Xiaomi, nhà sản xuất điện thoại thông minh Trung Quốc, từng là công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới hiện đang đàm phán với các ngân hàng đầu tư về một đợt phát hành cổ phiếu lần đầu (IPO) ra công chúng.
Được biết, Xiaomi đang kỳ vọng sẽ được định giá ít nhất là 50 tỷ USD, theo Bloomberg. Công ty đang xem xét việc phát hành cổ phiếu lần đầu tiên vào năm tới và các ngân hàng ở Hồng Kông được đánh giá là các nhà đầu tư thích hợp nhất.
Mặc dù các ngân hàng cũng đã nói tới triển vọng phát triển của Xiaomi nhưng vẫn lo lắng về việc liệu công ty có đạt tới mức 50 tỷ USD hay không. Trước đó, trong năm tài chính 2014, Xiaomi được định giá 46 tỷ USD.
Xiaomi đã lấy lại được đà tăng trưởng trong thời gian gần đây sau khi vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ những đối thủ cùng quê hương như Huawei và OPPO. Ngày nay, dưới dự lãnh đạo của CEO Lei Jun, 'hạt gạo nhỏ' đã đầu tư mạnh mẽ vào các cửa hàng bán lẻ ở thị trường Ấn Độ.
CEO Lei Jun
Được biết, Xiaomi sắp vượt qua Samsung ở Trung Quốc, một thị trường điện thoại thông minh phát triển nhanh nhất thế giới. Và nếu thành công, đợt IPO sắp tới có thể mang lại cho Xiaomi ít nhất 5 tỷ USD, khoản đầu tư cần thiết để mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
'Chúng tôi muốn đưa ý tưởng kinh doanh của Trung Quốc vào các nước khác', Lei Jun cho biết tại Hội nghị Internet Thế giới vừa diễn ra ở Wuzhen, Trung Quốc nhưng ông không có bình luận gì về IPO. 'Tại Ấn Độ, chúng tôi đã tạo ra một phép lạ. Chỉ sau ba năm, chúng tôi đã trở thành số một'.
Kaylene Hong, phát ngôn viên của Xiaomi cho biết: Công ty không bình luận về vấn đề IPO dù các thông tin được báo cáo trước đây cho rằng rằng Xiaomi đang xem xét việc IPO vào giữa năm 2018.
Nếu mọi thứ thành sự thật thì Xiaomi sẽ là công ty công nghệ có giá trị IPO lớn nhất kể từ khi Tập đoàn Alibaba Group Holding lập kỷ lục thu về 25 tỷ USD vào năm 2014. Snap Inc là công ty lớn thứ hai kể từ đó, theo dữ liệu của Bloomberg, công ty này niêm yết với giá trị IPO khoảng 20 tỷ USD.
Keith Pogson, nhà lãnh đạo Đảm bảo An toàn Toàn cầu cho các ngân hàng ở Hồng Kông cho biết:
'Đây không phải là một sự định giá ngoạn mục. Không nghi ngờ gì nữa, thị trường đang nóng lên đối với các công ty công nghệ cao, đặc biệt là các công ty công nghệ có quan hệ với Trung Quốc.'
Các cửa hàng bán lẻ của Xiaomi
Được thành lập vào năm 2010, Xiaomi (còn gọi là Little Rice) đã đánh dấu thương hiệu bằng các chiến dịch tiếp thị trực tuyến sôi động, tránh các cửa hàng bán lẻ truyền thống.
Vào năm 2014, công thức bán hàng flash (bán nhanh trong một ngày nhất định) và các phương tiện truyền thông xã hội đã giúp hãng xếp hạng điện thoại thông minh hàng đầu của Trung Quốc và đạt được vị trí cao trên thế giới trước khi vượt qua Uber. Lei Jun của Xiaomi cũng được xem như là Steve Jobs của Apple tại Trung Quốc.
Tuy nhiên vào năm ngoái, doanh số smartphone Xiaomi sụt giảm do sự cạnh tranh gay gắt với các công ty Trung Quốc. Theo công ty nghiên cứu IDC, công ty chỉ đứng thứ 5 trong số các lô hàng điện thoại của Trung Quốc trong quý đầu tiên.
OPPO và đối tác Vivo đã cạnh tranh khốc liệt với Xiaomi bằng cách phát triển mối quan hệ chặt chẽ với các nhà bán lẻ tại các thị trấn nhỏ và vùng nông thôn của Trung Quốc.
Ngay sau đó, Lei Jun đã khôi phục lại doanh số bằng cách mở rộng dòng sản phẩm, phạm vi tiếp cận địa lý và các kênh bán hàng. Xiaomi đang đẩy mạnh việc bán lẻ kiểu truyền thống. Họ dự định xây dựng 1.000 cửa hàng 'Mi Home' vào năm 2019 – gấp khoảng hai lần so với số lượng cửa hàng toàn cầu của Apple để nhắm đến mục tiêu doanh số bán lẻ đạt 70 tỷ NDT (10 tỷ USD) vào năm 2021.
Xiaomi ra mắt smartphone mới tại Ấn Độ
Ngoài ra, Lei Jun còn đặt cược vào việc mở rộng ra nước ngoài, đặc biệt là ở Ấn Độ. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3, ông nói Xiaomi sẽ tăng gấp đôi khoản đầu tư vào nước này, và chi thêm 500 triệu USD nữa trong vòng 3-5 năm tới.
Được biết, Redmi Note mới của Xiaomi đã bán khoảng 250.000 chiếc trong vòng vài phút với nhà bán lẻ trực tuyến Flipkart.com cũng như trang web trực tuyến Xiaomi tại Ấn Độ. Công ty có trụ sở tại Bắc Kinh đã đạt doanh thu Ấn Độ 1 tỷ USD trong năm 2016.
'Cách chúng tôi tiến tới quốc tế hóa đã bắt đầu từ bốn năm trước đây. Vào năm 2015, chúng tôi đã mất khoảng 1 tỷ NDT - một khoản lỗ lớn do chúng tôi bắt đầu ở nhiều quốc gia.
Sau đó, chúng tôi đặt ra ý tưởng về việc liệu chúng ta có thể xây dựng một thị trường điển hình hay không và chúng tôi đã làm ở Ấn Độ. Ba năm sau chúng tôi đã hiện diện trên 60 quốc gia', Lei Jun chia sẻ.
Xiaomi hiện đang tập trung vào các thị trường mới nổi bao gồm Nga và Indonesia. Công ty cho biết họ cũng dự định bước chân vào thị trường Mỹ.
Cuối cùng, một đợt IPO có thể giúp Xiaomi giữ lại các nhân viên đã gắn bó với công ty thông qua những thời điểm khó khăn. Vào tháng 1, Hugo Barra, cựu Giám đốc Điều hành Google đã làm việc cho Xiaomi 3.5 năm đã trở lại Thung lũng Silicon để làm cho Facebook.
James Yan, nhà phân tích của Counterpoint cho biết: 'Nhân viên sẽ khá hào hứng khi cuối cùng, công ty cũng lên kế hoạch IPO”.
Tech Funny