016. Như vậy, nó chiếm chưa đến một nửa thị phần tại Mỹ, nhưng Android vẫn là hệ điều hành nắm lợi thế ở quy mô toàn cầu.Cụ thể, đến tháng 11/2017, 75% smartphone trên toàn thế giới cài đặt Android, tỷ lệ cũng được cung cấp bởi Newzoo.
Thị phần Android nhỉnh hơn trên phạm vi toàn cầu một phần là do sự phổ biến của nó ở các nền kinh tế mới nổi. Tại những thị trường này, giá vẫn là một yếu tố quan trọng tác động đến quyết định mua sắm của người dùng, mà smartphone Android có thể được bán với giá rất rẻ, đôi khi chỉ nhỉnh hơn điện thoại nghe - gọi một chút.
Thống kê về lượng smartphone được vận chuyển trên toàn cầu từ Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) cũng phản ánh điều tương tự. Hãng ước tính thiết bị Android chiếm 85.1 % tổng số điện thoại thông minh xuất xưởng trong năm 2017, còn tỷ lệ dành cho iOS chỉ là 14.8%.
Android vẫn tiếp tục chiếm ưu thế về thị phần trong tương lai
Theo IDC dự đoán, cán cân giữa Android và iOS sẽ không thay đổi nhiều trong những năm tới. Tỷ lệ giữa 2 nền tảng gần như vẫn giữ nguyên cho đến năm 2021.
Do Google quyết định cung cấp mã nguồn mở và bất kỳ nhà sản xuất nào cũng có thể sử dụng hệ điều hành này, thế giới smartphone Android trở nên đa dạng với nhiều giao diện được tùy biến bởi mỗi thương hiệu, khác biệt hoàn toàn với nền tảng “đóng” mà Apple thực hiện với iOS.
Khi số người sử dụng smartphone ở các nền kinh tế đang phát triển, chẳng hạn như Ấn Độ và Indonesia tiếp tục tăng lên, rất có thể người dùng mới mua điện thoại thông minh lần đầu sẽ tiếp tục lựa chọn điện thoại Android - đa phần được bán với mức giá mà họ dễ tiếp cận.Điều đó cũng dễ hiểu khi ngay từ đầu, Apple đã định hướng iPhone như một sản phẩm xa xỉ và luôn trung thành với chiến lược giá dành cho thiết bị cao cấp. Những người mới bắt đầu dùng smartphone ở các nền kinh tế đang phát triển khó có thể bỏ ra quá nhiều tiền cho lần mua đầu tiên.
Điểm yếu cố hữu của Android
Android là hệ điều hành phổ biến nhất trên toàn cầu, nhưng nó vẫn đang phải đối mặt với một thực trạng khó khăn đã kéo dài trong suốt nhiều năm qua: Sự phân mảnh và tốc độ nâng cấp.
Theo số liệu từ chính Android, có ít hơn 1 % số thiết bị đang chạy phiên bản phần mềm gần đây nhất có tên “Oreo” (Android 8, ra mắt năm 2017) tính đến đầu tháng 1/2018. Phần lớn thiết bị Android đang chạy phiên bản “Marshmallow” (Android 6 - 2015) hoặc Nougat (Android 7 - 2016).
Nhiều điện thoại Android, nhất là những thiết bị giá rẻ, sẽ không được hỗ trợ cập nhật lâu dài. Tốc độ cập nhật cũng rất chậm, có thể lên đến vài tháng hoặc cả năm, do mỗi nhà sản xuất phải tùy chỉnh lại giao diện riêng của mình sau khi Google phát hành phiên bản mới.
Tình trạng phân mảnh này đặt ra thách thức lớn cho các nhà phát triển ứng dụng đang tìm cách dành sự ưu tiên để cải thiện trải nghiệm trên hệ điều hành Android.
Tech Funny