Chương trình truyền thông Chính phủ điện tử IT TODAY do Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ và VNPT phối hợp thực hiện sẽ cập nhật các hoạt động và kết quả triển khai Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử ở các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp.
Thông tin từ VNPT cho hay, ngày 21/6/2016, tập đoàn này và Cổng thông tin điện tử Chính phủ đã ký kết thỏa thuận hợp tác xây dựng chương trình truyền thông IT TODAY trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
Lễ ký kết hợp tác có sự tham dự của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà.
Theo thỏa thuận hợp tác mới ký kết giữa VNPT và Cổng thông tin điện tử Chính phủ, hai đơn vị sẽ phối hợp xây dựng Chương trình truyền thông Chính phủ điện tử IT TODAY.
Chương trình này cập nhật thường xuyên các hoạt động và kết quả triển khai Nghị quyết 36a của Chính phủ về Chính phủ điện tử ở các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp nhằm cung cấp thông tin rộng rãi, công khai và minh bạch tới người dân cả nước, góp phần thúc đẩy ứng dụng CNTT vào các hoạt động phục vụ cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử.
Cùng với sự kiện ký kết hợp tác với VNPT xây dựng chương trình truyền thông IT TODAY, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ cũng chính thức khai trương chuyên trang Chính phủ điện tử và Trang thông tin doanh nghiệp.
Chuyên trang Chính phủ điện tử tại địa chỉ: http://egov.chinhphu.vn cung cấp thông tin, báo cáo liên quan về xây dựng Chính phủ điện tử đã được xây dựng xong trong quý I/2016.
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, tại lễ khai trương, ông Vi Quang Đạo, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ, Tổng Biên tập Báo điện tử Chính phủ khẳng định, trang tin Chính phủ điện tử góp phần thúc đẩy Chính phủ điện tử phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là Chính phủ chuyển từ chỉ đạo, điều hành bằng mệnh lệnh hành chính sang Chính phủ kiến tạo, công khai, minh bạch, liêm chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước.
Cũng được xây dựng xong trong quý I/2016, Trang thông tin doanh nghiệp tại địa chỉ: http://doanhnghiep.chinhphu.vn cung cấp, công khai thông tin, dữ liệu về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; tình hình hoạt động, tình trạng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; thông tin đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư; thông tin đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI); số liệu liên quan của các doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Trang thông tin doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với doanh nghiệp; thực hiện việc minh bạch hóa, công khai thông tin hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, tạo kênh giao tiếp điện tử giữa Chính phủ với doanh nghiệp, tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của doanh nghiệp.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ cũng cho biết, phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà nhận định: Làm bất cứ việc gì, công tác thông tin, tuyên truyền rất quan trọng. Ngoài việc đưa thông tin, nâng cao nhận thức về CNTT, Chính phủ điện tử, đây còn là công cụ để chúng ta giám sát các hoạt động của các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ điện tử.
“Khi chúng ta thông báo kết quả đạt được của các đơn vị thực hiện nhiệm vụ về Chính phủ điện tử sẽ là động lực để các đơn vị cố gắng hơn hoàn thành nhiệm vụ. Đây là cách thông tin công khai để cho tất cả giám sát, cho lãnh đạo biết, người dân biết, chính đơn vị đó biết, không thể tụt lại trong việc xây dựng Chính phủ điện tử”, ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2015 hướng tới mục tiêu đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.
Trong Nghị quyết 36a, Chính phủ cũng xác định rõ các chỉ tiêu chủ yếu, cụ thể là: trong 3 năm 2015 - 2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành Trung ương có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ (dịch vụ công trực tuyến mức độ 3).
Đồng thời, phấn đấu đến hết năm 2016, một số dịch vụ công phổ biến, liên quan nhiều tới người dân, doanh nghiệp được cung cấp ở mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến.
Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4); Cải cách toàn diện cả ba nhóm chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI), hạ tầng viễn thông (TII) và nguồn nhân lực (HCI); phấn đấu đến hết năm 2016, Việt Nam nằm trong Nhóm 4 và đến hết năm 2017 nằm trong Nhóm 3 các quốc gia đứng đầu ASEAN về chỉ số dịch vụ công trực tuyến (OSI) và Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử (EGDI) của LHQ.
Theo ictnews.vn