Snapdragon 845 ra đời trong bối cảnh cả ngành công nghiệp di động đều tập trung vào trí tuệ nhân tạo, khả năng xử lý ảnh hiện đại, nhận diện giọng nói cùng câu hỏi nhức nhối liên quan đến thời lượng dùng pin. Liệu Snapdragon 845 có thể làm gì để giúp những chiếc smartphone Android trong năm 2018 trở nên khác biệt và tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ?
1. Khu vực xử lý trí tuệ nhân tạo riêng
Huawei, Apple, Google đã làm điều này, và giờ tới lượt Qualcomm. Hiện nay những con chip của Qualcomm như Snapdragon 835 không có một thành phần nào chịu trách nhiệm riêng cho công việc xử lý AI. Việc sở hữu một chip AI riêng trong Snapdragon 845 sẽ giúp giảm tải cho CPU và GPU. Chip AI mới sẽ chỉ xử lý những thứ liên quan đến AI, tốc độ sẽ nhanh hơn, bài toán dự đoán sẽ cho ra kết quả chính xác hơn, trong khi lại tiêu thụ ít điện năng hơn. CPU và GPU khi đó sẽ tiếp tục công việc vận hành app và hệ điều hành để thiết bị của bạn vẫn chạy mượt mà ngay cả khi một tiến trình AI đang chạy phía sau.
Chưa rõ giải pháp của Qualcomm sẽ nghiên nhiều về loại tác vụ AI nào, nhưng mình dự đoán Qualcomm có lẽ sẽ chú trọng tới AI trong xử lý ảnh giống như con chip Pixel Visual Core của Google. Những con chip dạng này sẽ phân tích hình ảnh trong khung hình trong tích tắc và điều chỉnh lại thông số camera, tự đó giúp bạn chụp được những tấm hình đẹp hơn. Khả năng nhận diện gương mặt cũng sẽ cải thiện, khi đó máy có thể tính toán được điểm nét phù hợp nhất để mọi gương mặt trong khung hình đều nét ngay cả khi mọi người đang không đứng trên cùng 1 mặt phẳng. Trong các tình huống cần chụp HDR, AI sẽ tính được mức độ tăng giảm EV phù hợp trong từng tấm ảnh để rồi kết hợp lại và cho bạn một kết quả tuyệt vời.
Một hướng khác mà Snapdragon 845 có thể khai thác về mặt AI đó là nhận diện gương mặt. Chúng ta có rất nhiều tin đồn về việc các hãng điện thoại Android đang muốn đưa chức năng tương tự Face ID lên điện thoại của họ, nhưng nếu chỉ có hệ thống camera 3D thì vẫn chưa đủ. Trong trường hợp của Apple, con chip AI riêng trong SoC A11 Bionic có tác dụng phân tích, nhận diện gương mặt ở tốc độ rất cao. Nếu không có nhân AI này, khả năng cao là Face ID sẽ chẳng thể chạy nhanh và nhạy như hiện tại. Snapdragon 845 có thể cung cấp tính năng tương tự cho thế giới Android và tăng lợi thế cạnh tranh trước đối thủ iPhone.
Trong thời đại của AI ngày nay, khả năng để vận dụng phần nhân AI trong Snapdragon 845 gần như là vô tận...
2. Chú trọng về nhận dạng sinh trắc học
Không giống như cảm biến vân tay đã được Snapdragon hỗ trợ từ lâu, tính năng nhận diện gương mặt 3D hay nhận diện mống mắt vẫn còn đang là sản phẩm độc quyền của một số hãng trên thị trường. Mỗi hãng có một cách triển khai riêng, họ phải viết driver riêng và tinh chỉnh phần cứng riêng. Trong khi đó, nếu Qualcomm chuẩn hóa những thứ này và tích hợp vào Snapdragon 845 thì các OEM có thể đưa nhận diện gương mặt và mống mắt lên nhiều thiết bị hơn, tiết kiệm chi phí hơn và thời gian ra mắt sản phẩm rút ngắn lại. Cuối cùng, đối tượng hưởng lợi chính sẽ là người tiêu dùng vì họ được xài những chức năng tiên tiến với giá thành rẻ.
Đây là điều mà Qualcomm đã từng làm trong những năm trước. Khi có một chức năng nào hay nhưng lại cần tùy biến riêng ở từng hãng, Qualcomm sẽ đứng ra làm điều đó ở mức tổng quát và có thể tương thích với nhiều OEM khác nhau. Camera kép, cảm biến vân tay, màn hình 2K... là ba trong số những thứ như vậy. Khi kết hợp với sự hỗ trợ sâu từ nhân Android của Google, chúng ta sẽ có những thiết bị di động bảo mật hơn và tiện dụng hơn.
3. Bộ xử lý hình ảnh / camera
Google đã chứng minh rằng ngay cả khi bạn không có phần cứng camera đặc biệt thì bạn vẫn có thể cho ra ảnh cực tốt nếu có phần mềm đủ thông minh và đủ mạnh. Pixel và Pixel 2 chính xác là những chiếc điện thoại như thế.
Thật vậy, phần cứng chỉ là một vế của phương trình. Những cụm camera xịn giờ có thể mua dễ dàng từ Sony, Samsung, OmniVision nhưng sau khi mua về rồi các OEM vẫn phải tự cân chỉnh lại cho đúng màu, đúng nét, đúng sáng. Đây là quá trình cực kì gian nan, kéo dài, đòi hỏi thử đi thử lại nhiều lần trước khi soạn ra được một bộ 'cấu hình' tốt cho tính năng chụp ảnh trên điện thoại. Rất nhiều hãng có thể mua được phần cứng tốt nhưng không đủ năng lực làm phần mềm ngon thì ảnh cho ra vẫn xấu như thường.
Với Snapdragon 845, Qualcomm có thể sẽ chuẩn bị sẵn những bộ cấu hình này cho các đối tác của mình, thậm chí tích hợp nó vào trong Bộ xử lý hình ảnh (ISP) của Snapdragon 845 để giúp các OEM giảm bớt lượng việc họ cần làm trong khâu cân chỉnh camera. Lại một lần nữa, điều này giúp OEM giảm chi phí, rút ngắn thời gian test và có thể đưa điện thoại đến tay người dùng sớm hơn. Mình tin rằng năm nay Qualcomm sẽ có rất nhiều trò hay ho về ISP cho chúng ta xem đấy.
4. Sạc nhanh sẽ tương thích với USB Power Delivery
Các chuẩn Quick Charge hiện tại của Qualcomm đang không hỗ trợ đầy đủ cho cấu hình USB Power Delivery. Cấu hình này là chuẩn chung dành cho các cục sạc và thiết bị có thể sạc bằng cổng USB-C. Với dòng điện đầu vào có thể lên tới 120W thì chuyện dùng USB Power Delivery cho tính năng sạc nhanh là chuyện hoàn toàn khả thi, và thực tế Apple, Google, Samsung đã đi theo con đường này. Google thậm chí còn khuyên các đối tác phần cứng rằng họ nên dùng sạc nhanh USB PD để tăng tính tương thích cho smartphone với các củ sạc đang bán trên thị trường.
Ở Snapdragon 845, mình kỳ vọng Qualcomm sẽ đưa ra bộ điều khiển sạc nhanh Quick Charge 4.5 hay 5.0 gì đó hỗ trợ đầy đủ cho USB DP, điều này cũng có nghĩa là những chiếc smartphone flagship năm sau sẽ tương thích USB PD hết.
5. SoC như là một nền tảng
Năm 2017, Qualcomm đã đổi tên những con SoC Snapdragon của mình là những 'nền tảng di động'. Điều đó có nghĩa là hãng đang muốn bạn nhìn vào Snapdragon ở một góc nhìn rộng hơn là một con vi xử lý. Thật vậy, từ lâu Qualcomm đã tích hợp rất nhiều linh kiện vào trong SoC khiến nó trở thành một nền tảng đúng nghĩa, và với những bộ modem (thu phát sóng) mới như LTE X20 hay X50 dành cho mạng 5G thì điều này càng đúng hơn.
Cho bạn nào chưa biết, việc tích hợp nhiều linh kiện lên chung 1 đế chip như cách mà Qualcomm làm từ năm 2012 đến giờ có nhiều lợi ích: tiết kiệm không gian (có thể để dành phần trống cho pin), sử dụng điện ít hơn so với việc gắn từng chip riêng lẻ lên bo mạch, độ trễ khi chuyển dữ liệu giữa các thành phần với nhau cũng được giảm đi vì khoảng cách vật lý được rút ngắn. Các chip MediaTek, Samsung Exynos, Huawei Kirin và Apple A-Series cũng đều dùng chung mô hình SoC như thế này.
Hiện @cuhiep đã lên đường sang Hawaii để chuẩn bị tham dự hội nghị Snapdragon Summit, có gì mới bọn mình sẽ cập nhật ngay cho anh em biết nhé.