*Sau khi Nokia 8 được ra mắt, mình đã lúc lại kí ức để chia sẻ cảm xúc về một hệ điều hành đã từng xuất hiện trên các smartphone Nokia Lumia trước đây, đó là Windows Phone.
WinPhone, tức tên gọi tắt của hệ điều hành Windows Phone vẫn còn hiện diện đâu đó, trên smartphone một số ít người dùng. Thế nhưng, khi mà Microsoft, nhân vật chính trong việc phát triển WinPhone cũng có dấu hiệu không mặn mà với “đứa con cưng” này, lời chia tay dành cho chúng có lẽ đã đến lúc được nói ra.Khởi đầu với nhiều hi vọng
Phát triển từ nền tảng Windows Mobile, rồi chính thức xuất hiện với cái tên Windows Phone vào năm 2010, hệ điều hành dành cho di động thuộc sở hữu của Microsoft từng được kỳ vọng sẽ nổi lên như một kẻ thách thức iOS và Android.
Các nhà sản xuất lớn lúc bấy giờ như HTC, Samsung hay LG cũng tung ra thị trường nhiều smartphone cài Windows Phone, điển hình là bộ đôi 8x/8s của HTC hay mẫu ATIV S đến từ Samsung.
Windows Phone để lại ấn tượng tích cực trong mắt người dùng nhờ giao diện đẹp với các ứng dụng tựa như viên gạch xếp chồng lên nhau, khác hẳn so với iOS hay Android. Hiệu ứng lật của các icon cũng rất sinh động, tạo ra sự thích thú trong quá trình trải nghiệm.
Truy cập vào màn hình chính, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cả một “bầu trời” thông tin đồ sộ và hấp dẫn. Từng ứng dụng xuất hiện với chế độ tự động cập nhật thông tin, giúp bạn nắm bắt được thông báo mới mà không phải xem trung tâm thông báo.
Một điểm nổi bật khác của Windows Phone là ứng dụng danh bạ đa năng có tên “Mọi người”. Nó được tích hợp với các ứng dụng bên thứ ba, vì vậy, tại đây, người dùng không chỉ gọi điện hay gửi tin nhắn mà còn có thể liên lạc thông qua Skype, email cũng như nhiều công cụ OTT khác.
Khả năng bảo mật cũng là một điểm cộng, khi bạn không thể can thiệp vào sâu bên trong phần mềm do đây là nền tảng đóng. Bên cạnh đó, Windows Phone còn tối ưu hóa phần cứng khá tốt, đem lại hiệu năng hoạt động mượt mà, ổn định mà không yêu cầu quá nhiều về cấu hình.
Lao đao vì chậm thích nghi, rồi dần sụp đổ
Có sự khởi đầu ấn tượng nhưng Windows Phone dần thể hiện sự chậm chạp trong việc thích nghi với thị trường di động, vốn không ngừng thay đổi qua từng ngày.
iOS vươn lên trở thành một nền tảng tuyệt vời với kho ứng dụng phong phú mang đến nhiều tiện ích và khả năng tối ưu hóa phần cứng cực tốt, đem lại hiệu năng khủng cho những chiếc iPhone RAM 1 GB, chip lõi kép xung nhịp thấp.
Trong khi đó, Android dù thua thiệt iOS ở khoản tương thích với phần cứng cũng như tốc độ cập nhật phiên bản mới của phần mềm, nhưng lại không hề kém cạnh ở kho ứng dụng và vượt trội ở khả năng tùy biến.
WinPhone không để lại nhiều ấn tượng, ngoài chất lượng camera tốt trên một số model.Còn Windows Phone, kho ứng dụng vừa thiếu, lại vừa 'yếu'. Những ứng dụng “hot” trên Android hay iOS hoặc không có trên Windows Phone, hoặc có nhưng mang lại trải nghiệm không tốt bằng, kể cả những ứng dụng cơ bản nhất như Facebook hay Youtube.
Nền tảng đóng vốn có ưu thế về khả năng bảo mật lại chính là điểm yếu “chết người” của Windows Phone, vì người dùng gần như không thể tùy biến thiết bị như những gì họ có thể làm với những máy Android.
Khi đó, ưu điểm về sự mượt mà, giao diện lạ mắt và cả khả năng chụp ảnh ấn tượng của một số mẫu WinPhone được đầu tư mạnh về camera như Nokia Lumia 920, Nokia 1520 hay Microsoft Lumia 950 cũng không thể cứu vãn được tình hình.
Tại Microsoft không hỗ trợ tốt các nhà phát triển, không tạo ra cơ chế tùy biến cho Windows Phone, hay tại iOS và Android đã làm những thứ ấy quá tốt? Có lẽ là tại cả hai.
Microsoft chọn Andromeda OS hoặc Android – lời báo tử cho WinPhone?
Quyết định mua mảng di động của Nokia, Microsoft đã thất bại khi xây dựng thành công dựa trên công thức: phần cứng Nokia + phần mềm Windows Phone, để rồi phải bán lại mảng này cho liên doanh Foxconn - HMD Global.
Những con số đã nói lên tất cả. Quý cuối cùng của năm 2015, thị phần của Windows Phone là 1.1% trên toàn cầu. Nửa năm sau, tỷ lệ này giảm xuống mức dưới 1%.
Năm 2013, Microsoft mua Nokia với giá 7.2 tỷ USD, đến năm 2016, họ gần như bán lại cho chính Nokia (vì HMD Global do cựu nhân viên Nokia sáng lập) với giá 350 triệu USD, rẻ hơn 20 lần.
Chính Microsoft cũng tuyên bố dừng cập nhật cho Windows Phone 8.1, chỉ tập trung phát triển Windows 10 Mobile, nhưng nền tảng này chưa cho thấy dấu hiệu lạc quan hơn những người tiền nhiệm.
Thậm chí, tại một hội nghị lập trình viên thường niên diễn ra hồi tháng 5 vừa qua, công ty đã nói về iOS và Android nhiều hơn Windows 10 Mobile.
Cộng với một số tin đồn gần đây về việc Microsoft sẽ giới thiệu Surface Phone chạy hệ điều hành mới mang tên Andromeda OS vào năm 2018, khả năng “gã khổng lồ” phần mềm từ bỏ Windows Phone, chọn Android hoặc Andromeda OS là hoàn toàn có thể xảy ra (iOS thì đã thuộc sở hữu độc quyền của Apple).
Kết
WinPhone sẽ chỉ còn là dĩ vãng?Đối tác cũ Nokia sau thất bại với Windows Phone đã hợp tác cùng HMD Global lựa chọn hướng đi an toàn là Android. Ngay cả Andromeda OS, hệ điều hành tin đồn của Microsoft đọc lên nghe cũng có vẻ gì đó rất giống Android. Một hệ điều hành phát triển dựa trên Android chăng?
Thế nên, liệu có phải Android sẽ là sự lựa chọn khả dĩ nhất của Microsoft nếu muốn thành công ở mảng smartphone? Câu trả lời sẽ có trong tương lai.
Nhưng theo bạn, tương lai ấy sẽ diễn ra như thế nào? Liệu Microsoft sẽ tiếp tục kiên trì với WinPhone? Hay là một ngày nọ, chúng ta sẽ phải dành cho WinPhone những giai điệu trong bài hát 'Chúng ta không thuộc về nhau' của Sơn Tùng MT-P với lời bắt đầu bằng 'Niềm tin đã mất...'?
Hãy để lại cảm xúc của bạn dành cho hệ điều hành WinPhone để chúng ta cùng chia sẻ với nhau trong phần bình luận nhé.
Biên tập bởi Nguyễn Nhật