Ngoại hình
Đầu tiên bạn phải kiểm tra xem ngoại hình của máy có còn ngon lành hay không. Tùy mức độ và số tiền bạn bỏ ra mà bạn sẽ nhận được máy tương ứng. ví dụ giá đắt chút thì có thể ngoại hình ngon, giá thấp thì thường ngoại hình nát. Thật ra việc quyết định về ngoại hình phụ thuộc nhiều vào sở thích cá nhân: với mình thì máy phải đẹp, phải không có lỗi nào lớn, nhưng với một số bạn thì chẳng quan tâm, chỉ cần chạy ngon là được. Tùy trường hợp và số tiền bạn có mà cân nhắc nhé.Tất nhiên, với những hư hỏng quá nặng kiểu móp gắp, bể nắp, bể bản lề thì bạn cũng không nên mua vì 1. Mua về tốn tiền sửa chữa và 2) va đập nặng kiểu đó thì không chắc 'đồ lòng' bên trong còn đủ ngon và bền bỉ để chạy trong thời gian dài. Mình thường không khuyên bạn bè, người thân mua những chiếc laptop mà ngoại hình bị ảnh hưởng quá nặng cũng vì lý do này. Xài được vài ba hôm phải đem sửa, vài ba hôm đem sửa thì cực lắm các bạn à. Chẳng đáng, thời gian đó để dành kiếm được nhiều tiền hơn.
À, đừng quên kiểm tra những cổng kết nối nữa, xem xem có cổng nào bị vênh, méo hay gãy chân gì không nhé. Tốt nhất là cầm phụ kiện theo, bạn gắn thử vào cái laptop đó luôn để xem có vấn đề gì hay không. Hơi mất thời gian cho cả bạn và người bán, nhưng mình nghĩ là mình nên bảo vệ quyền lợi của mình trước.
Thế hệ CPU
Cứ mỗi năm Intel lại làm mới các vi xử lý của mình, và laptop theo đó cũng được làm mới. Thường thì bạn có thể nhìn vào đầu số mã hiệu của chip để biết được thế hệ Intel Core của CPU, ví dụ Core i7-3xxx là thế hệ thứ 3, Core i3-7xxx là thế hệ thứ 7. Có một số trường hợp ngoại lệ, nhưng nó nghiên nhiều hơn về CPU và mình sẽ chia sẻ với các bạn trong một topic riêng nhé.Quay trở lại với vụ thế hệ chip, hiện tại thế hệ CPU mới nhất đang là Intel Core 8th Gen (ra mắt cuối năm 2017), tức là đầu số sẽ là 8. Bạn có thể dựa vào con số này để ước tính xem chiếc máy second hand mình sắp mua đã cũ bao nhiêu năm và liệu sau này nó có còn đủ mạnh cho nhu cầu của bạn hay không. Hiện tại những chiếc máy tính dùng chip Intel Core thế hệ thứ ba vẫn còn chạy khá ổn ngay cả với Windows 10 mới nhất, nhưng dù sao thì bạn cũng nên lựa đời chip mới nhất trong tầm tiền vì nó còn liên quan đến đồ họa và mức độ tiết kiệm pin nữa.
Trong đó đồ họa và pin thậm chí còn quan trọng hơn vì những năm gần đây Intel nâng cấp GPU rất nhiều, rất đáng giá, thậm chí chỉ GPU tích hợp thôi đã đủ chơi nội dung 4K, trong khi chip lại xài ít điện hơn và thời lượng dùng pin được kéo dài ra. Mình còn nhớ rõ chiếc laptop chạy Core i7 đời 3 vẫn gặp chút khó khăn khi xem video 4K, vậy mà con máy i5 đời 7 có thể chơi 4K như chẳng có chuyện gì, thậm chí nó còn xuất hình ảnh ra màn hình 4K ngon lành nữa.
Màn hình
Màn hình LCD theo thời gian sử dụng thường có những vấn đề sau bạn cần lưu ý:- Bị trầy xước: cái này khá là khó chịu, nếu máy trầy màn hình nhiều quá thì không nên mua vì màn hình là cái bạn nhìn vào nhiều nhất
- Bị điểm chết: là một đốm sáng cứ sáng hoài bất kể bạn đổi ứng dụng gì bên dưới. Nếu chỉ 1-2 điểm nhỏ thì không sao, điểm chết nhiều quá thì không nên mua
- Bị hư đèn nền: một số laptop đời hơi cũ sử dụng đèn nền theo kiểu hắt từ dưới lên, và sau khi sử dụng một thời gian thì độ sáng giảm đi thấy rõ hoặc có những vệt sáng rò rỉ từ cạnh dưới màn hình. Bị như vậy thì không nên mua, vì tiền sửa rất cao, không đáng
- Bản lề bị lỏng: một số dòng máy bình dân hay bị vấn đề này, tuy không nhiều lắm. Nhờ đảm bảo bản lề phải chắc chắn để giữ màn hình vững khi bạn mở nắp ra làm việc.
- Để ý pin và đồ sạc: Sau một thời gian sử dụng, pin là thứ dễ hao mòn nhất trên laptop, thậm chí còn dễ chết hơn là ngoại hình nữa.
Sẵn chia sẻ đôi chút về pin, nhiều trường hợp bạn sẽ thấy là pin của máy đã được thay, có thể hỏi thẳng hoặc tự quan sát. Nếu là pin đã thay, hỏi xem người bán đã thay pin ở đâu, có phải chính hãng hay không, nhất là các máy pin tháo được vì trên thị trường có khá nhiều loại pin 'lô', pin 'for' không đủ chất lượng. Nếu đã thay pin dỏm hoặc kém chất lượng, không nên mua chiếc máy đó vì tốn tiền mua pin cũng vậy.
Cục sạc cũng nên để ý coi có bị hư hao gì nhiều hay không, có bị tác động mạnh từ bên ngoài hay không, vì cục sạc máy tính xịn cũng không rẻ. Mình đã từng chứng kiến rất nhiều trường hợp sạc bị hư khi mua máy cũ rồi nên viết vào đây luôn để anh em nhớ mà kiểm tra cho kĩ.
Bàn phím và trackpad
Với hai linh kiện này, chủ yếu bạn sẽ kiểm tra xem:- Tất cả các phím còn đủ hay không, có bị bám bụi giữa các khe nhiều quá hay không.
- Thử từng phím một xem độ nảy ra sao, và tất cả phím có ăn khi bạn gõ hay không. Nhiều laptop cũ thường bị tình trạng dính mạch nên gỡ A mà ra B, C hoặc thậm chí không ghi nhận. Lại một lần nữa, tiền thay phím hoặc bàn phím cũng không rẻ.
- Đặc biệt chú ý phím Space, một trong những phím được sử dụng nhiều nhất trên latop. Nếu nó bị cong, vênh nhiều thì không nên mua, vì chưa chắc bạn kiếm ra được phím thay thế cho nó đâu.
- Với trackpad, để ý xem có bị tróc sơn hay không, và nếu trackpad phủ kính thì kính có bị vỡ không. Thử độ nhạy thật kĩ lưỡng trước khi quyết định đưa tiền cho người bán. Trackpad thì không thường hay hư nên không lo lắng lắm.