Theo nghiên cứu của các chuyên gia thực phẩm và tạp hóa tại IGD, thị trường tạp hóa châu Á được xem là lớn nhất thế giới với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm (CAGR) ước tính sẽ đạt 6,3% cho tới năm 2021.
Quy mô thị trường châu Á được dự báo sẽ đạt 4,8 nghìn tỷ USD vào năm 2021, tương đương tổng quy mô của thị châu Âu và Bắc Mỹ.
Riêng trong kênh cửa hàng tiện lợi (convenience store), IGD dự báo tỷ lệ CAGR sẽ đạt mức hai con số trong vòng 4 năm tới tại những nước như Việt Nam (37,4%), Philippines (24,2%) và Indonesia (15,8%), dựa trên hiệu suất hoạt động của các chuỗi cửa hàng lớn tại mỗi thị trường.
Theo ông Nick Miles, trưởng đại diện IGD tại khu vực châu Á Thái Bình Dương, thị trường bán lẻ tại ba nước này đang chuyển dần từ thương mại truyền thống sang hiện đại. 'Có vài nhân tố thúc đẩy điều này, đó là triển vọng kinh tế tích cực, GDP bình quân đầu người sẽ tăng đáng kể, cùng với đó chính sách thị trường 'cởi trói' cho vốn đầu tư nước ngoài và thói quen mua sắm thay đổi nhanh chóng', ông nói.
Trong số các kênh bán lẻ, cửa hàng tiện lợi có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhất ở châu Á, nhờ vào đô thị hóa nhanh, dân số trẻ và mức thu nhập thực ngày càng cao.
Nói về dự báo thị trường Việt Nam sẽ tăng trưởng nhanh chóng, ông Miles cho rằng: 'Các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam đang trở thành điểm đến phổ biến cho người tiêu dùng trẻ mua sắm và hẹn hò, bởi những nơi này có máy lạnh, các kệ hàng và khu vực ngồi được sắp xếp tốt, hàng hóa chất lượng cao và tại một số cửa hàng còn được miễn phí WiFi'.
Việt Nam, Philippines và Indonesia có cùng các đặc điểm làm cho thị trường cửa hàng tiện lợi tăng trưởng mạnh, IGD cho biết.
Ba thị trường này đang tăng trưởng phần lớn nhờ vào sự gia tăng số lượng cửa hàng. Chẳng hạn như ở Philippines, số cửa hàng tiện lợi của 5 nhà bán lẻ lớn nhất nước này đã tăng gấp đôi trong vòng 5 năm qua. Ngoài ra, các nhà bán lẻ cũng đang dịch chuyển trọng tâm của họ từ thủ đô sang các tỉnh khác để tìm kiếm cơ hội lớn hơn.
Tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm của thị trường Việt Nam ước đạt 37,4% trong vòng 4 năm tới.
Đặc biệt, các doanh nghiệp địa phương đang có được chỗ đứng vững chắc trong thị trường. Thị trường cửa hàng tiện lợi châu Á thường bị thống trị bởi các nhà bán lẻ Nhật. Nhưng cũng có các nhà bán lẻ địa phương như Vinmart ở Việt Nam và SM Retail ở Philippines đã mở rộng hoạt động và dẫn đầu thị trường sở tại.
Mô hình siêu thị nhỏ lân cận cũng đang ngày càng phổ biến. Ngoài mô hình cửa hàng tiện lợi hiện đại, các doanh nghiệp địa phương như Indomaret ở Indonesia và chuỗi Wellcome của Dairy Farm ở Philippines đã phát triển thành công mô hình siêu thị nhỏ lân cận, đáp ứng tốt hơn nhu cầu người tiêu dùng. Các siêu thị nhỏ này thường có diện tích 150 - 300 m2 và tập trung vào thực phẩm tươi sống, các mặt hàng thực phẩm thiết yếu và cả đồ ăn đêm.
Ông Miles cũng cho biết thêm: 'Tại tất cả các thị trường tăng trưởng trọng điểm của khu vực này, chúng tôi kỳ vọng sẽ nhìn thấy các nhà bán lẻ và các nhà sản xuất gia tăng đầu tư vào cửa hàng tiện lợi, thúc đẩy các mô hình và sản phẩm sáng tạo như đồ ăn mang đi, và trên tất cả, hợp tác làm việc cùng nhau để đảm bảo họ đang tận dụng tối đa triển vọng tăng trưởng thú vị này'.
Trường Văn / Bangkok Post
* Nguồn: Nhịp cầu Đầu tư