Essential PH-1 rõ ràng có rất nhiều dấu ấn riêng, khiến nó khác biệt so với phần còn lại, kể cả việc đã có rất nhiều smartphone dùng thiết kế không viền. Không chỉ là ở màn hình, PH-1 còn ghi điểm ở thiết kế, vật liệu sử dụng và cả sự thuần khiết nữa.
Màn hình không viền độc đáo
PH-1 tiếp cận theo hướng giống như Mi Mix, tức là cả hai viền trái/phải và phía trên đều bezel-less, chỉ có một dải đen nhỏ ở dưới, kết quả là chúng ta có một điện thoại 5'7 nhưng rất vừa vặn và hài hòa. Essential không chuyển camera trước xuống dưới như Xiaomi làm mà họ khoét một khe lõm xuống để đặt camera và các cảm biến, tức là panel IPS cũng được cắt một khoảng nhỏ như vậy. Phần cắt khoét này nằm đúng thanh trạng thái chứ không ảnh hưởng gì tới phần hiển thị nội dung, tức là khi chúng ta xem ảnh hay video thì sẽ không bị ảnh hưởng gì tiêu cực. Loa thoại của PH-1 cũng được đặt ở phía trên, nếu để ý kỹ thì các bạn mới thấy một rãnh rất nhỏ và dài, đó là vị trí loa thoại và đèn thông báo. Thiết kế này rất tinh tế và giấu rất kỹ, khó mà nhìn thấy được.
Nói về chất lượng thì màn hình LCD này cho chất lượng rất tốt và góc nhìn rộng, không có gì phải phàn nàn. Tuy nhiên, có vẻ như khả năng hiển thị ngoài nắng của máy hơi kém, kể cả khi mình đã tăng sáng tối đa thì nó vẫn không sáng bằng những máy khác. Đây có lẽ là điểm yếu duy nhất của panel hiển thị này.
Có một điểm mình không thích ở giao diện của Android trên một chiếc điện thoại không viền như PH-1. Thanh trạng thái bao gồm thời gian, pin, thông báo, các kết nối... không được đặt ngay ngắn so với camera, so với tổng thể phía trên mà đặt hơi sâu xuống dưới, tức là tạo cảm giác hơi lơ lửng. Khi có thông báo mới thì khoảng trắng của thanh thông báo cũng khá lớn và nội dung được đẩy xuống dưới rất khó chịu khi nhìn, theo mình thì nó không được tối ưu cho thiết kế không viền của máy. Nếu như nó được xử lý để đẩy lên cao hơn thì sẽ tốt hơn.
Thiết kế cứng cáp nhờ những vật liệu đắt tiền
Mình đánh giá PH-1 là cái gì đó rất tâm huyết của Andy Rubin, người đã tạo ra Android. Ông không hài lòng với một smartphone chỉ có kính hoặc nhôm mà muốn một sản phẩm độc đáo hơn và cao cấp hơn cho nên ông đã chọn gốm và titan. Toàn bộ mặt lưng của máy là một miếng gốm trong khi khung viền xung quanh là titanium cho độ bền rất cao. Nó giúp tạo nên một tổng thể rất chắc chắn và cứng cáp khi cầm trên tay. Mặt gốm phía sau của PH-1 khá giống với Mi Mix, rất bóng bảy nhưng cũng dễ bám vân tay. Đã có những phàn nàn mặt gốm khiến Mi Mix rất dễ vỡ nhưng không rõ ở trên PH-1 sẽ như nào. Mặt gốm này cũng rất trơn khi để trên các bề mặt bóng và ít ma sát.
Thuần khiết
Các hãng smartphone đã khiến chúng ta quá quen với việc bị nhồi nhét một tá những thương hiệu, tên, logo... lên điện thoại, cho tới khi PH-1 xuất hiện. Bạn không hề tìm ra bất cứ thương hiệu, logo nào ở trên PH-1, toàn bộ mặt trước và sau đều trống và không in bất cứ thông tin nào lên đó. Đây là một điều rất quý giá và không phải hãng nào cũng mạnh dạn bỏ đi những yếu tố nhận diện thương hiệu, marketing như Essential làm.
Thuần khiết về phần cứng và PH-1 cũng thuần khiết cả về hệ điều hành. Máy chạy Ambient OS dựa trên Android 7, hệ điều hành này được nói là hướng tới Internet of Things nhưng mình không thấy nó đặc biệt ở điểm đó, mà là sự tinh khiết của Android. Không có bất kỳ ứng dụng của hãng thứ ba được cài vào đây, tất cả đều từ Android và từ Google. Có lẽ vì thế mà máy có hiệu năng rất tốt, bạn sẽ nhận ra từ các bước cơ bản như khi cài ứng dụng, khi khởi động máy...
Loa thoại và đèn thông báo được giấu khéo léo, ngay sát mép trên của điện thoại.
Tuy nhiên PH-1 đôi khi lại tỏ ra cơ bản quá mức, ít nhất ở một vài khía cạnh. Máy không có khe cắm thẻ nhớ và cũng không có các tùy chọn bộ nhớ trong mà chỉ có một phiên bản với 128GB mà thôi, mức giá 700 USD tại thị trường Mỹ. 128GB có thể là đủ với Android nhưng không phải tất cả đều cần 128GB, giá như họ bổ sung một phiên bản thấp hơn và đưa ra một cái giá dễ chịu hơn.
Camera
Một smartphone tốt phải có camera chụp đẹp, PH-1 cũng đi theo triết lý đó. Máy sở hữu hai camera với độ phân giải 13MP, khẩu f/1.9. Một camera chụp màu thông thường và camera còn lại chụp ảnh trắng-đen, chứ không phải hai camera với hai tiêu cự như Apple hay Samsung đang làm. Cảm biến đen trắng sẽ chỉ thu nhận ánh sáng đen trắng chứ không qua bộ lọc màu nên về lý thuyết thì sẽ thu nhiều ánh sáng hơn, cho ảnh sắc nét và ít nhiễu hơn.
Camera của PH-1 còn độc đáo ở khả năng xử lý ảnh. Máy có chế độ chụp đồng thời cả 2 camera (một cảm biến màu và một cảm biến đen trắng) để cho ra hai tấm hình, sau đó thuật toán sẽ ghép hai hình này để cho ra một hình màu duy nhất, tận dụng khả năng thu sáng nhiều hơn của cảm biến đen trắng để giúp tấm hình cuối cùng ít nhiễu hơn, chế độ này tỏ ra hiệu quả khi chụp thiếu sáng.
Trong khoảng hơn nữa ngày mà mình sử dụng thì pin tỏ ra là một lợi thế của PH-1, pin 3040mAh khá ổn. Cảm ơn anh Hải đã cho mình mượn máy để thực hiện bài viết này.