Đối với những người khi nghe tới cái tên Nokia thì chợt nhớ về những hoài niệm cũ, điều này có vẻ không đúng. Trong 14 năm trời, gã khổng lồ công nghệ này đã ở vị thế của kẻ thống trị khi là nhà sản xuất thiết bị di động cầm tay lớn nhất thế giới và đóng góp một phần lớn vào nền kinh tế của Phần Lan. Tuy nhiên, họ đã tụt dốc không phanh. Năm 2012, Nokia thua lỗ 4 tỷ USD, và chỉ sau đó 1 năm, họ đã đồng ý bán mảng di động, với 32.000 nhân viên, cho Microsoft. Trong tuyên bố của mình, Chủ tịch của công ty, ông Risto Siilasmaa đã nói: 'Có một sự thực không thể trốn tránh là Nokia không có đủ nguồn lực để đáp ứng kịp thời tốc độ phát triển của điện thoại và các thiết bị thông minh'.
Nhưng tuy Nokia đã thu nhỏ quy mô của mình, họ vẫn là một công ty lớn, với lãi ròng lên đến 26,1 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, họ đã rất khác với thời hoàng kim của mình, với những chiếc điện thoại đơn giản nhưng vô cùng bền bỉ. Giờ họ không còn làm những thứ mà người tiêu dùng có thể mua nữa. Ngày nay, chiếc logo Nokia quen thuộc chỉ còn được tìm thấy ở các bộ xử lý mạng, bộ định tuyến, bộ truy cập vô tuyến của trạm cơ sở và các thành phần khác của hệ thống cơ sở hạ tầng 'vô hình' với vai trò làm giá đỡ cho mạng Internet di động, trong các cơ sở viễn thông doanh nghiệp, nhà mạng hoặc chính phủ.
Thiết bị thực tế ảo độ trễ thấp của Nokia. Ảnh: Bloomberg
Những vấn đề mà Nokia cần phải giải quyết để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về dữ liệu của thế giới đều phức tạp một cách tàn nhẫn. Cùng với các đối thủ của mình như Ericsson của Thụy Điển (một đầu tàu của ngành công nghiệp di động khác phải chịu chung số phận với Nokia) và Huawei của Trung Quốc, Nokia đã 'tái định nghĩa' chiếc tháp di động khiêm tốn bằng những phần mềm phức tạp cho phép dữ liệu đi theo từng cá nhân khi họ di chuyển khắp các nơi trên thế giới.
Hai năm tới sẽ là thời điểm đặc biệt quan trọng với Nokia, khi ngành công nghiệp bắt đầu triển khai mạng không dây thế hệ tiếp theo. Cái-thứ-gọi-là-5G sẽ mang lại dữ liệu nhanh hơn và mạnh mẽ hơn. Theo Nokia và các đối thủ của họ - những người mang trọng trách phát triển các thiết bị nền tảng – những thay đổi đó sẽ tạo ra một loạt những công nghệ mới: xe không người lái, các xí nghiệp tự động hóa toàn phần và cả những thứ mà thậm chí chúng ta còn chưa thể tưởng tượng ra được.
Giám đốc điều hành của Nokia, ông Rajeev Suri phát biểu rằng: 'Chúng tôi muốn trở thành một công ty có khả năng giúp các doanh nghiệp lớn bước vào quá trình số hóa.' Niềm tin mà Nokia đặt vào 5G là rất lớn, lớn nhất kể từ khi họ rút lui khỏi ngành công nghiệp điện thoại thông minh. Nếu thất bại, không biết rồi họ sẽ ra sao...
Nokia thậm chí còn nhiều tuổi hơn cả đất nước Phần Lan. Nhà máy bột giấy – sự khởi đầu của họ được xây dựng vào năm 1865, gần thành phố Tampere, ở phía tây nam của một vương quốc lớn của Nga vào thời điểm đó. Và mặc dù Phần Lan đã giành được độc lập vào năm 1917, lịch sử kinh tế của quốc gia Bắc Âu này vẫn tiếp tục được định hình bởi sự gần gũi về mặt địa lí với nước Nga. Phần Lan đã liên minh với Đức Quốc xã để chống lại Liên bang Xô viết trong Chiến tranh Thế giới thứ 2 và sau đó phải đền bù thiệt hại cho cuộc chiến. Người Phần Lan vẫn còn nhớ rằng chỉ có quốc gia của họ chi trả số tiền của phe Đồng minh – 300 triệu USD vào năm 1938 – và nhu cầu của Stalin đối với xe tải và tàu hỏa đã buộc Phần Lan, vốn là một nước chủ yếu dựa vào nền nông nghiệp, trở thành một nước công nghiệp.
Nokia khi mới được thành lập vào năm 1865
Nokia đã là trung tâm của cuộc chuyển mình đó. Vào đầu thế kỉ 20, công ty đã tham gia vào việc sản xuất và lắp đặt các hệ thống điện, dây điện thoại, lốp xe và giày dép cao su. Vào nửa sau của thế kỉ, họ là một tập đoàn sản xuất mọi thứ, từ TV cho đến mặt nạ chống độc. Vào đầu những năm 60, Nokia bắt đầu sản xuất điện đàm cho cảnh sát và quân đội. Năm 1982 họ đã ra đời điện thoại di động của mình và đặt chân vào mảng kinh doanh mạng bằng một công cụ chuyển đổi kĩ thuật số cho điện thoại. Vào cuối những năm 80, Nokia bắt đầu dồn phần lớn nguồn tài nguyên của mình vào nền công nghiệp điện thoại di động, vốn đang phát triển rất nhanh ở thời điểm đó.
Thành công của họ bắt nguồn từ sự phát triển của hệ thống Điện thoại Di động Bắc Âu (Nordic Mobile Telephone - NMT). Các cơ quan chính phủ chịu trách nhiệm điều chỉnh các thông tin liên lạc ở Bắc Âu đã phối hợp với nhau để tạo ra một nền tảng chung để người dân có thể du lịch ở các nước láng giềng mà không mất thêm phí dịch vụ dữ liệu. Tuy chỉ là một hệ thống analog chứ không phải kĩ thuật số, nhưng nó đã có thể giải quyết được các vấn đề về cách xác định vị trí của người dùng khi họ di chuyển và cách đưa họ từ tháp di động này sang tháp khác. Mọi 'G' kể từ đó, bao gồm cả 5G, đều là hậu duệ của NMT.
Ban đầu, Motorola mới là kẻ thống trị, nhưng Nokia đã soán ngôi của họ vào năm 1999, một phần là vì họ đã chuyển sang hệ thống kĩ thuật số nhanh hơn và an toàn hơn, trong khi đối thủ của họ vẫn bám lấy analog. Ông Tero Kuittinen, đồng sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của công ty đầu tư ứng dụng di động Kuuhubb của Phần Lan đã từng nói: 'Nokia đã liên tục có những quyết định đầy rủi ro trong suốt hàng thập kỉ. Khi họ gần như tập trung toàn bộ vào mảng di động vào đầu những năm 90, nhiều người cho rằng công ty này đã mất trí, bởi họ chỉ là nhà sản xuất cáp. Và khi họ quyết định chuyển sang kĩ thuật số từ analog vài năm sau đó, dư luận cho rằng Nokia đã quá nông nổi.'
Giá trị của Nokia đối với nền kinh tế Phần Lan là rất khó để đong đếm. Sự trỗi dậy của công ty đã dẫn dắt đất nước thoát khỏi sự suy thoái trầm trọng và nguyên nhân là sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết, đối tác thương mại chính của quốc gia này.
Theo nghiên cứu của ETLA, một tổ chức tư vấn ở Helsinki, vào năm 2000, Nokia đã chiếm 1/3 tổng số sản phẩm quốc nội (GDP) của Phần Lan. Các khoản thuế do công ty và các nhà cung cấp linh kiện đóng đã giúp Phần Lan có hệ thống phúc lợi vô cùng 'hào phóng' và hệ thống giáo dục đứng đầu toàn thế giới. Chỉ riêng Nokia đã chiếm khoảng 30% những dự án nghiên cứu và phát triển của quốc gia này, cả công khai và bí mật. Theo ông Jari Gustafsson, Thư ký thường trực của Bộ Lao động Phần Lan về kinh tế và việc làm, vào thời điểm đó, Phần Lan đã chi tiêu nhiều GPD của họ vào nghiên cứu và phát triển hơn bất kì nước nào trên thế giới.
Nhưng Nokia nhìn thấy lợi ích của mạng kĩ thuật số nhanh bao nhiêu thì họ lại chậm trong việc phản ứng trước điện thoại thông minh bấy nhiêu. Chi phí đắt đỏ để tạo ra màn hình cảm ứng tương tự như iPhone khiến cho công ty chọn cách sản xuất các phiên bản rẻ hơn hoặc bỏ qua chúng hoàn toàn. Ngay cả ở Phần Lan, người dùng cũng than phiền rằng họ phải đập vào màn hình của máy Nokia của họ để nó có thể hoạt động. Các menu phức tạp một cách thừa thãi của họ khó có thể đọ được với sự sang trọng và tinh tế của màn hình cảm ứng trên iPhone. Apple và các nhà sản xuất điện thoại Hàn Quốc như Samsung và LG đã khiến Nokia bị bỏ lại ở phía sau.
Trụ sở của Nokia tại Espoo, Phần Lan. Ảnh: Bloomberg
Những rắc rối của Nokia đã trở thành rắc rối của Phần Lan. Sự sụt giảm của công ty lớn nhất quốc gia này và các nhà cung cấp phụ thuộc vào nó đã làm gia tăng sức ép lên một nền kinh tế vốn đang phải vật lộn với chi phí nhân công cao và chi tiêu công. Là một phần của khu vực đồng Euro, Phần Lan cũng không thể tự làm giảm giá trị đồng tiền của mình để kích cầu tiêu dùng. Quốc gia này rơi vào một giai đoạn bế tắc không thể tìm được giải pháp, và chỉ mới bắt đầu hồi phục trong thời gian gần đây.
Khi ông Siilasmaa được bổ nhiệm làm Chủ tịch hội đồng quản trị của Nokia vào năm 2012, ông nhớ lại: 'Chúng tôi đã ở trong một vị trí vô cùng khó khăn theo nhiều cách khác nhau.' Ông ngồi trong phòng ở tầng trệt tại trụ sở của công ty tại Espoo, thành phố lớn thứ hai của Phần Lan, chỉ đứng ngay sau Helsinki. Lúc đó là đầu tháng 6 và là lúc có kiểu thời tiết mà người Phần Lan đã chờ đợi suốt mùa đông dài và đen tối của họ.
Ông Siilasmaa là người đã thành lập nên công ty an ninh mạng cục bộ F-Secure, và khi ông được đưa tới Nokia, nhà sản xuất điện thoại này đang ở trong tình thế vô cùng bấp bênh. Doanh thu của họ đã giảm 26 phần trăm trong quý 2 năm 2012 so với cùng kì năm trước, xuống còn 4,5 tỷ USD.
Ông Siilasmaa đã từng nói: 'Nhân viên của chúng tôi mất đi động lực làm việc trước những tin xấu đang vây quanh công ty. Báo chí liên tục suy đoán khi nào thì chúng tôi phá sản, như thể đó là điều tất yếu.' Ông đã giúp dẫn dắt công ty đạt được thỏa thuận 'bán mình' cho Microsoft, hãng vốn đang cung cấp hệ điều hành cho điện thoại của Nokia. Giám đốc điều hành của Nokia ông Stephen Elop, người đến từ Microsoft, đã quay trở lại với mảng kinh doanh điện thoại, và ông Siilasmaa đảm nhiệm vai trò Giám đốc điều hành tạm quyền.
Thương vụ này đã gây chấn động Phần Lan. Nó là cách tốt nhất để giúp Nokia có thể thoát được tình cảnh tồi tệ của mình và tập trung vào việc bán thiết bị có lợi nhuận cho các nhà cung cấp mạng không dây. Cho đến lúc đó, Suri đã điều hành công ty bằng cách liên doanh với Siemens AG. Kể từ khi nắm quyền kiểm soát vào năm 2009, ông đã đưa công ty từ thua lỗ lên mức lợi nhuận 12 phần trăm bằng cách cắt giảm chi phí và tập trung vào Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các thị trường giàu có khác.
Ông Suri cho biết :'Việc công ty bán mảng kinh doanh di động đã trở thành điều cốt lõi của một Nokia mới.' Vào thời điểm đó, ông Siilasmaa cũng tiết lộ rằng, hội đồng quản trị đã cân nhắc liệu họ có nên mua lại một phần của đối thủ cạnh tranh tại Pháp, Alcatel-Lucent SA hay không. Và vào năm ngoái, Nokia đã mua lại toàn bộ công ty này.
Điện thoại của Nokia chưa hoàn toàn biến mất. Năm ngoái, Microsoft, sau khi thất bại ở mảng kinh doanh di động như Nokia, đã tiếp tục bán nó cho một công ty con của hãng sản xuất điện thoại Trung Quốc Foxconn. Với sự hợp tác của công ty Phần Lan HMD Global, Foxconn đang tạo ra một dòng máy điện thoại và máy tính bảng trong phân khúc phổ thông và trung cấp mang nhãn hiệu Nokia.
Chiếc điện thoại đầu tiên, mang trong mình hệ điều hành Android của Google đã bắt đầu được bán ra vào đầu năm nay. Ngoài ra, Nokia đã nắm giữ được nhiều quyền sở hữu trí tuệ của các công nghệ điện thoại của mình, điều này tuy giúp công ty có được nguồn thu nhập đáng kể, nhưng cũng tạo ra không ít bất đồng. Nokia đã liên tục tranh chấp với Apple về các bằng sáng chế và giải quyết được trận chiến vào tháng 5 vừa qua. Nokia cũng thông báo rằng họ sẽ cung cấp các dịch vụ mạng cho Apple, trong khi các cửa hàng của Apple sẽ có sự xuất hiện của một số mặt hàng đến từ Nokia.
Tuy nhiên, đa số doanh thu của Nokia đều bắt nguồn từ việc bán cho các nhà cung cấp dịch vụ không dây như Verizon, AT&T, T-Mobile, Korea Telecom và Deutsche Telekom tất cả những gì họ cần để kết nối các khách hàng của họ: bộ phát sóng, thiết bị chuyển mạch, máy chủ, ăng-ten và các phần mềm để khiến chúng hoạt động. Nokia sẽ thiết lập mạng lưới, kiểm tra chúng, và với một khoản phí, họ sẽ điều hành chúng. Với việc mua lại Alcatel-Lucent, Nokia cũng bán các hệ thống cố định và các công ty cáp sử dụng để đưa dữ liệu vào các hộ gia đình.
5G chính là thứ mà Nokia đặt trọn niềm tin của mình
Và mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ di động phải thường xuyên thay thế và cập nhật các bộ phận của cơ sở hạ tầng của họ, lợi nhuận chính là khi mọi người dùng đều có thể được thuyết phục để nâng cấp lên nền tảng thế hệ mới nhất.
Mỗi thế hệ (generation – G) chỉ đơn giản là một chuỗi các yêu cầu kĩ thuật được đưa ra trong một loạt các cuộc họp tầm cỡ quốc tế để đảm bảo rằng tất cả các thiết bị - máy chủ và thiết bị chuyển mạch, máy phát sóng và điện thoại – có thể giao tiếp được với nhau. Các yêu cầu của mạng 5G dự kiến sẽ được hoàn tất trong vòng một năm tới và bao gồm nhiều cải tiến đáng kể về tốc độ tải, độ tin cậy, số lượng thiết bị có thể được hỗ trợ trong khu vực và độ trễ (khoảng thời gian giữa việc thông tin được yêu cầu và khi nó đến nơi). Verizon, AT&T và T-Mobile đều đã công bố các thử nghiệm của mình tại một số thành phố lớn của Mỹ, còn SK Telecom đã hứa hẹn sẽ đưa một hệ thống vào sử dụng đúng với thời điểm Hàn Quốc đăng cai Thế vận hội mùa đông vào tháng 2 năm sau.
Sự đồng thuận chung là trở ngại lớn nhất để có thể đưa 5G vào hoạt động. Theo ông Lauri Oksanen, Giám đốc nghiên cứu và phát triển của Nokia, 'Nút nghẽn thực sự là không khí, từ các ăng-ten đến thiết bị cầm tay của bạn'. Nhóm nghiên cứu của ông đang tích cực làm việc để sửa chữa vấn đề đó. Một phần của giải pháp là chuyển sang các tần số cao hơn, vốn không bị ảnh hưởng bởi tần phổ của radio. Nokia và các đối thủ cạnh tranh đang thiết kế các ăng-ten để truyền dữ liệu ở khoảng giữa tần phổ của sóng vi sóng và sóng hồng ngoại, một tần số cao hơn nhiều so với những gì mà điện thoại di động sử dụng ngày nay. Một điểm trừ duy nhất của nó chính là việc tần số càng lớn thì bước sóng càng ngắn, nên những sóng này sẽ không thể đi xuyên qua tường, cây cối hay con người.
Theo ông Oksanen, ngay cả lớp vỏ nhựa trên ăng-ten cũng có thể gây cản trở tín hiệu. Điều đó có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ sẽ phải thiết lập các ăng-ten nhỏ ở khắp mọi nơi, từ trụ đèn, mái nhà cho đến mọi ngóc ngách của tòa nhà. Thực hiện quá trình đó sẽ cần đến sự đàm phán với chủ sở hữu của khu vực, một rào cản không nhỏ của kế hoạch 5G.
Mục tiêu chính của nhóm nghiên cứu là biến ăng-ten trở nên thông minh và hiệu quả hơn. Ngoài ra, khả năng vận hành của các hệ thống mà Nokia bán còn được xác định bởi các phần mềm truyền dẫn tính hiệu và dữ liệu theo các cách phức tạp. Việc đáp ứng các yêu cầu của 5G phần lớn là tinh chế lại các kĩ thuật mà Nokia đã từng sử dụng. Một trong số chúng, MIMO (Mutiple input, mutiple output) quy mô lớn – liên quan đến việc đặt một lượng lớn các ăng-ten kích thước nhỏ vào với nhau theo từng dãy, sử dụng phần mềm để điều khiển, khiến cho việc truyền và nhận dữ liệu được phân chia nhanh hơn và đáng tin cậy hơn.
Không rõ liệu người dùng có thể nhận thấy được những sự cải tiến mà Nokia và các đối thủ của họ đang hứa hẹn hay không. Chủ đề chính tại MWC Barcelona năm nay chính là việc 5G có phải là một cuộc cách mạng thực sự, hay chỉ là chiêu trò quảng cáo. Ông Suri hiểu được sự hoài nghi của họ. Đối với người dùng iPhone và Android thông thường, độ trễ của 4G là quá đủ. Ông nói: 'Mạng hiện tại của bạn có độ trễ 50 mili giây (ms). Nếu nó hạ xuống 1ms, tốt thôi, bạn có thể tải về cả một bộ phim chỉ với vài giây. Điều đó thật tuyệt, nhưng tôi không nghĩ rằng bạn đã sẵn sàng để trả một lượng tiền lớn cho nó'.
Ông cho rằng, ứng dụng thực sự của mạng 5G nằm ở các lĩnh vực khác: giảm độ trễ xuống 1ms cho phép ô tô và xe tải tự lái định hướng tốt hơn. Các robot của nhà máy sẽ không còn bị trói buộc bởi dây cáp, cho phép dây chuyền vận hành một cách mượt mà hơn. Các hộ gia đình có thể kết nối với internet mà không cần dây cáp nào cả, tạo nên sự cạnh tranh ở thị trường dây cáp và buộc họ phải phát triển. Thậm chí còn có người đề cập đến khả năng điều khiển robot phẫu thuật từ xa.
Tuy nhiên, theo một số nhà phân tích, những ứng dụng này vẫn rất mơ hồ; kể cả khi chúng thành hiện thực, chúng cũng không cần đến 5G và các sự nâng cấp mà Nokia đang đặt niềm tin vào. Ông Bill Ray, giám đốc nghiên cứu của Gartner cho biết: 'Nói 'xây đi và họ sẽ đến' chỉ đúng khi bạn đang xây một sân bóng chày trên cánh đồng lúa, nhưng bạn đang yêu cầu các công ty không dây phải đầu tư hàng triệu USD. Tất cả những ứng dụng mà Nokia và các đối thủ của họ đề cập đến đều có thể thực hiện bằng mạng không dây và Wi-Fi hiện có.'
Có những hoài nghi nhất định về 5G
Không chỉ 5G, mỗi khi có một thế hệ mạng không dây ra mắt trước đây đều có những sự hoài nghi, và phương châm của Nokia là yêu cầu cho dữ liệu không dây nhanh hơn, mạnh hơn và phổ biến hơn sẽ ngày càng tăng. Họ cần nó trở nên như vậy. Kể cả sau thương vụ với Alcatel-Lucent, Nokia vẫn đang phải theo đuổi Huawei trong doanh số của thiết bị mạng, và trong những năm gần đây, việc kinh doanh đã chậm lại vì các nhà mạng đã cắt giảm lượng mua của mình trước khi 5G xuất hiện.
Công ty cũng đang cố gắng quay trở lại mảng kinh doanh điện tử tiêu dùng. Năm ngoái, Nokia đã mua lại công ty mang tên Withings, nhà sản xuất các thiết bị theo dõi sức khỏe và chăm sóc trẻ em. Nokia cũng vừa mới bắt đầu bán ra máy ảnh thực tế ảo trị giá 40.000 USD (hơn 900 triệu đồng) mang tên Ozo với đối tượng người dùng được hướng đến là các nhà làm phim chuyên nghiệp.
Thực tế ảo là một công nghệ có thể đưa người dùng bước qua những ranh giới của 4G khi nó đòi hỏi tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh và độ trễ thấp để có thể có được trải nghiệm tốt nhất. Nếu danh mục công cụ và đồ chơi ngày càng tăng trưởng của Nokia khiến cho nhiều người sử dụng và đòi hỏi nhiều dữ liệu hơn, điều đó sẽ thật tuyệt vời đối với các kiến trúc sư 5G. Và nếu Nokia có thể tạo ra những sản phẩm mà người dùng phổ thông muốn mua, sẽ càng tuyệt vời hơn, phải không?
Theo VnReview