Galaxy Note 7 của Samsung cháy nổ do lỗi pin. Điều này ai cũng đã quá biết, khiến Samsung “nổi lềnh bềnh” trong gần cả tháng qua. Riêng tại Mỹ, nơi có 1 triệu máy được tiêu thụ trước khi có lệnh ngưng bán và triệu hồi, đã có 92 vụ việc được ghi nhận Galaxy Note 7 có triệu chứng quá nhiệt, trong đó có đến 26 vụ gây phỏng cho chủ nhân và 55 vụ gây hư hỏng các tài sản khác.
Nhưng khi nhìn vào vấn đề lỗi pin, ta có thể thấy không chỉ mình Galaxy Note 7 “dính chưởng”. Đầu năm năm, 500.000 xe điện cân bằng (hoverboard) đã bị thu hồi, cũng do lỗi bốc cháy do pin quá nhiệt.
Chưa hết, hãng xe điện cao cấp Tesla cũng dính phải sự cố 2 chiếc xe Tesla Model S trị giá gần cả trăm nghìn USD bốc cháy bắt nguồn từ pin, chỉ vì tài xế để bộ pin của xe (vốn nằm dưới gầm) va chạm với chướng ngại vật trên đường chạy khiến nó hư hỏng. Tesla đã sửa lỗi bằng cách gia cố thêm cho gầm xe để bảo vệ bộ pin tốt hơn.
Boeing 787 của Vietnam AirlinesHết xe đến máy bay, Cục hàng không liên bang Mỹ đã cấm bay toàn bộ máy bay Boeing 787 mới sau khi có 2 vụ cháy cũng liên quan đến bộ pin phụ trợ trên máy bay xảy ra hồi năm 2013. Vấn đề này nay đã được khắc phục và Boeing 787 đã được bay trở lại.
Bạn thấy đó, chuyện lỗi pin gây nóng và cháy có thể bắt gặp ở bất kỳ đâu, trên bất kỳ thiết bị gì.
Suýt quên chưa nói, Sony, HP, Panasonic và Toshiba cũng từng gặp sự cố cháy pin trong các dòng laptop của họ, chỉ mới hồi đầu năm nay.
Vụ triệu hồi sản phẩm lớn nhất liên quan đến lỗi pin thuộc về Dell với 4,1 triệu laptop bị thu hồi.
Tất cả pin của những sản phẩm trên đều dùng cùng một công nghệ: lithium-ion.
Xuất hiện từ đầu những năm 1990, pin lithium-ion được rất nhiều công ty điện tử ưa dùng do ưu điểm chứa nhiều năng lượng trong một kích thước nhỏ.
Thế nhưng do thiết kế theo ô năng lượng (cell) của nó, một khi một ô bị quá nóng, do khả năng dẫn nhiệt, các ô khác trong pin cũng sẽ nóng lên theo, chẳng mấy chốc mà sự quá nhiệt của toàn khối pin sẽ xảy ra.
Viên pin lithium-ion trong iPhone 7Về cấu tạo, pin lithium-ion sử dụng “chất điện phân hòa tan” để trữ năng lượng, và vấn đề nằm ở đây: chất điện phân rất dễ cháy. Và một khi có lỗi gì xảy ra, năng lượng trong pin sẽ làm nóng chất điện phân này và khiến nó bắt lửa.
Sự thật thì để xảy ra một lỗi trong pin là rất thấp, với tỷ lệ chỉ là 1/10.000.000. Nhưng sự việc sẽ khác nếu lỗi xuất phát trong quá trình sản xuất (như Samsung đã thừa nhận), lỗi này sẽ bị nhân lên hàng loạt.
Như đã nói ở trên, tỷ lệ nóng pin gây cháy chỉ riêng tại Mỹ là 92, trong khi đã có chừng 1 triệu máy tiêu thụ tại đây. Vậy tức là tỷ lệ đã rút xuống còn 1/10.000. Trong khi có đến 2,5 triệu máy Galaxy Note 7 có nguy cơ lỗi đã đến tay khách hàng toàn cầu.
Các công ty công nghệ và các nhà khoa học đã bắt tay vào nghiên cứu công nghệ pin mới, nhưng ít nhất cho đến tương lai gần, pin lithium-ion vẫn sẽ là tiêu chuẩn cho các thiết bị điện và điện tử.
'Trong thời điểm này, vẫn chưa có một giải pháp nào thay thế được pin lithium-ion,” Steve Levine, tác giả cuốn sách The Powerhouse: Inside the Invention of a Battery to Save the World, khẳng định.
'Thật sự khó nếu ta đòi hỏi nó tuyệt đối an toàn,' Levine nói, 'điều này có nghĩa chúng vẫn tiếp tục tồn tại, dù thỉnh thoảng vẫn có sự cố không mong muốn xảy ra. Nhưng nhìn chung, pin lithium-ion tương đối an toàn.'
Dù gì thì chúng ta vẫn nên tin dùng pin lithium-ion này mà thôi. Còn không, mời bạn nói lời tạm biệt với smartphone, laptop, máy ảnh, vân vân và vân vân.
Nguyên Khang
Theo Infonet
Nguồn : kul.vn