Việt Nam sẽ phát huy tối đa tiềm năng của công nghệ blockchain cho phát triển kinh tế, xã hội nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước và giảm thiểu rủi ro.
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu tại Diễn đàn Blockchain 2018.
Phát biểu tại diễn đàn Blockchain, với chủ đề “Tầm nhìn và Xu hướng phát triển” diễn ra ngày 14/6 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, Việt Nam sẽ sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý công nghệ blockchain, phát huy tối đa tiềm năng công nghệ này cho phát triển kinh tế, xã hội nhưng vẫn bảo đảm an ninh quốc phòng đất nước, đồng thời hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra.
Theo ông Nguyễn Văn Bình, cuộc cách mạng lần thứ 4 đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới, dẫn đến thay đổi lớn về lực lượng sản xuất, phương thức sản xuất, tạo ra sự tác động mạnh mẽ ngày một gia tăng tới mọi mặt của kinh tế – xã hội.
Trong số các công nghệ chủ chốt của cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ blockchain hay còn gọi là công nghệ chuỗi khối là một công nghệ đột phá được dự đoán sẽ là công nghệ dẫn dắt trong vài thập kỷ tới. Với tiềm năng của blockchain, nhiều quốc gia đã ứng dụng vào việc điều hành Chính phủ.
Theo ông Adam Vaziri, Tổng Giám đốc QRC Group, một số quốc gia có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Anh, Singapore, Trung Quốc đều thừa nhận sự cần thiết phải có những quy định phù hợp đối với blockchain. Trong khi đó, Nhật Bản và Đức đã chấp nhận Bitcoin là một loại tiền tệ đủ điều kiện và đánh thuế loại tiền này…
Ông Adam Vaziri nhận định, thời gian trung bình để các quốc gia ứng dụng blockchain trong khoảng 2-5 năm hoặc hơn. Hiện Estonia là một trong những quốc gia đầu tiên ứng dụng blockchain mang tầm nhà nước.
“Dự án nhà nước của Estonia về hệ thống điện tử thống nhất được đánh giá là một trong những dự án triển khai thành công nhất trên thế giới, ông Adam cho biết. Hiện, 94% người dân Estonia đã có căn cước điện tử, giúp họ truy cập và sử dụng hệ thống thông tin dịch vụ chính phủ điện tử.
“Nhờ chính phủ điện tử, Estonia đã tiết kiệm 2% GDP cả nước, hơn 4.000 dịch vụ được cung cấp trên nền tảng số, hơn 1 triệu thẻ y tế của người dân đã được nhập vào kho dữ liệu blockchain”, ông Adam cho biết thêm.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết, tại Việt Nam hiện nay, một số ngành có tiềm năng cao ứng dụng công nghệ blockchain là giao dịch tài chính – đầu tư, quản lý hồ sơ y tế, truy xuất nguồn gốc thực phẩm…
“Không nằm ngoài xu thế chung của thế giới, Việt Nam vẫn tiếp tục theo dõi, khuyến khích, phát huy các ưu điểm của công nghệ này, đồng thời, nghiên cứu để sớm đưa ra các chủ trương, chính sách, pháp luật để điều chỉnh phù hợp, giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn”, ông Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) Chu Ngọc Anh cũng cho biết trong thời gian tới, Bộ sẽ triển khai một loạt công việc có liên quan nhằm hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội.
Ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ khẳng định sẽ hỗ trợ ứng dụng công nghệ blockchain trong xây dựng chính phủ điện tử.
Trong đó, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, lộ trình phát triển ứng dụng công nghệ blockchain; nghiên cứu kinh nghiệm các nước, tham mưu cho Đảng, Nhà nước ban hành những chủ trương, chính sách, quy định pháp luật phù hợp để thúc đẩy, kiểm soát công nghệ blockchain tại Việt Nam.
Bộ KH&CN cũng hỗ trợ phát triển ứng dụng công nghệ blockchain thông qua các chương trình KH&CN cấp quốc gia, như chương trình KH&CN về Chính phủ điện tử; chương trình KH&CN trọng điểm cấp quốc gia về Cách mạng công nghệ lần thứ 4 mà Bộ Khoa học và Công nghệ đang hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
“Bộ sẽ ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp thực hiện dự án có ứng dụng công nghệ blockchain thông qua Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, ông Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Theo Forbes, Việt Nam có thể trở thành trung tâm blockchain mới của khu vực và trên thế giới, là điểm đến của các nhà đầu tư công nghệ, đối tác phát triển blockchain năng động, nhanh nhạy với công nghệ mới.
Vì vậy, một lộ trình thực thi các giải pháp, kiến tạo môi trường pháp lý thuận lợi để quản lý, khuyến khích công nghệ phát triển, ngăn ngừa các rủi ro là yêu cầu hết sức quan trọng.
Theo VOV