Từ sự cố gắng của Mobiistar, Asanzo hay VNPT
Tính đến hết năm 2016, theo số liệu thống kê của GfK, Mobiistar chính là thương hiệu đứng thứ tư tại Việt Nam xét về thị phần chứ không phải Sony hay HTC. Họ chỉ xếp sau Samsung, OPPO và Apple.
Có được thành quả ấy là nhờ Mobiistar đã tập trung phát triển những mẫu smartphone giá rẻ, phù hợp với túi tiền của đại đa số người Việt. Họ biết người Việt cần gì, và đáp ứng đúng – đủ nhu cầu của họ.
Điển hình gần đây nhất chính là mẫu Zumbo S2 với camera selfie chất lượng nhưng giá bán chỉ dưới 4 triệu đồng. Đồng thời, công ty cũng chú trọng vào khâu chăm sóc khách hàng, đưa hình ảnh Mobiistar đến gần hơn với công chúng thông qua các sự kiện giải trí và hợp tác với nhiều hệ thống bán lẻ lớn.
Mobiistar cũng không cố dựa vào yếu tố “thương hiệu Việt” để lấy lòng người dùng. Smartphone Mobiistar được sản xuất tại Trung Quốc, nhưng đó là thành quả nghiên cứu, lên ý tưởng và phát triển sản phẩm trong thời gian dài của rất nhiều kỹ sư người Việt.
Mobiistar có được thành quả nhất định nhờ chiến lược kinh doanh đúng đắnMới đây, Asanzo – thương hiệu Việt chuyên sản xuất những chiếc tivi có giá bán phải chăng mà chất lượng vẫn được đảm bảo cũng tuyên bố gia nhập thị trường smartphone. Với kinh nghiệm sẵn có về tivi, Asanzo chủ trương hướng đến phân khúc giá rẻ tương tự Mobiistar.
Công ty của vị CEO ở độ tuổi 8x của họ, ông Phạm Văn Tam đã có kế hoạch thiết lập mạng lưới phân phối rộng, phủ khắp các vùng sâu, vùng xa và nông thôn. Thậm chí ông đã bỏ vốn xây dựng một nhà máy lắp ráp smartphone ngay tại TP.HCM để tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất.
Smartphone đầu tiên của Asanzo dự kiến có giá dưới 5 triệu, nhưng lại sở hữu camera kép và được tặng kèm cả tai nghe BluetoothTất cả những chi tiết này cho thấy, dù sản xuất tại Việt Nam như Asanzo hay Trung Quốc như Mobiistar, cả hai công ty đều có những động thái đầu tư nghiêm túc để làm ra được sản phẩm chất lượng đi kèm mức giá phù hợp nhất với túi tiền của người Việt.
Trong khi đó, smartphone đầu tiên của VNPT đã ra đời từ năm 2013, nghĩa là cách đây những 4 năm. Nó có tên gọi Vivas Lotus S1, và mình đoán là cái tên này nghe quá lạ lẫm với các bạn.
Vivas Lotus S3 LTE đã là sản phẩm thứ năm của dòng Vivas LotusSau một năm, Vivas Lotus S2, rồi Vivas Lotus S2 Eco lần lượt ra mắt và chẳng để lại bất cứ ấn tượng gì, ngoài thiết kế thô kệch và cấu hình thường thường bậc trung.
Ấy vậy mà cách đây ít ngày, VNPT tiếp tục trình làng Vivas Lotus S3 LTE. Nó vẫn là một chiếc smartphone gần như không có bất kỳ điểm thu hút nào ngoài mặt kính trông có vẻ bóng bẩy.
Nhưng điều đặc biệt ở đây là, tương tự BKAV với Bphone, VNPT cũng miệt mài tự nghiên cứu, phát triển và lắp ráp những sản phẩm của mình ngay tại Việt Nam, dù ở thời điểm hiện tại hay bốn năm về trước. Họ vẫn đang đi trên con đường chinh phục những thử thách, dẫu gặp phải vô vàn khó khăn.
Cho đến khát vọng của BKAV
Khác với Asanzo hay Mobiistar, BKAV làm smartphone cao cấp ngay từ đầu, và hiện tại họ vẫn quyết định tham gia vào phân khúc cận cao cấp với Bphone 2.
Mẫu Bphone đầu tiên là một thất bại khi giá bán bị đánh giá là khá cao. Cộng thêm khâu phân phối chưa được hiệu quả. Tuy nhiên, bạn cần biết rằng: Bphone là thành quả hơn 4 năm nghiên cứu của BKAV.
Không phải ai cũng dám bỏ ra chừng ấy thời gian (và dĩ nhiên, rất nhiều tiền) để tham gia vào một cuộc chơi đầy rủi ro mà khả năng thất bại là rất lớn.
Bphone thất bại hoàn toàn, nhưng nó không khiến BKAV bỏ cuộcBphone 2 sắp ra mắt cũng khiến BKAV mất hơn 2 năm để hình thành. Chưa biết số phận của nó rồi sẽ đi về đâu, nhưng ít nhất, thất bại nặng nề của Bphone đời đầu (đi kèm tất nhiên là một khoản tiền không nhỏ bị lãng phí) không làm BKAV nản lòng.
Họ vẫn đang cố gắng bước đi trên con đường nhiều chông gai, với khát vọng thay đổi quan niệm của người Việt về hàng Việt nói chung và smartphone Việt nói riêng.
BKAV đã và đang đẩy cao tỷ lệ nội địa hóa trong quy trình sản xuất lên mức cao nhất có thể. Họ tự mình thiết kế bảng mạch, thiết kế kiểu dáng công nghiệp, thiết kế cơ khí và gia công – lắp ráp hoàn toàn tại Việt Nam.
Chúng ta đều biết BKAV vốn là một công ty phần mềm và kinh nghiệm sản xuất smartphone gần như không có. Từ đó việc họ tự mình làm ra một chiếc smartphone ngay tại Việt Nam là điều rất đáng hoan nghênh.
Lời kết
Sẽ có ngày Mobiistar 'làm trùm' ở phân khúc giá rẻ?Mỗi nhà sản xuất nói trên đều tồn tại những mặt hạn chế riêng, nhưng họ có chung một khát vọng: Làm ra những chiếc smartphone thương hiệu Việt đạt chất lượng cho người Việt sử dụng.
Họ cho thấy thái độ nghiêm túc, sự nỗ lực và ý chí không bỏ cuộc dù đã tốn rất nhiều thời gian cũng như chi phí. Đó là điều chúng ta cần phải ghi nhận. Trong cuộc sống, khi bạn thực sự quyết tâm, bạn có thể làm được rất nhiều thứ.
Biết đâu một ngày nào đấy khi nhắc đến smartphone giá rẻ, người ta lại nghĩ đến Mobiistar, Asanzo hay VNPT thay vì Xiaomi, còn BKAV đánh bật OPPO khỏi nhóm tầm trung thì sao? Mọi chuyện đều có thể xảy ra, miễn là họ có cố gắng và sản phẩm có giá bán hợp lí.
Bạn có nghĩ rằng smartphone Việt Nam rồi sẽ đạt được những thành tựu vẻ vang trong tương lai không? Cùng chia sẻ quan điểm ở bên dưới nhé.
Bài viết có sử dụng hình ảnh từ Techrum, Vnreview.
Biên tập bởi Nguyễn Nhật