Vì nhiều nguyên nhân, các sản phẩm mới dưới 'triều đại' của Tim Cook thường bị trì hoãn và chậm trễ thời điểm ra mắt so với trước đây.
Theo Wall Street Journal, trên cương vị là CEO từ năm 2011, Tim Cook đã rất cố gắng để lại dấu ấn của mình tại công ty sản xuất smartphone nổi tiếng thế giới này. Nhưng có một sự thật là dưới thời của ông, các thiết bị mới của Apple thường xuyên bị hoãn và chậm thời điểm ra mắt. Điều này khiến cho nhiều nhà quan sát và phân tích lo lắng rằng liệu có phải gã khổng lồ công nghệ này đang mất dần đi lợi thế cạnh tranh của mình hay không.
Trong ba sản phẩm mới kể từ khi Tim Cook lên nắm quyền, cả tai nghe AirPods (2016) và loa HomePod (2017) đều đã phải lùi lịch ra mắt công khai trước đó. Còn chiếc đồng hồ thông minh được hứa hẹn bán ra đầu năm 2015 cũng bị trì hoãn tới cuối tháng 4 năm đó mới có thể giao hàng. Không chỉ vậy, Apple cũng đã chậm trễ trong việc cung ứng Apple Pencil và Smart Keyboard, hai phụ kiện quan trọng cho iPad Pro.
Theo thống kê, thời gian trì hoãn trung bình từ ngày thông báo tới khi vận chuyển sản phẩm trong sáu năm Tim Cook làm CEO là 23 ngày, cao hơn nhiều so với mức 11 ngày của quãng thời gian sáu năm trước đó.
Việc chậm trễ này được cho là đã ảnh hưởng đến Apple trên nhiều mặt trận. Nó khiến cho các đối thủ có thêm thời gian phản ứng, điều mà công ty luôn cố gắng ngăn cản trong quá khứ bằng cách giữ cho thời gian giới thiệu và bán ra sản phẩm ngắn nhất có thể.
Apple nhiều lẫn chậm trễ ra mắt sản phẩm dưới thời Tim Cook.
Trong hai mùa Giáng sinh vừa qua, Apple đã mất một khoản lớn khi không thể đưa hai sản phẩm mới là Airpod và HomPods tới tay khách hàng. Đặc biệt là với loa thông minh Hom Pod, thiết bị có giá 349 USD được hãng giới thiệu vào tháng Sáu năm ngoái, dự kiến sẵn sàng bán ra vào tháng Mười hai, nhưng lại bị trì hoãn tới tận năm nay.
Trong khi đó, các đối thủ của Apple như Amazon đã công bố loa Echo mới vào tháng 9 với giá chỉ 99 USD tích hợp công nghệ âm thanh mới từ Dolby, còn tới đây Google sẽ đưa Google Home Max lên kệ với giá 399 USD.
Sự trì hoãn của HomePod là một cơ hội khổng lồ cho Amazon và Google để chiếm lấy các khách hàng trung thành của Apple. Matt Sargent, giám đốc điều hành của Magid cho biết 'Apple dường như đang mất dần bước tiến và đó là một vấn đề đáng quan tâm trong chiến lược định vị thương hiệu hiện nay của hãng'.
Tất nhiên, như mọi trường hợp khác, Apple ít khi giải thích tại sao sản phẩm bị trì hoãn và trong trường hợp HomePod, công ty chỉ đơn giản nói rằng sản phẩm chưa sẵn sàng.
Trên thực tế, Apple không phải là công ty duy nhất phải đối mặt với các vấn đề về chuỗi cung ứng. Samsung từng phải đưa ra chiến dịch thu hồi Galaxy Note7 năm 2016 và Google cũng đưa ra chế độ bảo hành hai năm cho Pixel 2 sau khi xuất hiện các báo cáo về lỗi màn hình trên dòng smartphone này.
Tờ WSJ cũng thừa nhận rằng sẽ không công bằng khi đánh giá Tim Cook chỉ bằng một tiêu chuẩn. Bởi dẫu có một vài sự chậm trễ, trong nhiệm kỳ của mình, vị CEO này cũng mang tới cho Apple những dấu ấn thành công đáng kể khác. Điển hình nhất là doanh thu của hãng đã tăng hơn gấp đôi và giá cổ phiếu thì tăng hơn gấp ba lần trong sáu năm qua. Trong ba tháng cuối cùng của năm 2017, hãng cũng đã đạt được một kỷ lục bán hàng mới nhờ iPhone X.
Các lần trì hoãn sản phẩm gần đây của Apple.
Có nhiều nguyên nhân khác để giải thích cho các khó khăn đang gặp phải của nhà sản xuất smartphone nổi tiếng này. Một trong số các lý do giải thích cho sự chậm trễ gần đây là do sự khác biệt trong phong cách làm việc giữa Tim Cook và người tiền nhiệm Steve Jobs. Trong khi Cook luôn đưa ra các thông tin sớm, Jobs lại ưu tiên cho việc đợi đến khi tất cả mọi thứ đã hoàn thành rồi mới công bố, ngoại trừ các sản phẩm mới có thiết kế độc đáo như iPhone hay Apple TV.
Neil Cybart, người điều hành Above Avalon, một trang chuyên về phân tích các sản phẩm công nghệ của Apple lại cho biết ông lo lắng về việc các kỹ sư và giám đốc điều hành của Apple đang làm việc trên quá nhiều sản phẩm. Danh mục sản phẩm của hãng đã tăng gấp đôi kể từ năm 2007 và hiện bao gồm 8 iPhone, 4 iPad, hàng chục máy Mac, hai smartwatch, hai thiết bị truyền hình và một loạt các phụ kiện.
Trong tổng số 70 sản phẩm mới và cập nhật được đưa ra trong thời gian Tim Cook làm CEO, có tới 5 lần trì hoãn trên ba tháng và 9 lần trì hoãn từ một tới ba tháng. tuyên bố và vận chuyển 3 tháng trở lên và chín lần trì hoãn từ một đến ba tháng. Ngược lại với thời Steve Jobs, chỉ có một sản phẩm bị trì hoãng hơn ba tháng và 7 lần trì hoãn từ một đến ba tháng.
Còn theo lời một cựu nhân viên của Apple, cơ sở khách hàng ngày càng lớn trên phạm vi toàn cầu cũng làm tăng thêm những thách thức về hậu cần và sản xuất. Theo trang nghiên cứu thị trường Asymco, hiện công ty có khoảng 1,1 tỷ thiết bị được sử dụng trên toàn thế giới, gấp khoảng ba lần con số 400 triệu vào đầu năm 2013.
Sản phẩm ngày càng phức tạp là một trong các nguyên nhân gây ra sự chậm trễ của Apple.
Không chỉ vậy, mức độ phức tạp ngày càng tăng của các thiết bị cũng là một nhân tố góp phần gây vấn đề chậm trễ. Điển hình như AirPod có tính năng laser giúp phát hiện thiết bị được đưa vào tai, đây là một trong những chi tiết làm cho quá trình sản xuất trở nên phức tạp. iPhone X thì là hệ thống máy ảnh nhận diện khuôn mặt. Cựu nhân viên này cho biết với các thiết bị có bộ phận phát laser hay hồng ngoại thu nhỏ, việc sản xuất rất nhạy cảm và dễ gặp trục trặc không mong muốn.
Một lý do khác được đưa ra là việc Apple đang dần chuyển sang kiểm soát nhiều hơn trong chuỗi cung ứng của mình. Đối với các mẫu iPhone đầu tiên, Apple sẽ mua toàn bộ bộ phận như camera từ một nhà cung cấp. Còn trong những năm gần đây, công ty đã nắm quyền chủ động hơn trong việc sản xuất từng thành phần, ví dụ như từ ống kính đến các cảm biến.
Việc thay đổi này giúp nhà sản xuất kiểm soát chi phí và tạo ra sự vượt trội hơn về công nghệ so với đối thủ, nhưng cũng đòi hỏi nhiều nhân sự và phối hợp giữa các bên tham gia, từ nhà cung cấp tới đơn vị lắp ráp. Đó là lý do khiến số nhân viên của Apple đã tăng lên 7 lần trong thập kỷ qua, kể từ thời điểm ra mắt chiếc iPhone đầu.
Roger Kay, nhà phân tích của Endpoint Technologies Associates, nói: 'Apple giờ đây đã không còn là chiếc Ferrari nhỏ mà Steve chế tạo cho riêng mình. Nó đã trở thành tổ chức lớn và phải chấp nhận sự không đồng đều trong quá trình vận hành'.
Mai Anh