10 điểm khác biệt chính giữa Nikon Z7 và Sony A7R III.
Dòng Sony A7R với đại diện tiêu biểu là Sony A7R III được đánh giá cao về chất lượng hình ảnh nhờ vào các cảm biến full frame xuất sắc của hãng. Nikon cũng không chịu kém cạnh với chiếc Nikon D850 và vừa cho ra mắt ‘phiên bản mirrorless’ là Nikon Z7 với độ phân giải tương tự. Không có gì đáng ngạc nhiên khi hai chiếc máy ảnh flagship A7R III và Z7 lại trực tiếp đối đầu nhau.
Một mặt, chúng ta có một sản phẩm hoàn toàn mới được hoàn thiện với thiết kế công thái học và các tính năng hấp dẫn có thể thu hút cả người dùng Nikon DSLR lẫn mirrorless. Mặt khác, chúng ta có thế hệ máy ảnh thứ ba trưởng thành hơn và cải tiến hơn qua thời gian mà vẫn vừa duy trì vị thế dẫn đầu về chất lượng hình ảnh. Trước khi cuộc đối đầu chính thức trên thị trường bắt đầu, hãy cùng điểm qua 10 điểm khác biệt chính giữa Sony A7R III và Nikon Z7.
Điểm chung giữa Sony A7R III và Nikon Z7:
– EVF có độ phân giải cao 3.6 triệu điểm.
– Quay video 4K lên đến 30fps và 100Mbps với công nghệ ghép điểm ảnh (pixel binning) ở chế độ full frame, xử lý điểm ảnh toàn diện ở chế độ APS-C.
– Quay video 1080p 120fps với các khả năng quay slow motion trong máy ảnh.
– Đầu cắm mic, đầu xuất headphone, cổng USB C, HDMI (Mini Type trên Z7, Micro Type D trên A7R III)
– Kết nối Wi-Fi và Bluetooth
1. Cảm biến
Cả Nikon Z7 và Sony A7R III đều sở hữu cảm biến 35mm/full frame, có thiết kế backside illumination (BSI) và không có bộ lọc AA. Khác nhau bắt đầu ở độ phân giải: Z7 có 45.7MP, A7R III có 42.4MP.
Z7 có dãy ISO chạy từ 64 đến 25600, hoặc mở rộng từ 32 đến 102400. Trong khi đó, A7R III bắt đầu từ 100 đến 32000, mở rộng từ 50 và đạt mức nhạy sáng mở rộng cao nhất bằng với thông số trên chiếc máy ảnh mới của Nikon.
2. Nén RAW
Tương tự mọi máy ảnh Nikon DSLR cao cấp, Z7 cho người dùng tùy chọn nhiều loại tập tin hình ảnh. Bạn có thể chụp ở định dạng NEF (file RAW của Nikon) ở 12 bit hoặc 14 bit, cũng như chọn ba mức nén (uncompressed, lossless hoặc compressed). Bạn cũng có thể chụp ở định dạng Tiff, bên cạnh định dạng JPG.
A7R III cho phép người dùng chọn 2 mức là compressed hoặc uncompressed cho file RAW. Máy không có tùy chọn Tiff, nhưng lại có một thiết lập nâng cao đặc biệt cho file JPG (Extra Fine).
Phải lưu ý là khi chụp ở chế độ mở rộng liên tục (chế độ nhanh nhất) trên Z7, thì chỉ có file RAW 12 bit mới dùng được. Còn trên A7R III, độ sâu bit hạ từ 12 bit khi chụp ở chế độ mở rộng liên tục với tùy chọn compressed RAW, khi sử dụng giảm nhiễu phơi sáng dài và ở chế độ Bulb.
3. Lấy nét tự động
Nikon Z7 có khả năng lấy nét tự động nhận diện pha on-sensor 493 điểm phủ xấp xỉ 90% cảm biến. Trong khi đó, A7R III có 399 điểm lấy nét nhận diện pha phủ 68% bề mặt cảm biến.
Z7 cũng có mức nhạy sáng cao hơn, -4Ev (f/2) khi bật chế độ Low Light AF. A7R III thấp hơn một mức, -3Ev ở cùng một khẩu.
Cả hai máy ảnh đều có chế độ nhận diện khuôn mặt và nhận diện mắt. Xét tổng thể về hiệu suất lấy nét tự động thì Z7 có khả năng phản hồi và tốc độ khóa rất tuyệt vời và hứa hẹn, còn trên A7R III thì không phải bàn cãi, đã được nhiều nhiếp ảnh gia kiểm chứng và đồng tình về độ đáng tin cậy trong nhiều điều kiện khác nhau và đa dạng thể loại đối tượng.
Hai chiếc máy đều có thể sử dụng ống kính DSLR với adapter tương thích, giữ nguyên các khả năng lấy nét tự động. Có rất nhiều lựa chọn cho chiếc máy ảnh của Sony: ngàm LA-EA3 ‘cây nhà lá vườn’ cho ống kính ngàm A và nguồn hậu thuẫn ống kính mạnh mẽ từ Sigma, Metabones và một sốngàm khác để nhận ống kính Canon EF hay thậm chí là ống Nikkor. Hiệu suất có thể là không bằng với các ống kính ngàm E và cũng còn tùy thuộc nhiều vào điều kiện của mỗi ống, tuy nhiên đây vẫn là một ưu điểm hữu ích trong nhiều tình huống.
Về phía Nikon, hãng đã phát triển ngàm FTZ để sử dụng với dòng ống kính Nikkor của mình. Ngàm này cho khả năng tương thích hoàn toàn với tính năng lấy nét tự động của 93 ống kính (AF-S và AF-I có động cơ AF trong ống kính) và tương thích một phần với hơn 300 ống kính khác.
Adapter Nikon FTZ (trái); ống kính Nikkor 500mm f/5.6 với adapter FTZ gắn trên Z7 (phải)
4. Tốc độ chụp liên tiếp
Z7 có thể chụp tối đa 9fps, khóa phơi sáng trên khung hình đầu tiên. A7R III có tốc độ nhanh hơn một chút là 10fps với AE Tracking.
Ở tốc độ chụp liên tiếp tối đa của từng máy, ảnh cuối cùng được hiển thị trên EVF hoặc màn hình LCD. Người dùng có thể sử dụng Live View với blackout khi hạ tốc độ xuống 5.5fps trên Nikon và 8fps trên Sony.
Theo DPreview, bộ nhớ đệm của Z7 có khả năng chứa khoảng 25 file JPG hoặc 23 file RAW 12 bit, thấp hơn tốc độ chính thức của A7R III (76 JPG và RAW compressed). Z7 sẽ bị chậm lại kể cả khi bạn chỉ chọn định dạng JPG.
A7R III có vi LSI trên cảm biến giúp cải thiện tốc độ xử lý, cho nên chắc chắn là hiệu suất cũng phải cao hơn. Máy có khả năng chụp ở tốc độ cao nhất hơn 23 giây kể cả với file RAW compressed hay JPG.
5. Thông số và tính năng video
Xét về các thiết lập video, Z7 mang lại mẫu log chính hãng N-Log nhưng chỉ dùng được qua cổng xuất HDMI, đồng nghĩa là bạn cần kết nối máy ảnh với phụ kiện ghi hình ngoài mới tận dụng được mẫu màu kia. Tin tốt là cổng xuất này có thể thực hiện 10 bit.
A7R III chỉ xuất 8 bit qua cổng HDMI nhưng cho S-Log2 và S-Log3 với ghi hình trong. Đồng thời tùy chỉnh ảnh cũng có nhiều lựa chọn hơn nhờ vào tính năng Picture Profiles chuyên dụng – gồm HLG/HDR kế thừa từ dòng Cine-Alta của Sony cho các máy quay phát trực tiếp chuyên nghiệp.
Một tính năng rất thú vị trên Z7 là khả năng quay video Time-Lapse 4K ngay trong máy ảnh. Bạn có thể thiết lập các quãng ngắt thời gian và thời lượng, sau đó máy ảnh sẽ tự động tạo file video ngay khi quá trình quay ngắt quãng thời gian hoàn tất. Z7 có thể tạo video time-lapse 4K lên đến 30p hoặc các clip Full HD đến 60p.
Ngoài ra còn có một tùy chọn Time-Lapse 8K nhưng tùy chọn này yêu cầu sử dụng phần mềm từ bên thứ ba để biên tập video. Nikon cho biết, Z7 tối ưu quá trình xử lý cho phép chuỗi ảnh đi mượt hết mức có thể, dù vậy nó lại không đủ mạnh để tự tạo file.
6. Sensor shift
Cả hai chiếc máy ảnh được trang bị ổn định hình ảnh sensor shift 5 trục. Z7 là máy ảnh đầu tiên của Nikon có tính năng này, cân bằng lên đến 5Ev (theo tiêu chuẩn CIPA), trong khi Sony A7R III có thể cân bằng tốt hơn một chút với mức 5.5Ev.
Khi gắn một ống kính có ổn định quang học lên máy, cả hai máy ảnh có thể kết hợp hiệu suất cảm biến và hiệu suất quang học. Với ống kính không có tiếp điểm điện tử, mỗi máy ảnh dùng được 3 trục.
Với những phô diễn tại buổi ra mắt, Z7 được đánh giá có khả năng đạt được những bức ảnh sắc nét ở các tốc độ màn trập thấp đến nửa giây. Hệ thống ổn định làm việc cho cả video với khả năng bổ sung ổn định điện tử, là một tùy chọn không có trên Sony A7R III.
Khả năng về ảnh của Sony A7R III là không có gì để phủ nhận, tuy nhiên từ dưới mức 1/10 giây sẽ cần xem xét lại, kể cả là chụp với ống kính góc rộng.
7. Thiết kế và tính tiện dụng
Nikon Z7 không phải là một chiếc máy ảnh to lớn gì; thực sự thì nó chỉ lớn hơn Sony A7R III một chút. Tuy nhiên nhờ có phần grip cao và cứng cáp hơn, việc cầm nắm Z7 cũng thoải mái hơn so với A7R III, nhất là khi gắn máy với các ống kính lớn. Các nút điều khiển lớn hơn và cảm giác khi tiếp xúc với Z7 cũng được đánh giá cao hơn. Nhìn chung, Z7 cho cảm nhận được gia công rất kỹ lưỡng.
Cả hai máy đều kháng thời tiết và có khung làm từ hợp kim magie. Khác biệt về trọng lượng chưa đến 30g (Z7 675g, A7R III 657g).
Z7 và A7R III được trang bị Joystick AF hữu dụng cũng như rấy nhiều nút tùy chỉnh cho người dùng. Trên Z7, nút gạt chuyển đổi giữa chế độ ảnh và video, 2 nút chức năng ở phía trước, cũng như khả năng chỉnh chức năng của vòng điều khiển trên các ống kính Z mới được đánh giá cao. Người dùng có thể chọn sử dụng vòng này để thay đổi khẩu độ, điểm lấy nét hoặc cân bằng phơi sáng. Mỗi máy đều có tùy chọn menu và menu tắt đặc trưng.
Điểm gây thất vọng đối với rất nhiều người dùng hẳn là sự xuất hiện của duy nhất một khe cắm thẻ nhớ trên Z7. Z7 sử dụng loại thẻ XQD dày hơn, có lẽ chính vì thế mà máy không có đủ diện tích cho khe cắm thứ hai. Điều này gây thất vọng đối với nhiều người cũng bởi họ đã luôn trông chờ đôi khe thẻ nhớ trên máy ảnh Nikon và khi mà các hãng khác đang đi theo hướng hai khe thẻ, người dùng cũng những tưởng Nikon sẽ không là ngoại lệ. Dĩ nhiên là, ’30 chưa phải Tết’, và chúng ta chỉ có một khe thẻ nhớ duy nhất trên Z7.
Trong khi đó, Sony A7R III sử dụng hai khe cắm thẻ nhớ SD với khe đầu tiên theo chuẩn UHS-II.
An ủi phần nào là Nikon sử dụng loại XQD. Đây là loại thẻ nhớ được đánh giá cao về tốc độ xử lý và độ bền trong quá trình sử dụng.
8. Màn hình và EVF
Z7 được trang bị hai màn hình: một màn hình OLED trắng đen nhỏ ở phía trên máy để hiển thị các thiết lập quan trọng và một màn hình LCD lớn hơn ở mặt sau máy.
Màn hình phía sau Z7 lớn hơn (3.2 vs 3 inch) và có độ phân giải cao hơn (2,100k điểm vs 922k điểm). Màn hình có tính năng cảm ứng và có nhiều ứng dụng tiện lợi như di chuyển điểm lấy nét, chụp ảnh hoặc định vị menu.
Trên A7 III, màn hình cảm ứng chỉ dùng để di chuyển vùng AF, mặc dù là với một tùy chọn đặc biệt mà Z7 không có: sử dụng như AF Pad trong khi cùng lúc dùng EVF.
Hai máy có EVF 3.6 triệu điểm. Độ phóng đại cao hơn một chút trên máy Nikon (0.8x vs 0.78x), tuy nhiên máy Sony có eyepoint dài hơn (23mm vs 21mm). Tốc độ refresh trên Z7 vào khoảng 60fps, trong khi A7R III cho phép người dùng chọn giữa 50/60fps và 100/120fps.
9. Battery life
Khá đáng tiếc là Z7 được đánh giá chụp được 330 ảnh sau một lần sạc theo tiêu chuẩn CIPA. Trong khi A7R III làm việc tốt hơn nhiều với 530 ảnh.
10. Ống kính
Về điểm này thì rõ ràng Sony có lợi thế hơn hẳn: dòng FE đã tồn tại được gần hơn bốn nằm và hãng vẫn đã tích cực làm việc để sản xuất không ít hơn 28 ống kính, và đó là chưa kể hậu thuẫn từ các bên thứ ba như Sigma, Tamron, Samyang và Zeiss.
Nikon chỉ vừa ra mắt dòng Z, do đó chúng ta chưa từ kỳ vọng nhiều. Dù vậy, ba ống kính cho hệ máy ảnh mới của hãng được đánh giá là rất hợp lý: ống 24-70mm f/4 đồng thời là ống kit, và hai ống prime 35mm f/1.8 và 50mm f/1.8. Nhiều ống kính khác sẽ ra mắt vào năm 2019 và 2020 như sơ đồ hãng đưa ra trong buổi ra mắt dòng Z.
Trong sơ đồ trên, hứa hẹn nhất là ống kính 58mm f/0.95. Nikon lý giải một trong những lý do hãng quyết định thiết kế ngàm lớn như vậy là để có thể sản xuất các ống kính nhanh như ống Noct mới. Hãng cũng tin là ngàm mới sẽ cho phép hãng thiết kế một thế hệ ống kính cao cấp, làm dấy lên nhiều tò mò và hy vọng từ phía người dùng.
Nếu chúng ta tính cả các ống kính gắn qua adapter thì lựa chọn của cả hai máy còn tăng lên nhiều lần. Có nhiều adapter có sẵn cho Sony để sử dụng các ống kính AF và MF SLR. Về phía Nikon, hãng cũng thiết kế cho mình một ngàm riêng FTZ để tương thích hoàn toàn được 93 ống kính với chiếc máy ảnh mới.
Tạm kết
Cũng như người anh em Z6, Z7 ra mắt với rất nhiều điểm đáng mong đợi từ Nikon bao gồm công thái học xuất sắc và các thông số kỹ thuật tương tự các máy ảnh DSLR flagship. Việc chỉ có một khe cắm thẻ nhớ vẫn còn là nhược điểm không thể bỏ qua, tuy nhiên qua nhiều thử nghiệm, Z7 đã chứng minh được nó có thể hấp dẫn nhiều nhiếp ảnh gia bằng sức mạnh của cảm biến mới, khả năng tuyệt vời của hệ thống lấy nét tự động và chất lượng video xuất sắc.
Có thể Z7 ra sau, cũng có thể thua thiệt nhiều điểm kỹ thuật so với A7R III, tuy nhiên nhiều người dùng tin tưởng chiếc máy ảnh mới của Nikon sẽ làm nên chuyện. Z7 sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những người dùng chưa đủ tự tin để đổi hoàn toàn sang dùng mirrorless hoặc muốn một chiếc máy cho trải nghiệm gần với DSLR nhất. Đây là điểm khá là thú vị cho những ai chưa bị thuyết phục bởi thiết kế của Sony và đánh giá khía cạnh này quan trọng hơn những thứ khác.
Nguồn: Mirrorless Comparison