Đây là những thiết kế sáng giá nhất trong dòng loa Multimedia Speaker 2.1 (MMS 2.1), chúng có khả năng trình diễn tinh tế, uy lực không tồi và giá bán hợp lý.
Hầu hết dòng loa 2.1 đều có khả năng chơi nhạc từ PC hoặc laptop, nhưng hiện nay, nhờ được tích hợp kết nối không dây chúng cũng có thể phối ghép với các nguồn phát nhạc di động khác, điều này khiến cho khái niệm “Loa vi tính” được sử dụng trước đây không còn hoàn toàn chính xác.
DS7
Thiết kế và kết cấu kỹ thuật
Lấy ý tưởng thiết kế từ đôi loa đầu bảng R909 có cấu trúc thùng open baffle đầu tiên và duy nhất của Jamo, hãng loa Đan Mạch đã sản xuất phiên bản thu nhỏ DS7 độc đáo với cấu hình MMS 2.1. Việc copy nguyên mẫu thiết kế của Jamo R909 với thùng loa kiểu ván hở giúp DS7 có ngoại hình rất ấn tượng. Jamo DS7 có cấu tạo gồm 3 driver bắt trên một tấm ván dày 10mm, hoàn toàn hở phía sau, tấm ván này được gia cố bằng một thanh dựng và đế chắc chắn. Dải cao của DS7 được đảm nhiệm bởi driver dome lụa 20mm làm từ vải cotton tetron, dải trung và trầm sử dụng một cặp đôi driver 87mm màng giấy. Thay vì dùng cọc loa dạng clip kẹp như các mẫu loa MMS 2.1, Jamo DS7 được trang bị hẳn cọc loa binding-postmạ vàng cao cấp, ngoài việc đảm bảo tiếp xúc chắc chắn và hạn chế nhiễu kết nối, loại cọc loa này còn cho phép sử dụng các dây loa cao cấp, nhất là loại jack bắp chuối rất tiện lợi.
Bộ Jamo DS7 có tổng suất 90W, trong đó loa subwoofer với driver đường kính 200m đi kèm cho năng lượng đầu ra 60W. Các kết nối và hệ thống hiệu chỉnh đều tập trung ở mặt sau của thùng subwoofer, bao gồm hai bộ cọc loa, nút nguồn, hai nút volume tổng và volume bass. Về kết nối cứng, Jamo DS7 sở hữu một cặp analog input RCA và một cổng digital input optical, cũng có thể sử dụng nguồn phát từ các thiết bị di động kết nối với Jamo DS7 qua giao thức không dây Bluetooh 4.0. Jamo DS7 được thiết kế với remote đi kèm rất tiện dụng, nhất là khi ghép đôi với smartphone, ngoài việc tăng giảm âm lượng, tay điều khiển này còn cho phép chuyển bài và tăng giảm dải trầm.
Chất lượng âm thanh
Dải cao là ưu điểm tuyệt đối của Jamo DS7 so với các đối thủ, chất liệu dome lụa tetron cho âm treble tơi, mịn và có độ ngọt nhất định. Tuy dải trầm của DS7 đòi hỏi một chút ở khâu set-up vị trí, nhưng khi tìm được điểm đặt tối ưu, tiếng bass sẽ xuống sâu, mềm có màu analog. Ngược lại với ưu điểm ở dải cao và trầm, trung âm của DS7 hơi khô và chưa đủ thoát. Tuy nhiên, tổng thể âm thanh của Jamo DS7 vẫn xứng đáng được đánh giá cao. Ngoài ra, lợi thế đáng kể về kiểu dáng “open baffle” độc đáo cũng đang khiến mẫu loa này nóng dần lên trong phân khúc MMS 2.1.
Acoustic Energy Aego3
Thiết kế và kết cấu kỹ thuật
Acoustic Energy là thương hiệu loa Anh Quốc nổi tiếng với hai kiệt tác AE-1 và AE-2 được báo giới và các chuyên gia âm thanh bình chọn là những mẫu loa bookshelf tham chiếu của mọi thời đại. Aego3 là mẫu loa MMS 2.1 được làm mới từ thiết kế Aego M ra đời cách đây gần một thập kỷ. Aego3 được chế tạo với chất liệu và đường nét tinh tế, kiểu vỏ nhôm tối giản vê tròn các góc cạnh mang phong cách thiết bị Apple. Cặp loa vệ tinh của Acoustic Energy Aego3 có thiết kế khá đặc biệt như một khối rubik với cạnh đáy vát chéo hướng mặt loa chếch lên trên. Mỗi loa Aego3 chỉ được trang bị một driver toàn dải, kết nối với subwoofer bằng dây và jack cắm dạng tương tự RCA.
Thùng subwoofer của Aego3 có công suất 65W, được đóng bằng ván dày chắc chắn, mặt loa hướng về phía trước với lưới kim loại bảo vệ, mép trên là vùng hiển thị nguồn gồm các đèn LED chức năng báo nhận tín hiệu tương tác từ remote điều khiển. Aego3 nhận nguồn âm analog qua ngõ kết nối 3,5mm hoặc kỹ thuật số qua đường optical input. So với Aego M, Acoustic Energy Aego3 bổ sung kết nối Bluetooth 4.0 hỗ trợ mã hóa Apt-X cho phép nhận tín hiệu không dây có chất lượng ngang chuẩn CD từ các thiết bị di động.
Chất lượng âm thanh
Hai loa vệ tinh nhỏ gọn của Aego3 có ưu điểm dễ xếp đặt trên những bàn làm việc nhỏ hẹp. Trải nghiệm một vài track thử qua kết nối 3,5mm từ máy tính iMAC cho thấy Aego3 có không gian âm thanh lớn. Chỉ cần đặt cặp loa vệ tinh cách nhau trên 60cm là hiệu ứng stereo trở nên rõ ràng và tách bạch. Dải trầm cũng có màu âm tương tự Jamo DS7 với nền đầy và khá sâu. Trung âm của Aego3 đạt được độ ngọt, các bản thu vocal jazz, blue và nhạc bolero Việt được tái tạo ấm, voice nổi rõ. Nhược điểm của bộ loa 2.1 này nằm ở dải cao, tuy gần như không có điểm chói gắt nhưng âm treble của chúng hơi hẹp và thiếu độ tơi. Cụ thể, với tiếng đàn guitar dây sắt, Aego3 chưa tạo được độ ngân tốt, cympal chơi chưa thật mịn khi so với Jamo DS7. Nhìn chung, tổng thể âm thanh của Acoustic Energy Aego3 gần như không có đối thủ trong tầm giá.
Harman Kardon Soudstick Wireless
Thiết kế và kết cấu kỹ thuật
Soundsticks là một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của thương hiệu Harman Kardon, đôi loa trong suốt với những đường cong đặc biệt này được trưng bày trang trọng tại Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại New York (Mỹ). Harman Kardon Soundsitck sở hữu lớp vỏ trong suốt để lộ toàn bộ driver, dây dẫn và linh kiện bên trong. Với cấu hình loa 2.1, SoundSticks III sở hữu 2 loa vệ tinh, tổng cộng 8 loa toàn dải màng nhôm và một subwoofer đường kính 150mm. Cặp loa vệ tinh này cho phép điều chỉnh góc phát âm tối ưu tới độ cao của tai người nghe. Riêng cụm subwoofer có thiết kế đặc biệt thoát hơi hai chiều, mặt loa chính hướng xuống kiểu down-firing, sóng phản hồi của màng woofer được dẫn tiêu âm ra ngoài qua ống thoát thẳng đứng.
Harman trang bị cho SoundSticks III kết nối Bluetooth dựa trên công nghệ truyền âm do họ tự phát triển với tên gọi TrueStream. Công nghệ này giúp loa tự động chuyển từ đầu vào có dây sang nguồn phát không dây khi kích hoạt Bluetooth, đồng thời ưu tiên băng thông tối ưu giúp đạt chất lượng truyền âm tốt nhất, tương đương công nghệ Wireless 2.4GHz.
Chất lượng âm thanh
Khi SoundSticks III trình diễn, cặp loa vệ tinh tích hợp tổng cộng tới 8 drive tạo nên âm thanh chi tiết, âm hình rộng. Trong khi đó, cụm subwoofer với thiết kế thoát hơi rất đặc biệt giúp tạo nên tiếng bass sâu, rõ nét và có độ nhiễu âm cực thấp. Harman Kardon Soundsticks III có nội lực trình diễn tương đương dàn loa hifi với dải tần trong khoảng 44-22.000Hz. Tuy không đủ tinh tế ở dải cao như Jamo DS7 hay trung âm tròn như Acoustics Energy Aego3 nhưng Soundsticks III chơi tốt và đều trên toàn dải. Với lợi thế về dải trầm và độ động khá tốt, dàn loa này thể hiện được độ chi tiết và tách bạch của các thể loại nhạc pop, jazz, blue... đồng thời cũng có tốc độ đáp ứng cao khi trình diễn dòng nhạc rock, EDM, remix... Có thể nói, Harman Kardon Soundsticks III luôn luôn là một trong những lựa chọn an toàn trong tầm giá.
Kết luận
Jamo DS7 là một hệ thống loa MMS 2.1 có công suất lớn, âm thanh chiếm ưu thế ở dải cao và trầm, với điểm mạnh về thiết kế, đôi loa ván hở này sẽ tạo nên phong cách ấn tượng cho bàn làm việc của người dùng. Điểm trừ của DS7 là mức giá cao hơn hẳn so với mặt bằng loa MMS 2.1 hiện nay. Harman Kardon Soundsticks III ghi điểm về khả năng thể hiện nhiều loại nhạc và thiết kế hiện đại, tròn vai ở mọi khía cạnh và nhất là mức giá hợp lý. Acoustics Energy Aego3 có lẽ là bộ loa MMS 2.1 đáng mua nhất với chất âm cân bằng, hiệu ứng stereo tốt và điểm cộng về khả năng bố trí linh hoạt.
Theo Nghenhinvietnam.vn