Sony A6300 là sản phẩm tiếp theo của dòng A6000 từng được rất nhiều người dùng mong chờ. Tuy nhiên việc bổ sung thêm nhiều tính năng khiến giá của sản phẩm bị đội lên khá nhiều so với người tiền nhiệm. Sony gọi A6300 là sản phẩm flagship trong phân khúc máy ảnh APS-C của mình với những từ bên ngoài đến những thành phần bên trong: bao gồm thân máy, cảm biến, khả năng lấy nét, quay phim…
Mang phong cách của A6000, A6300 có thiết kế tương tự nhưng cảm giác nặng và đầm chắc hơn nhờ bộ vỏ hợp kim ma-giê, hoàn thiện tương tự A7 II. Bộ khung cùng ngàm ống kính được làm chắc hơn, giúp máy chịu được những lens có trọng lượng nặng. Bám cầm của máy cũng được trau chuốt giúp dễ cầm nắm hơn, trong khi vẫn tạo được kích thước nhỏ gọn.
Sony cho biết cảm biến APS-C 24.2 MP trên A6300 được làm mới hơn nhờ hệ thống mạch điện bên trong cảm biến làm bằng đồng (Cu), bề mặt lấy sáng được mở rộng để ánh sáng lọt vô đi-ốt quang nhiều hơn. Như vậy cảm biến của A6300 sẽ nhạy sáng hơn A6000 (ISO từ 25.600 lên 51.200). Việc cải tiến cảm biến công nghệ FSI-CMOS sẽ dễ dàng hơn việc làm BSI-CMOS như trên A7R II. Dễ nhận thấy A7R II ngay khi phát hành đã phát sinh một số lỗi như hot pixel (hiện đã được khắc phục trên firmware 3.0 mới nhất).
Hệ thống lấy nét trên A6300 sở hữu 425 điểm lấy nét theo pha kết hợp với các điểm lấy nét tương phả. Khi sử dụng ở AF tracking thì Sony cho biết nó có khả năng nhận diện hơn 7,5 lần A6000. Một số tính năng cải thiện cho việc sử dụng như các điểm lấy nét có thể chỉnh nhanh bằng phím 4 chiều, tính năng phóng to vùng lấy nét (focus magnifier) hỗ trợ thêm lấy nét tự động, giúp người dùng chụp macro dễ hơn.
Sony đầu tư khá nhiều vào tính năng quay phim trên A6300. Đầu tiên là việc sử dụng thuật toán quay phim giống trên A7S II giúp việc quay phim 4K có thể ghi nhận 20 triệu điểm ảnh (ở 24p/25p) hay 13,5 triệu điểm ảnh (30p, crop thêm 1.2x từ cảm biến APS-C). Khi cần quay ở độ chi tiết cao thì chúng ta sẽ chọn 24p/25p, còn 30p sẽ dành cho những chuyển động nhanh. Như vậy điểm ảnh hữu dụng ghi nhận khi quay phim trên A6300 tương đương 6K (6.000 x 3.376 pixel) nhờ full pixel read-out mà không dùng dịch chuyển pixel binning để nén. Những chi tiết phức tạp như cây lá kim, dải ruy-băng cổ vũ sẽ hiển thị rõ ràng và không bị bể chi tiết. A6300 cũng hỗ trợ thanh theo dõi âm thanh (audio level), khả năng chỉnh độ nhạy âm trên thân máy.
Một điểm mới trên A6300 là kính ngắm EVF hỗ trợ 120fps(100fps), với tần số quét cao gấp đôi thì việc EVF sẽ phản ứng tốt hơn với các vật thể cần lấy nét. Tuy nhiên ở chế độ này thì chất lượng EVF sẽ giảm xuống một chút. Đó là lý do Sony cho phép chọn giữa 50/60fps và 100/120fps.
Sony cũng thêm vào khả năng chụp bằng màn trập điện tử giúp việc chụp ảnh từ A6300 lúc này sẽ không có tiếng động nào. Nhờ cơ chế quét màn trập như vậy thì trong một số tình huống ảnh sẽ bị hiện tượng rolling shutter khá nặng. Để dễ hình dung, bạn thử chụp màn hình điện thoại Galaxy S6/S7 sẽ thấy rất rõ hiện tượng đó. ( Giải thích thêm về rolling shutter )
Cuối cùng, A6300 có đầy đủ các tính năng xuất hiện trên A7S II như quay Full HD 120fps, sử dụng nguồn điện qua microUSB, gán nút quay phim (MOVIE) trên các nút tùy chỉnh C1, C2, hỗ trợ các profile quay phim chuyên dụng S-log2, S-log3… Tính tương thích thẻ nhớ trên A6300 cao hơn khi việc quay XAVC S HD có thể thực hiện bằng thẻ nhớ dưới 64GB. Đối với việc quay 4K thì máy yêu cầu thẻ nhớ UHS-I chuẩn U3 (Speed class 3). Thử nghiệm ghi hình 4K liên tục thì máy có thể đạt 29 phút 59 giây, máy khá nóng như không bị ngắt nửa chừng, file dữ liệu hơn 20GB ở 100Mbps.
Tóm lại, A6300 thể hiện tốt những tính năng của một flag-ship dòng APS-C. Tuy nhiên nếu những tính năng trên A6300 chưa thực sự cần thiết với bạn như quay 4K, FHD 120fps, cổng mic… thì A6000 vẫn là một lựa chọn tiết kiệm hơn, còn lại chi phí sẽ để dành cho việc mua lens.