1. Beepi: 2013 - Tháng 2, 2017
Được gây quỹ: 150 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 560 triệu USD
Beepi là một chợ xe trực tuyến cho phép người dùng mua, bán và cho thuê xe đã qua sử dụng. Hoạt động giao dịch sẽ được thực hiện trực tiếp trên điện thoại hay máy tính. Những chiếc xe được rao bán sẽ phải trải qua quá trình kiểm tra sau đó mới được liệt kê trên trang Beepi với giá bán cố định. Beepi sẽ được trích 9% tiền hoa hồng và có trách nhiệm mua lại những chiếc xe không bán được sau khi đăng 30 ngày. Người mua có 10 ngày để trả xe hoàn tiền nếu không thích bởi họ không có cơ hội được lái thử xe.
Beepi giao xe đến tận nhà người mua.
Beepi được thành lập tháng 4 năm 2013, bắt đầu gây quỹ từ tháng 5 năm 2015 nhưng đến tháng 12 năm 2016, biến động xảy ra khi nhà đầu tư lớn của Beepi là hãng sản xuất xe hơi của Trung Quốc - SAIC rút lui, lý do chưa được tiết lộ. Hồi tháng 2 năm nay, Beepi chính thức ngưng hoạt động và 180 nhân viên được cho nghỉ. Ban đầu Fair.com và công ty chuyên bán xe đã qua sử dụng DGDG có ý định mua lại Beepi nhưng sau cùng từ bỏ. Beepi hết tiền và dự án đóng cửa.
2. Quixey: 2009 - Tháng 2, 2017
Được gây quỹ: 133 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 600 triệu USD
Quixey tự gọi mình là 'Công cụ tìm kiếm dành cho ứng dụng' tức người dùng có thể tìm kiếm một ứng dụng nào đó bằng việc mô tả chức năng ứng dụng đó theo ngôn ngữ tự nhiên. Công ty này được thành lập vào năm 2009 và cái hay của Quixey là họ đã tạo ra một kiểu tìm kiếm mới gọi là 'Functional Search' - thu thập thông tin của ứng dụng từ các trang đánh giá, blog công nghệ, mạng xã hội và nhiều nguồn khác. Công nghệ này cho phép người dùng tìm kiếm trên nhiều nền tảng, loại bỏ nhu cầu phải tìm nhiều lần.
Hay là thế nhưng đến tháng 2 năm nay thì Quixey đã cho nghỉ phần lớn đội ngũ nhân viên. Dường như công ty không tìm được nguồn lợi nhuận ổn định dù đã thay thế giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Tomer Kagan hồi tháng 3 năm 2016.
3. Yik Yak: 2013 - Tháng 4, 2017
Được gây quỹ: 73 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 400 triệu USD
Yik Yak là một ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại phát hành năm 2013 trên iOS và Android. Nó cho phép người dùng tạo và xem các chủ đề được người ta bàn tán trong vòng bán kính 8 km. Tất cả người dùng đều có thể 'bà tám' bằng cách phản hồi, bình luận, bầu chọn … cũng giống như nhiều ứng dụng chia sẻ ẩn danh khác như Nearby hay Whisper. Tuy nhiên, Yik Yak cũng là trung tâm của nhiều vụ bê bối như quấy rối tình dục trong trường học và đến ngày 28 tháng 4 năm nay, Yik Yak tuyên bố đóng cửa do không thể giữ chân người dùng. Chỉ vài ngày trước khi Yik Yak ngừng hoạt động thì công ty phát hành dịch vụ thanh toán Square đã nhanh chân thu nạp toàn bộ nhóm phát triển Yik Yak với giá 3 triệu USD.
4. Maple: 2014 - Tháng 5, 2017
Được gây quỹ: 29 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 115 triệu USD
Maple là dịch vụ chuyển phát thức ăn tại New York, ngưng hoạt động hồi ngày 8 tháng 5. Dịch vụ được tài trợ bởi David Chang - một đầu bếp kiêm nhà sáng lập công ty nhà hàng cao cấp Momofuku. Maple tham vọng sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới về loại hình chuyển phát thức ăn khi kết nối những đầu bếp giỏi nhất tại New York với công nghệ và dịch vụ hầu cần tốt nhất. Sự độc đáo của Maple là tiền tiếp và phí giao hàng đều được tính trong giá món ăn và mỗi món được tặng kèm một chiếc bánh cookie rắc đường rất ngon.
Người dùng bắt đầu thấy dấu hiệu bất thường kể từ khi Maple thay chiếc bánh đường thật bằng một tờ quảng cáo in hình chiếc bánh đường hôm nào. Sau khi ngưng hoạt động, Maple được Deliveroo - một dịch vụ giao đồ ăn lớn hơn tại Anh mua lại.
5. Sprig: 2013 - Tháng 5, 2017
Được gây quỹ: 57 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 110 triệu USD
Một cú sẩy chân khác trong lĩnh vực chuyển phát thức ăn là Sprig và lần này là ở San Francisco. Dịch vụ của Sprig nhằm đem những bữa ăn chất lượng cao đến với người dùng theo yêu cầu. Những hộp đồ ăn cuối cùng được Sprig giao vào ngày 26 tháng 5. Sprig hứa hẹn sẽ giao đồ ăn đến cho bạn trong vòng 15 phút và đặc biệt là đồ ăn được nấu bằng các nguồn thực phẩm tại địa phương. Tuy nhiên mô hình kinh doanh của Sprig lại không ổn định khi so sánh với các đối thủ cung cấp đồ ăn kiểu 'mì ăn liền' như Seamless. Nhà sáng lập kiêm CEO của Sprig - Gagan Biyani thừa nhận những thách thức khi theo đuổi mô hình chuyển phát thức ăn nhanh nhưng đi kèm với chất lượng cao.
6. Hello: 2012 - Tháng 6, 2017
Được gây quỹ: 40 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 300 triệu USD
Hello là công ty đứng đằng sau chiếc cảm biến theo dõi giấc ngủ có tên Sense. Sense sẽ được đặt trong phòng thay vì đeo trên cổ tay như những thiết bị đeo có chức năng theo dõi giấc ngủ thông thường. Tuy nhiên đến tháng 6 vừa qua thì Hello đã công bố sẽ ngưng hoạt động bởi không có nhiều người mua chiếc cảm biến này. Công ty cũng đã cho nghỉ việc hầu hết các nhân viên và rao bán tài sản.
Mặc dù đã cố gắng bán cảm biến Sense qua các kênh bán lẻ công nghệ lớn như Best Buy và Target và thậm chí thuê cả giám đốc marketing mới năm ngoái nhưng tình hình kinh doanh vẫn rất ảm đạm.
7. Jawbone: 1997 - Tháng 7, 2017
Được gây quỹ: 1 tỉ USD
Giá trị thị trường cao nhất: 3 tỉ USD
Nếu như những cái tên trên khá xa lạ thì Jawbone hẳn sẽ quen thuộc hơn. Mình cũng rất bất ngờ khi Jawbone với gần 10 năm có mặt trên thị trường thiết bị đeo, từng được xem là lá cờ đầu trong lĩnh vực vòng theo dõi sức khỏe, tai nghe, loa không dây lại có một ngày phải đóng cửa. Jawbone đã gặp khó khăn trong việc thanh toán hợp đồng với các đối tác cung cấp dịch vụ và đến năm ngoái thì hãng đã bắt đầu ngưng sản xuất các loại vòng đeo tay thông minh cũng như nhiều sản phẩm khác. Bản thân nhà sáng lập kiêm CEO của Jawbone - Hosain Rahamn cũng đã thành lập một công ty mới gọi là Jawbone Health Hub nhắm đến thị trường phần cứng và phần mềm chăm sóc sức khỏe, hiện đang kêu gọi đầu tư.
8. Juicero: 2013 - Tháng 9, 2017
Được gây quỹ: 118,5 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 270 triệu USD
Juicero là một chiếc máy 'rót nước trái cây ra khỏi túi nước ép'. À mà có gì đó không đúng lắm bởi chúng ta tự rót bằng tay cũng được mà? Cũng chính vì điều này mà Juicero được xem là dự án 'ngớ ngẩn' nhất. Juicero do Doug Evans - người từng thất bại với chuỗi cửa hàng bán nước ép trái cây Organic Avenue trước đó và ông tìm đến thung lũng Silicon để tìm may. Bằng một cách nào đó mà chiếc máy Juicero lại được nhiều nhà thiết kế nổi tiếng tại thung lũng Silicon trong đó có cả Jony Ive (thiết kế trưởng của Apple) quan tâm và ủng hộ.
Dự án này ngay khi ra mắt đã khiến giới quan tâm hoài nghi về khả năng thành công bởi Juicero không phải là máy xay sinh tố và cũng không phải là máy biến trái cây tươi thành nước ép. Nó chỉ đơn giản là một cái máy có chức năng ép nước từ trong túi nước ép có sẵn ra mà thôi và được bán với giá 699 đô. Mỗi túi nước ép như vậy được Juicero bán với giá từ 4 đến 10 đô. Bạn bỏ túi nước ép vào máy, nhấn nút trên ứng dụng điện thoại và máy rót nước trái cây ra ly. Nếu túi nước trái cây hết hạn, không còn tươi ngon nữa thì máy sẽ không hoạt động. Doug Evan trong các buổi ra mắt với báo chí luôn tự hào rằng Juicero là một phát minh tuyệt vời.
Thế nhưng một số nhà đầu tư cho dự án Juicero đã mất niềm tin với Doug Evans khi phát hiện ra túi nước trái cây dùng cho chiếc máy có thể dùng tay để vắt ra ly! Ai nấy đều ngạc nhiên, báo chi chỉa mũi dùi vào công ty và Juicero mất dần các nhà đầu tư và nhiều vòng gây quỹ sau đó cũng tan tành mây khói. Juicero không thể phục hồi sau sự cố tài chính này và đóng cửa vĩnh viễn.
9. Raptr: 2008 - Tháng 9, 2017
Được gây quỹ: 44 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 170 triệu USD
Raptr đóng cửa vào tháng 9 vừa qua sau gần một thập niên được phát triển như một mạng xã hội dành cho game thủ. Dịch vụ của Raptr giúp người dùng theo dõi những tựa game nào mà bạn bè của mình đang chơi và chơi cùng nhau. Mặc dù đã mở rộng các dịch vụ và tính năng, bao gồm cả tính năng tối ưu hóa cho game nhưng những gì Raptr cung cấp trở nên quá bình thường khi mà nhiều hãng làm game, dịch vụ phát hành game như Steam cũng cung cấp dịch vụ tương tự. Đến năm 2016, Raptr mất hợp đồng chiến lược với AMD khi AMD phát hành ứng dụng tối ưu hóa game riêng cho card đồ họa của mình có tên Gaming Evolved - câu trả lời của AMD đối với Nvidia GeForce Experience.
10. Doppler Labs: 2013 - Tháng 11, 2017
Được gây quỹ: 51 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: 235 triệu USD
Khi được thành lập vào năm 2013, Doppler Labs thuyết phục các nhà đầu tư về những chiếc tai nghe siêu thông minh, cho phép người dùng tùy biến trải nghiệm âm thanh với thế giới xung quanh. Chiếc tai nghe Here One của Doppler Labs có thể chặn tiếng ồn xung quanh nhưng vẫn cho phép bạn nghe được tiếng người nói chuyện bên ngoài. Here One được xem là đối thủ cạnh tranh của Apple AirPods và Google Pixel Buds nhưng tình hình kinh doanh ảm đạm, Doppler Labs không thể duy trì được nguồn vốn để có thể tiếp tục kinh doanh.
*Luxe: trở về từ cõi chết nhờ Volvo
Được gây quỹ: 75 triệu USD
Giá trị thị trường cao nhất: hơn 110 triệu USD
Luxe là một dịch vụ đỗ xe hộ - tức là bạn đi xe hơi và muốn gởi xe, bạn mở ứng dụng Luxe và yêu cầu một người đến đưa xe đi và tìm chỗ đỗ xe giúp bạn cũng như trả xe lại. Ứng dụng Luxe đóng cửa vào tháng 4 năm nay sau 4 năm hoạt động. Vào thời điểm rực rỡ nhất, hình ảnh những nhân viên đỗ xe hộ của Luxe với đồng phục áo khoác xanh, lướt ván, đạp xe đạp hay chạy xe máy đến điểm hẹn với tài xế yêu cầu rất phổ biến tại những thành phố lớn như San Francisco. Tuy nhiên, vấn đề của Luxe là không thể duy trì mức giá rẻ. Ban đầu là 5 đô/giờ, tối đa 15 đô/ngày, tính ra rẻ hơn nhiều so với việc bạn tự tìm chỗ đỗ xe trả phí. Sau này Luxe trở nên thiếu ổn định, giá cao hơn với mức phí lên đến tối đa 30 đô/ngày. Sự tiện nghi và giá rẻ không còn khi mà người dùng có nhiều giải pháp để đi lại với mức giá rẻ hơn thay vì đi xe cá nhân và tốn phí đổ xe, điển hình như Uber.
[media=https://www.youtube.com/watch?v=iWERpZgdU9k?wmode]
Sau khi mua lại nhiều bãi đỗ xe, Luxe chuyển dịch mô hình kinh doanh sang dạng cho thuê chỗ đỗ xe truyền thống. May mắn thay ý tưởng ban đầu của Luxe lại được nhiều bên quan tâm và Volvo đã mua lại Luxe hồi tháng 9 với mức giá không được tiết lộ.
Theo: Business Insider