FSP Hydro G 750 W là bộ nguồn đạt chuẩn 80 Plus Gold hướng đến các bạn game thủ muốn xây dựng một hệ thống máy tính đa card màn hình ổn định và bền bỉ. Bên cạnh đó, thiết kế modular cùng dây loại dẹt giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc quản lý dây khi lắp vào thùng. Mức giá đề xuất khoảng 3 triệu đồng mà hãng đưa ra cũng khá cạnh tranh so với các sản phẩm tương đương cùng phân khúc.
Thông số kỹ thuật
Công suất: 750W
Chuẩn thiết kế: ATX12V V2.4 & EPS12V V2.92/ single rail
Chuẩn 80 Plus: Gold
Mô-đun: full mô-đun
Cáp: 1 x ATX 20+4, 1 x 4+4 CPU, 4 x PCI-E 6+2, 12 x SATA, 6 x Molex, 2 x Floppy
Điện đầu vào: 100 -240 V
PFC: Active PFC (>0.9)
Hiệu suất chuyển đổi điện năng: >90%
Quạt: 135 mm FDB
Độ ồn: < 21 dBA
Kích thước: 150 x 170 x 86 mm
Nhiệt độ hoạt động: 0 - 50 độ
Trọng lượng: 2,6 kg
Các tiêu chuẩn bảo vệ: OCP/OVP/ SCP/ OPP/ UVP/ OTP
Bảo hành: 5 năm
Giá tham khảo tại Việt Nam: 3 triệu đồng
FSP là thương hiệu nguồn của Đài Loan có lẽ đã khá quen thuộc với người chơi máy tính Việt Nam. Sản phẩm của thương hiệu này trải dài từ phân khúc phổ thông giá mềm cho đến cao cấp đắt tiền, vì vậy nhìn chung thì bạn sẽ luôn tìm được một bộ nguồn hợp với nhu cầu và hầu bao. Trong đó Hydro G là dòng hướng đến đối tượng là những bạn game thủ cao cấp, muốn sở hữu một bộ nguồn chất lượng cao với thiết kế modular và quan trọng nhất là sự ổn định khi hoạt động.
Bộ nguồn Hydro G 750 W này được mình sử dụng trong hệ thống thử nghiệm trong 2 tháng vừa qua và nó hoạt động rất ổn định mà không gặp bất kỳ vấn đề nào cả. Bộ nguồn trước đây mình sử dụng trong trong dàn thử nghiệm là FSP 650 W, cũng cỡ 5 năm rồi và vẫn hoạt động hoàn hảo. Vì vậy nói chung là về trải nghiệm cá nhân mình về thương hiệu FSP này nhìn chung là tốt.
Công suất 750 W đủ để bạn có thể chạy thoải mái gần như tất cả các hệ thống máy tính cá nhân hiện nay, thậm chí là ở thiết lập 2 card SLI khủng như GTX 1080 Ti. Đúng là bạn có thể tìm thấy những bộ nguồn rẻ với công suất cao hơn, nhưng Hydro G cũng có những điểm nhấn quan trọng không kém công suất.
Đầu tiên đây là bộ nguồn full modular, thức là toàn bộ dây cáp của nguồn đều có thể tháo ra. Bạn chỉ cần gắn những dây mà mình cần sử dụng là xong, thay vì phải quản lý cả một đống dây thừa như những bộ nguồn không mô-đun. Đặc biệt là khi đi dây trong thùng máy, càng ít dây thì dĩ nhiên là càng dễ dàng để chúng ta thực hiện.
Điểm mình thích là dây của Hydro G sử dụng là loại dây dẹt, gọn hơn rất nhiều so với dây tròn truyền thống. Vừa chiếm ít không gian vừa dễ luồn vào trong các lỗ đi dây của thùng máy, nó sẽ giúp công việc đi dây của bạn dễ dàng hơn bao giờ hết.
Nguồn được làm mát bởi 1 quạt đường kính 135 mm với độ ồn công bố là dưới 21 dBA. Điểm đ biệt là FSP tích hợp thêm công nghệ 0 dBA, quạt chỉ quay nếu như nhiệt độ của nguồn vượt ngưỡng 50 độ. Nói một cách đơn giản là nếu như chưa đến 50 độ, bộ nguồn này sẽ hoạt động trong im lặng. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, lắp vô thùng máy thì quạt của nguồn là thứ cuối cùng mà bạn quan tâm, vì đằng nào nó cũng sẽ bị lấn át bởi quạt CPU và GPU.
Phía sau chúng ta cũng có 1 công tắc và cổng cắm dây nguồn, không có gì khác biệt so với hằng hà sa số những bộ nguồn khác. Có thể mình hơi khó tính, tuy nhiện riêng về phần ngoại hình thì Hydro G không thật sự ấn tượng so với mức giá lên đến 3 triệu đồng của nó. Nhìn qua dòng anh em AURUM cũng của FSP thì rõ ràng là không bắt mắt bằng.
Có lẽ vì như vậy nên hãng mới cho thêm 2 cặp sticker để bạn có thể dán vào hông nguồn cho đổi gió. Nhưng chất lượng chỉ ở mức chấp nhận được, thích thì dán còn không thì mình thấy cũng chẳng sao. Về cơ bản thì điều này cho phép khả năng cá nhân hoá cao hơn một chút so với những sản phẩm tương tự. Cũng lưu ý là đây là loại sticker giấy xài 1 lần, cho nên bạn nên cân nhắc kỹ trước khi dùng.
Yếu tố dễ nhận biết chất lượng của Hydro G nhất chính là chứng nhận 80 PLUS GOLD của nó. Điều này đồng nghĩa với việc 90% điện đầu vào sẽ được chuyển hoá thành năng lượng cấp cho các linh kiện bên trong (tối đa 750 W). Về lý thuyết thì nó sẽ giúp giảm hao phí, tiết kiệm năng lượng hơn so với những dòng đạt chuẩn thấp hơn như 80 Plus Bronze/Silver. Đồng thời thì để đạt được hiệu suất chuyển hoá điện năng cao như vậy, các linh kiện bên trong cũng phải là loại xịn. FSP cho biết họ dùng hoàn toàn tụ Nhật chất lượng cao.
Công suất tối đa của Hydro G 750 W là 750 W ở nhiệt độ 50 độ C (đây cũng là lý do mà quạt được thiết lập để chạy nếu như nhiệt độ vượt ngưỡng này). Điểm đặc trưng của FSP là bộ nguồn của họ được thiết lập theo dạng single rail, với một đường 12V công suất 750 W rồi chia ra cấp cho các linh kiện. Nó khác với thiết lập multi-rail, với nhiều đường cấp nguồn khác nhau với công suất tổng là 750 W. Single rail hay multi rail tốt hơn là chủ đề tranh cãi vô tận của giới chơi nguồn, còn với người dùng bình thường như bạn và mình thì chơi đến mức này thì cứ xác định là cái nào cũng tốt cả.
Đối với những bạn muốn xây dựng hệ thống đa card SLI/Crossfire, Hydro G được trang bị 4 đầu cấp nguồn 6+2 PIN (chân) dành cho VGA. Nó được thiết lập theo kiểu 1 dây 2 cổng, nói chung là tối ưu cho SLI và Crossfire 2 card thôi, và cân tốt cả những dòng khủng như GTX 1080 Ti. Thật ra bạn vẫn có thể chạy 4 card nhưng phải chịu khó gắn thêm dây nối dài, và chỉ dùng được với những dòng card tầm trung của AMD như RX 500 series thôi (chắc chỉ dân xài bitcoin thích điều này). Từ GeForce 10 thì Nvidia chỉ cho chạy SLI với mấy dòng cao từ 1070 trở lên thôi.
Về cơ bản thì khi sắm những bộ nguồn cao cấp như Hydro G thì cũng giống như bạn trả thêm bảo hiểm vậy. Một bộ nguồn không chỉ đơn thuần là cấp điện cho các linh kiện bên trong hoạt động ổn định, nó đồng thời cũng là chốt chặn đầu tiên trước những sự cố như sụt áp, quá dòng,.. Bộ nguồn cao cấp sẽ giúp bạn yên tâm hơn về mặt tuổi thọ linh kiện, nhưng sự an tâm đó có xứng đáng với số tiền bạn phải trả thêm hay không thì mỗi người trong chúng ta đều phải tự cân nhắc. Nhưng về cơ bản, mức giá 3 triệu đồng dành cho phiên bản 750 W của Hydro G mình thấy là khá tốt so với những tính năng mà nó sở hữu.