A7RM3 tập trung mạnh nhất vào chất lượng hình ảnh và video trong khi A9 thiên về khả năng chụp nhanh để phục vụ chụp thể thao. Khi bạn cần một chiếc máy ảnh mirrorless nhỏ gọn nhưng phải đủ mạnh mẽ để chụp ảnh một cách chuyên nghiệp, quay phim phải có HDR không cần chỉnh sửa, pin phải 'trâu', hệ thống lưu trữ phải dồi dào, tốc độ chụp liên tục với số lượng ảnh ở mỗi lần bấm máy phải lớn và nhận diện gương mặt phải thật nhanh để phục vụ chụp chân dung trong studio thì A7RM3 đáp ứng được hết các đòi hỏi đó ở một mức độ rất tốt.
Gói gọn trong thân hình mirrorless nhỏ nhắn của A7RM3 là hàng loạt các tính năng cao cấp đi cùng với cấu hình mạnh. Cụ thể, sự chuyên nghiệp của A7RM3 được thể hiện ở các điểm:
Ngoại hình và hệ thống phím bấm của A7RM3 gần như y hệt Sony A9, cũng có nút AF-ON để khóa nét (7RM2 không có), có nút Joystick 8 hướng và màn hình cũng có cảm ứng chạm để lấy nét nhanh hơn. Nhìn chung, cách bố trí phím của Sony khá dễ hiểu, nhanh làm quen và dễ sử dụng đối với hầu hết mọi người. Còn đối với những ai đã quen dùng máy mirrorless của Sony từ trước đó thì sẽ thấy có thêm sự tiện lợi từ những phím bấm và vòng xoay mới.
Một thế mạnh rất lớn của A7RM3 đó là vừa mang lại cho người dùng một cảm giác cầm nhẹ nhàng, thoải mái, cầm như đi du lịch, vừa có sức mạnh ngang ngửa với những chiếc máy DSLR to lớn. Những chiếc máy ảnh như A7RM3 giúp cho người ta có thể sử dụng nó vào nhiều hoàn cảnh hơn, ở nhiều môi trường hơn, chụp nhiều ảnh hơn so với việc cầm một chiếc DSLR cồng kềnh và quan trọng nhất là vẫn giữ được các tính năng chuyên nghiệp như mình đã ghi ở trên.
Phần báng cầm tay của A7RM3 rất to và dày, tạo được cảm giác cầm rất chắc chắn và thoải mái tương tự như các máy ảnh DSLR. Ở mặt trong (mặt chứa màn hình), rìa bên phải vẫn có một cái gờ nhỏ nhô lên để bạn kê ngón tay cái vào đó và giữ máy. Chính chi tiết này kết hợp với báng cầm tay phía trước sẽ giúp cho bạn có được điểm tựa vững chắc để giữ máy luôn cố định trong lòng bàn tay mà không nhất thiết phải bấu chặt đầu ngón tay vào thân máy.
Về chất lượng ảnh chụp thì A7RM3 nhận được sự hỗ trợ rất mạnh mẽ và khá đầy đủ từ nhiều yếu tố khác nhau để bạn dễ dàng chụp được những bức ảnh đẹp và ưng ý, ví dụ như cảm biến Exmor R độ phân giải 42,4 MP cực lớn của Sony cho ra ảnh có độ chi tiết cao, chip xử lý BIONZ X mới nhanh hơn đời cũ của A7RM2 tới 1,8 lần, từ hệ thống chống rung quang học 5 trục để giúp ảnh sắc nét, từ hệ thống lấy nét điểm dày đặc để lấy nét nhanh và chính xác, nhận diện gương mặt nhanh hơn và cả công nghệ Pixel Shift Multi Shooting giúp loại bỏ các hiện tượng xấu của quang học. Việc còn lại của bạn là chọn khung hình và bấm máy.
Demo chức năng nhận diện mắt liên tục (Eye AF) của A7RM3
Ảnh chụp thử từ Sony A7RM3 (ảnh gốc, JPEG, chỉ resize về 2048px):
Chụp trong quán cafe, dưới ánh đèn vàng
Chụp mẫu, có setup đèn
Chụp dưới ánh sáng tự nhiên, ánh sáng hắt từ trần nhà xuống
Ảnh trên tay Sony A7RM3:
A7RM3 bổ sung Joystick 8 hướng dễ thao tác hiệu chỉnh khi chụp
Báng cầm được thiết kế lớn hơn phiên bản cũ, cầm chắc tay hơn
LCD cảm ứng lấy nét
Cổng USB-type C
Sử dụng Pin dung lượng cao như của A9
Hai khe thẻ nhớ