Bài viết dưới đây tổng hợp ý kiến của cây bút Walt Mossberg, Phó tổng biên tập trang công nghệ nổi tiếng The Verge, về “cô nàng trợ lý ảo” Siri của Apple.
Người tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo
Siri là phát súng tiên phong của hãng Apple trong cuộc đua tích hợp trí tuệ nhân tạo cho các sản phẩm công nghệ. Ra mắt từ năm 2010, đến nay Siri không chỉ có trên iPhone, iPad mà còn trên cả máy tính Mac (với hệ điều hành macOS Sierra vừa ra mắt) và hệ thống CarPlay trên xe hơi.
Dù Apple đã ghi điểm đầu tiên với vai trò tiên phong, nhưng với tuổi đời đã 6 năm, Siri ngày càng tỏ ra tụt hậu so với các hậu bối đến từ Google, Amazon, Microsoft, Facebook, v.v. Đối với nhiều người dùng, Siri ngày càng tỏ ra nhàm chán khi tính năng của nó chỉ quanh quẩn gọi điện nhắn tin bằng giọng nói, tra cứu thời tiết, hay đặt giờ báo thức, ghi chú, tìm nhà hàng, v.v. Những thứ này từ trước khi có Siri người ta đã làm được, cũng thông qua điều khiển giọng nói, dù không được trực quan như Siri.
Apple vẫn định kỳ thông báo bổ sung thêm tính năng hiểu biết cho Siri. Chẳng hạn gần đây là khả năng điều khiển nhà thông minh thông qua nền tảng HomeKit. Chẳng hạn bạn có thể yêu cầu Siri “chuyển đèn sang màu xanh” (với đèn LED thông minh) hay “bật nước nóng trong phòng tắm”.
Loa thông minh Echo tích hợp trợ lý ảo Alexa của AmazonNhưng điều này Amazon đã làm được trước đó với trợ lý ảo Alexa tích hợp trong loa thông minh Echo. Và Echo thậm chí còn tiện hơn khi bạn có thể gọi nó bất cứ lúc nào, còn Siri thì đòi bạn phải bấm nút Home trên iPhone để gọi nó ra, hay phải nói thần chú “Hey Siri”, thứ mà không phải lúc nào nó cũng nghe đúng.
… đã trở nên tệ hại và lạc hậu như thế nào
Walt Mossberg đã chỉ ra một số ví dụ cho thấy sự lạc hậu, kém chính xác và có phần ngu ngốc của Siri.
Đầu tiên, ông than phiền là Siri hoàn toàn chẳng được cập nhật những sự kiện mới. Nó chẳng thể thông báo tên các ứng cử viên Tổng thống hiện tại, hay các giải thưởng như Emmy lúc nào thì diễn ra. Mossberg lấy ví dụ khi ông hỏi thời tiết ở Crete, Siri đưa ra kết quả đúng là ở Crete, nhưng là một ngôi làng nhỏ xíu ở bang Illinois, thay vì hòn đảo Crete nổi tiếng của Hy Lạp mà Mossberg muốn hỏi.
Trong khi đó, Google Now, ở ngay trên iPhone, có thể đưa ra câu trả lời chính xác cho tất cả những thứ trên. Đó là chưa đề cập nếu thế hệ trợ lý ảo tiên tiến hơn là Google Assistant.
Một ví dụ cho sự ngu ngốc một cách 'chết cười' của SiriTuy nhiên nếu bạn thử hỏi những câu trên, bây giờ Siri đã trả lời đúng. Đơn giản là Apple đã cập nhật khi nhận được phàn nàn từ chính Mossberg. Hãng còn biện hộ là Siri chỉ tập trung giúp người dùng những tác vụ đơn giản như gọi điện, nhắn tin, tìm địa điểm… với cường độ hàng triệu lần mỗi này. Còn những câu hỏi dài thượt như của Mossberg, đơn giản là… có quá ít người hỏi để mà hỗ trợ, theo Apple là chỉ vải trăm lần mỗi ngày.
Phản bác lại điều này, Mossberg cho biết một khi người dùng đưa ra các câu hỏi như ông và nhận được kết quả sai, đơn giản là họ sẽ chán và chẳng muốn dùng Siri nữa. Ông bật cười khi cho rằng chẳng hiểu sao câu hỏi “Lúc nào thì cuộc tranh luận bầu cử Tổng thống tiếp theo diễn ra?” lại là một câu hỏi dài và hiếm có ai muốn hỏi.
Những ví dụ buồn cười khác
Mossberg minh họa thêm vài ví dụ rất buồn cười khác. Chẳng hạn ông hỏi Siri trên Mac thời gian ông cần để đến văn phòng là bao lâu, nó trả lời lại là nó không có địa chỉ văn phòng của ông. Đáng lưu ý là trong máy tính có lưu thông tin liên lạc kèm địa chỉ văn phòng, thứ mà chính Siri trên iPhone đã dùng để trả lời chính xác.
Tương tự là Siri trên Apple không thể nào tìm được lịch làm việc của Mossberg, khi cứ trả lời “Xin lỗi Walt, có gì đó… sai sai”. Nhưng Siri trên iPhone thì lại làm được, vì các thông tin này đều được Mossberg ghi lại trong lịch Apple Calendar (đồng bộ trên các thiết bị).
Khi Mossberg yêu cầu Siri tìm những tấm ảnh ông đã chụp ở York (Anh) hồi hè này, nó đưa ra kết quả là loạt ảnh của ông tại… Yorktown, bang Virginia, chụp từ… năm ngoái. Chính xác ghê!
Mossberg bèn thử yêu cầu Siri liệt kê các tin nhắn iMessage mà cô con dâu gửi cho ông. Nó trả lời là “chẳng có tin nhắn nào”, đúng vào ngày mà cô đã gửi cho ông đến… 2 tin.
'Tim Cook là ai?'
Một lỗi khá nặng của Siri là nó không phân biệt được ý nghĩa của câu “Ông X là ai?” và thường trả lời bằng cách trưng ra… thông tin liên lạc của người đó. Mossberg đã thử hỏi Siri “Tim Cook là ai?”, Siri bèn lục tìm trong sổ danh bạ của iPhone và trưng mục “Tim Cook” ra.
Thế nhưng, với Google Now trên một chiếc Galaxy S7, với câu hỏi tương tự, thông tin tiểu sử chi tiết của CEO Apple trên Wikipedia. Dĩ nhiên Google Now hoàn toàn hiểu câu lệnh “Gửi email cho Tim Cook”, nó cũng lấy được đúng thông tin liên lạc của ông này trong điện thoại của Mossberg.
Đôi lời cuối
Dĩ nhiên Siri không phải là thành tố duy nhất trong chiến lược tổng thể về công nghệ trí tuệ nhân tạo của Apple. Các ứng dụng, dịch vụ khác của hãng này cũng có những khả năng phục vụ điều này.
Thế nhưng, vẫn có một sự thật là trên mặt trận AI hiện nay, Siri đã trở nên quá lạc hậu, quá hạn chế và quá kém tin cậy. Rõ ràng Siri đã biến thành một món vũ khí gần như vô dụng mà Apple có thể sử dụng trong “cuộc chiến AI”. Không chỉ một cuộc chiến đang diễn ra, mà ai là người thắng cuộc sẽ tạo một cách mạng thực sự.
Mà một cuộc cách mạng AI thì đòi hỏi nhiều hơn những khả năng hiện có của Apple và Siri rất nhiều.
Nguyên Khang (Theo The Verge)
Nguồn : kul.vn