Xin chia sẻ với các bạn cách nhận diện những chiêu trò này để không bị mất tiền hay gặp phiền toái không cần thiết, và đừng quên comment vào các cách lừa đảo khác mà bạn biết để mọi người cùng né nhé.
1. Lừa gạt trúng thưởng
- Tin nhắn trúng thưởng có thể được gửi tới cho bạn theo nhiều cách khác nhau, có thể là qua email, qua SMS, qua tin nhắn Facebook, Zalo, thậm chí là gọi điện thoại trực tiếp cho bạn. Hết 99% mình gặp những tin nhắn hay email dạng này đều là lừa đảo cả, dấu hiệu nhận biết như sau:
Trúng thưởng cho một dịch vụ mà bạn không tham gia - Không có thông tin rõ ràng về nơi nhận thưởng, thời gian nhận thưởng, hoặc nơi nhận thưởng là một chỗ lạ hoắc nào đó không phải công ty đàng hoàng
- THƯỜNG YÊU CẦU BẠN CHUYỂN TIỀN TRƯỚC để xác minh, để chứng thực, nói chung là có 1000 lý do mà kẻ xấu bịa ra để bạn chuyển tiền cho chúng
- GỬI ĐI TỪ EMAIL CÁ NHÂN, ĐUÔI @gmail.com, @yahoo.com, @outlook.com hoặc những cái tương tự, không phải là tên công ty
- Không theo tông màu nhất định, thư viết lòe loẹt, màu sắc lung tung, rối
- Nếu xác định là thư lừa gạt lừa đảo, bạn xóa tin nhắn đó đi là được.
Bản thân mình cũng đã từng nhận được một thư thông báo trúng thưởng, từ một ngân hàng lớn, nhưng không để ý lắm vì nghĩ mình đâu có tham gia gì. Sau đó ngân hàng gọi điện trực tiếp và cách họ hẹn lên nhận giải rất chuyên nghiệp: gọi hỏi có phải anh Luân không > thông báo nội dung trúng giải, lý do trúng giải (chương trình áp dụng cho mọi khách hàng, không cần đăng kí) > thông báo địa điểm gặp để xác minh, dặn dò giấy tờ tùy thân cần đem. Mọi chuyện sau đó đều tiến hành tại trụ sở giao dịch của ngân hàng nên rất yên tâm.
2. Lừa gạt bằng cách nói bạn phạm tội cho bạn sợ
Bạn nhận được tin nhắn, email hay cuộc gọi nói rằng bạn đang bị điều tra về tội XYZ nào đó, nghe có vẻ rất ghê gớm, và phía bên kia yêu cầu bạn chuyển một số tiền nào đó (tầm vài chục, vài trăm triệu) vào tài khoản ngân hàng hoặc cầm tiền đến nộp tại một nơi không rõ để làm bằng chứng. Cũng có đối tượng giả mạo đồng phục cảnh sát đến tận nhà làm việc với nội dung tương tự.
100% những yêu cầu như trên đều là những trò lừa đảo hòng chiếm đoạt tiền của bạn vì khi bạn sợ hãi, bạn sẽ làm theo chúng, một cách điều khiển người khác rất truyền thống. Nếu bạn thật sự đang bị điều tra, bạn sẽ nhận giấy của cơ quan điều tra, có chữ ký, mộc đầy đủ và mọi việc sau đó sẽ được tiến hành tại trụ sở của cơ quan đó chứ không phải là ở một chỗ lạ hoắc hay làm việc qua Internet. Đặc biệt, những lần bàn giao tiền bạc cũng phải có người làm chứng đầy đủ.
Tóm lại, có ai đó lạ lạ kêu chuyển tiền thì không làm theo, và dọa lại: TAO BÁO CÔNG AN!
3. Lừa đảo để phát tán virus, malware
Đây là cái dễ thấy và nhiều người dễ dính vì tính 'ham vui', khoái cái hình ảnh khỏa thân, sexy (mà không có nguồn gốc rõ ràng). Mới tuần rồi một hacker nào đó đã dùng chiêu này để lây lan mã độc qua Facebook Messenger và sơ sơ đã có 200.000 thiết bị bị ảnh hưởng ở nước ta.
Dấu hiệu nhận biết kiểu lừa đảo này đó là một người nào đó, có thể là quen biết hoặc người lạ, gửi cho bạn một file yêu cầu tải về. File này hay đặt tên kiểu sex_video hay sexy_girl và những thứ tương tự để bạn tưởng là nội dung giải trí vui vẻ lành mạnh rồi tải về. Nhưng ngay khi bạn tải về và chạy file này, máy của bạn lập tức sẽ bị dính malware ngay, sau đó nó sẽ chiếm quyền kiểm soát tài khoản Facebook của bạn để tiếp tục đi lừa người khác.
4. Nếu bạn không share / like status này, bạn sẽ bị nguyền rủa
Dạo này thấy nhiều status như thế trên Facebook, cũng có cái ghi là 'Thả tym để hồi sinh...' hay 'Nhấn share để cho thấy bạn yêu mẹ bạn...', tất cả cũng đều là lừa đảo hết. Chẳng ai nguyền rủa bạn, cuộc sống của bạn là do bạn quyết định. Bạn có like, share cái status đó thì các đấng trên cao cũng không biết tới đâu, bạn chỉ đang giúp cho kẻ post status có thêm danh tiếng ảo để sau đó lợi dụng bán hàng, bán mỹ phẩm, bán kem trộn gì đó thôi.
Tóm lại, thấy mấy status dạng này thì bạn chỉ cần nhấn nút Report cho Facebook và bỏ qua, không cần quan tâm tới nữa
5. Nhắn tin nhờ nạp card / chuyển tiền điện thoại
Chiêu này hơi giống chiêu số 1, 2, 3 nhưng nham hiểm hơn một chút: sử dụng nick thân cận với bạn, học cách nói chuyện cho giống với chủ tài khoản mà hắn đã hack, sau đó lừa bạn chuyển khoản hoặc nạp tiền điện thoại cho hắn. Mặc dù hình thức lừa đảo này đã xuất hiện hơn 2 năm nay nhưng tới giờ vẫn có người bị dính, đặc biệt là những người cao tuổi và những người mới tiếp xúc với Internet nên anh em nhớ nhắc người thân của mình.
Đặc điểm nhận dạng của vụ này: người bạn quen biết của bạn nhảy vào, hỏi thăm, sau đó nhờ nạp tiền với đủ thứ lý do như gãy chân không đi được, bận quá không mua được.... Và thường đòi nạp số tiền lớn, trên 100.000 đồng, thậm chí là 500.000 đồng.
Cần làm gì: chửi nó, xong đi ra. Nếu có thời gian thì có thể báo công an về vụ việc.