Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá, công tác dạy và học online trong những ngày đầu tiên của năm học mới gặp nhiều khó khăn. Lý do là đường truyền Internet gặp lỗi, phần mềm dạy học trục trặc, nhiều học sinh thiếu thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn hạn chế.
Học sinh cần có thiết bị để học online trong mùa dịch
Mới đây, Bộ phát động quyên góp, ủng hộ thiết bị học tập cho học sinh. Hưởng ứng lời kêu gọi này, doanh nghiệp lớn thuộc ngành thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, ngân hàng, doanh nghiệp thuộc Uỷ ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp công bố ủng hộ 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
Các doanh nghiệp viễn thông gồm Viettel, VNPT, MobiFone cam kết phủ sóng các vùng lõm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách trong tháng 9 và trên toàn quốc trong năm 2021. Tổng kinh phí triển khai gần 3.000 tỷ đồng. Các doanh nghiệp công nghệ miễn phí 6 nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam bao gồm VNEdu, ViettelStudy, MobiEdu, Onluyen, Hocmai, Misa EMIS trị giá 200 tỷ đồng.
Tại Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết để tránh gây áp lực với học sinh lớp 1 khi học trực tuyến, các nhà trường phải sắp xếp thời khóa biểu khoa học với thời lượng tối đa 3 tiết/ngày.
Sở hướng dẫn các nhà trường dành thời gian từ ngày 1-12/9 để cùng phụ huynh học sinh lớp 1 làm công tác tổ chức lớp học, hướng dẫn học sinh làm quen với hình thức học trực tuyến. Sở đánh giá các học sinh lớp 1 chưa biết đọc, chưa biết viết, chưa có kỹ năng học trực tuyến… Vì vậy, với một số môn như giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật, một số bài môn đạo đức, môn tự nhiên và xã hội, giáo viên có thể xây dựng bài học bằng video gửi cho phụ huynh học sinh để phụ huynh giúp con thực hiện các nội dung theo khung giờ phù hợp với từng gia đình.