Ngày nay việc sử dụng kết nối Bluetooth ngày càng phổ biến, đặc biệt trên laptop càng không thể thiếu. Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu các chuẩn kết nối Bluetooth thông dụng thường sử dụng trên laptop.
Nhắc đến kết nối Bluetooth chắc hẳn ai trong chúng ta đều biết, Bluetooth là kết nối không thể thiếu để có thể truyền dữ liệu và thông tin giữa nhiều thiết bị khác nhau như điện thoại, laptop, máy in, tai nghe. Trải qua một quá trình phát triển hơn 20 năm, các chuẩn kết nối Bluetooth ngày càng tốt hơn, tốc độ truyền tải nhanh hơn và hiện tại chuẩn mới nhất đó là Bluetooth 5.0.
Khái niệm kết nối Bluetooth
Bluetooth là công nghệ dựa trên tần số vô tuyến sử dụng để tạo kết nối giao tiếp giữa hai loại thiết bị khác nhau trong một cự li nhất định. Có rất nhiều các thiết bị sử công nghệ Bluetooth như: điện thoại di động, máy tính và smartphone, tai nghe...
Bluetooth sử dụng sóng Radio tần số 2.4GHz. Tuy sử dụng cùng tần số với công nghệ Wifi nhưng chúng không hề xung đột với nhau vì Bluetooth sử dụng tần số có bước sóng ngắn hơn. Bluetooth là một chuẩn điện tử, điều đó có nghĩa là các hãng sản xuất muốn có đặt tính này trong sản phẩm thì họ phải tuân theo các yêu cầu của chuẩn của Bluetooth cho sản phẩm của mình. Những chỉ tiêu kỹ thuật này bảo đảm cho các thiết bị có thể nhận ra và tương tác với nhau khi sử dụng công nghệ Bluetooth.
Với công nghệ Bluetooth, người dùng hoàn toàn có thể làm việc trên máy tính với một bàn phím không dây, sử dụng bộ tai nghe không dây để nói chuyện hoặc nghe nhạc. Kết nối trong công nghệ Bluetooth là vô hướng và có thể đạt được tốc độ truyền dữ liệu 1Mb/s. Trong phạm vi 10m, tốc độ truyền tải dữ liệu qua Bluetooth lên tới 720 Kbps.
Lịch sử của kết nối Bluetooth
Tên gọi 'Bluetooth' (có nghĩa là 'răng xanh') được đặt theo tên của một vị vua Đan Mạch - Harald Bluetooth. Ông vốn nổi tiếng về khả năng giúp mọi người có thể giao tiếp, thương lượng với nhau. Các nhà nghiên cứu đã dùng tên này để nhấn mạnh việc các thiết bị có thể trao đổi, kết nối với nhau qua công nghệ Bluetooth.
Công nghệ Bluetooth được phát triển đầu tiên bởi Ericsson (Hiện nay là Sony Ericsson và Ericsson Mobile Platforms), sau đó được chuẩn hoá bởi Bluetooth Special Interest Group (SIG). Chuẩn này được chính thức phát hành vào ngày 20 tháng 5 năm 1999.
Ban đầu, Sven Mattison và Jaap Haartsen – hai nhân viên của Ericsson (hiện nay là Sony Ericsson và Ericsson Mobile Platforms) đã phát triển những tính năng đầu tiên của Bluetooth vào năm 1994. Sau đó Bluetooth Special Interest Group (SIG) tiếp tục triển khai công nghệ này từ ngày 20/5/1999.
Ngày nay, kết nối Bluetooth đã trở thành một trong những kết nối không dây thông dụng nhất trên toàn thế giới. Năm 2006, có khoảng 1 tỷ người sử dụng các thiết bị Bluetooth, tương đương với dân số của Ấn Độ. Năm 2008 là sinh nhật lần thứ 10 của Bluetooth, chưa có công nghệ không dây nào phát triển với tốc độ nhanh như vậy, chỉ trong vòng 10 năm đã đạt được trên 2 tỉ sản phẩm ứng dụng.
Các thế hệ chuẩn kết nối Bluetooth
Bluetooth 1.0: Tháng 7/1999, phiên bản Bluetooth 1.0 đầu tiên được đưa ra thị trường với tốc độ kết nối ban đầu là 1Mbps. Tuy nhiên, trên thực tế tốc độ kết nối của thế hệ này chưa bao giờ đạt quá mức 700Kbps. Phiên bản này còn khá nhiều lỗi và các nhà sản xuất đã rất khó khăn khi tích hợp nó với các sản phẩm công nghệ.
Bluetooth 1.1: Năm 2001, phiên bản Bluetooth 1.1 ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của công nghệ Bluetooth trên nhiều lĩnh vực khác nhau với sự quan tâm của nhiều nhà sản xuất mới. Cũng trong năm này, Bluetooth đươc bình chọn là công nghệ vô tuyến tốt nhất năm.
Bluetooth 1.2: Ra mắt vào tháng 11/2003, Bluetooth 1.2 bắt đầu có nhiều tiến bộ đáng kể. Chuẩn này hoạt động dựa trên nền băng tần 2.4 Ghz và tăng cường kết nối thoại. Motorola RARZ là thế hệ di động đầu tiên tích hợp Bluetooth 1.2.
Bluetooth 2.0 + ERD: Một năm sau, vào tháng 11/2004, công nghệ Bluetooth 2.0 + ERD đã bắt đầu nâng cao tốc độ và giảm thiểu một nửa năng lượng tiêu thụ so với trước đây. Tốc độ của chuẩn Bluetooth lên đến 2.1 Mbps và năng lượng sử dụng của kết nối Bluetooth chỉ còn tiêu hao một nửa so với trước. Các thiết bị tiêu biểu ứng dụng Bluetooth 2.0 + ERD là: Apple iPhone, HTC Touch Pro và T-Mobile’s Android G1.
Bluetooth 2.1 + ERD: Đây chính là thế hệ nâng cấp của Bluetooth 2.0. Bluetooth 2.1 có hiệu năng cao hơn và tiết kiệm năng lượng hơn. Tuy nhiên, Bluetooth 2.1 không cho phép truyền các file lớn với tốc độ cao. Do đó, nếu người dùng muốn chuyển các file dung lượng lớn đến 1-2GB từ máy tính sang điện thoại thì chỉ có thể kết nối hai thiết bị này bằng dây cắm USB hoặc bằng thẻ nhớ .
Bluetooth 3.0 + HS: Tháng 4/2009, Bluetooth 3.0 - thế hệ 'siêu tốc' chính thức ra mắt. Bluetooth 3.0 có tốc độ truyền dữ liệu đạt mức 24Mbps – bằng sóng Bluetooth – High Speed, tương đương chuẩn Wi-Fi thế hệ đầu tiên. Chuẩn này giúp các thiết bị tương tác tốt hơn, tăng cường năng lực kết nối giữa các cá nhân với nhau và tiết kiệm pin nhờ chức năng điều khiển năng lượng nâng cao.
Bluetooth 4.0: Bluetooth 4.0 được ra đời vào ngày 30/6/2010 là một phiên bản tối ưu hóa các chuẩn Bluetooth trước đó cho phép truyền tải tốc độ cao và tiêu tốn năng lượng thấp hơn. Phiên bản này là sự phối hợp các đặc tính tiên tiến của chuẩn Wi-Fi thông thường với những yếu tố cốt lỗi của công nghệ Bluetooth. Bluetooth 4.0 cho phép thiết bị với pin viên nhỏ hoạt động bền bỉ hơn một năm, dài hơn nhiều so với mức chỉ 2-3 ngày nếu sử dụng Bluetooth truyền thống.
Bluetooth 4.1: Là bản cập nhật nhỏ từ Bluetooth 4.0, thêm tính năng tương thích và hoạt động cùng lúc với sóng 4G LTE.
Có 3 cải tiến lớn trọng tâm trong đặc điểm kỹ thuật của Bluetooth 4.1:
Thứ nhất, khả năng chung sống: Tín hiệu Bluetooth 4.0 và 4G (LTE) sẽ bị chồng lấn với nhau, ảnh hưởng đến tốc độ truyền tải. Bluetooth 4.1 sẽ giúp loại bỏ điều này bằng cách phối hợp với sóng 4G tự động, vì vậy nó không có sự chồng chéo giúp cả 2 có thể thực hiện tối đa sức mạnh của mình.
Thứ hai, khả năng kết nối thông minh: Bluetooth 4.1 sẽ cho phép các nhà sản xuất có thể xác định khoảng thời gian kết nối trở lại sau thời gian chờ trên các thiết bị của họ. Điều này có nghĩa thiết bị có thể quản lý năng lượng của nó được tốt hơn, và các thiết bị kết hợp sẽ điều chỉnh năng lượng phù hợp cho những kế hoạch riêng biệt.
Thứ ba, cải thiện khả năng truyền dữ liệu: Các thiết bị Bluetooth 4.1 có thể giao tiếp một cách độc lập mà không cần phải phụ thuộc vào trung tâm điều khiển. Ví dụ, trước đây smartwatch có thể kết nối với điện thoại để có được dữ liệu từ một màn hình trung tâm, nhưng bây giờ smartwatch và màn hình có thể trao đổi trực tiếp dữ liệu để tiết kiệm pin điện thoại và sau đó tải kết quả tổng hợp trực tiếp đến điện thoại. Điều này là rất quan trọng khi mà các thiết bị ngoại vi trở nên độc lập và có thể cho phép xây dựng mạng lưới trước khi đối chiếu tất cả các dữ liệu mà nó cung cấp.
Bluetooth 4.2: Được công bố cuối năm 2014, kết nối Bluetooth được cải tiến: nâng tốc độ lên 2.5 lần so với phiên bản trước, nâng cao tính bảo mật, tiêu thụ ít năng lượng hơn và hỗ trợ kết nối Internet trực tiếp thông qua IPv6.
Không những cải thiện tốc độ mà Bluetooth 4.2 còn tăng cả dung lượng lưu trữ của các gói dữ liệu nhỏ trong lúc truyền tải (packet capacity), nhờ đó mà nó sẽ tiêu thụ năng lượng pin ít hơn và ít bị lỗi trong khi kết nối. Bluetooth 4.2 có thể được nâng cấp lên từ 4.0, 4.1 thông qua các bản cập nhật firmware từ nhà sản xuất thiết bị. Tuy nhiên nếu phần cứng (chip) không hỗ trợ Bluetooth 4.2 thì bạn sẽ không được hưởng tốc độ truyền dữ liệu cao của v4.2.
Bluetooth 5.0: Là thế hệ mới nhất hiện tại được ra mắt năm 2016 với nhiều cải tiến vượt bật như tầm phủ sóng, tốc độ và tiết kiệm điện hơn so với phiên bản trước.
Chuẩn kết nối Bluetooth 5.0 có tầm phủ sóng rộng gấp 4 lần chuẩn 4.0 Theo lý thuyết thì khoảng cách có thể lên tới 300m. Tuy nhiên trong thực tế, chẳng hạn như trong một ngôi nhà hoặc văn phòng, chuẩn Bluetooth 4.2 kết nối tốt ở khoảng cách 10-15 mét. Chúng ta giả định các yếu tố khác tương đương thì Bluetooth 5 có thể kết nối trong khoảng cách lên tới 40-60 mét, tăng đáng kể đấy nhỉ. Đó là một bước tiến quan trọng trong việc kết nối các thiết bị, tạo tiền đề cho việc phát triển nhà thông minh.
Kết nối Bluetooth 5.0 cho phép truyền dữ liệu nhanh gấp đôi, lên đến 2 Mbps so với kết nối Bluetooth 4.x hỗ trợ tốc độ tối đa là 1 Mbps.
Bluetooth 5.0 mang khả năng tiết kiệm điện lên một tầm cao mới bằng cách giảm lượng điện tiêu thụ đi tối đa 2,5 lần so với Bluetooth 4.2. Tất nhiên lúc này bạn cũng phải chuyển sang dùng Bluetooth Smart, nhưng đừng lo, hầu hết thiết bị mua trong khoảng 2 năm trở lại đây đều đã hỗ trợ cho chuẩn này rồi, kể cả những chiếc smartwatch hay smart band của bạn.
Tuy nhiên do kết nối Bluetooth 5.0 mới được ra mắt nên nó sẽ cần phần cứng thích hợp, và bạn sẽ không thể nâng cấp từ chuẩn thấp hơn.
Cách xem chuẩn kết nối Bluetooth trên laptop
Hiện tại thì đa phần các laptop đều được trang bị kết nối Bluetooth. Như đã tìm hiểu phần trên, có nhiều chuẩn kết nối Bluetooth và phần cứng thích hợp khác nhau. Các chuẩn Bluetooth cũ sẽ không thể kết nối với chuẩn mới vì vậy bạn phải xác định được Bluetooth trên laptop là chuẩn nào để kết nối với thiết bị thích hợp.
Bước 1: Chuột phải vào This PC chọn Manage để vào phần Computer Management:
Bước 2: Trong phần Computer Management chọn Device Manager. Ngoài ra bạn có thể sung cách Nhấn tổ hợp phím Windows + R sao đó nhập vào devmgmt.msc để vào Device Manager
Bước 3: Vào mục Bluetooth, trong đây bạn chuột phải vào tên Driver Bluetooth chọn Properties. Sau đó chọn tab Advanced.
Tại đây bạn sẽ thấy chi tiết phần cứng, để ý bạn sẽ thấy chữ LMP và số đâu tiên sau chữ đó sẽ giúp bạn xác định được chuẩn kết nối Bluetooth trên laptop. Ví dụ ở đây ta thấy là số 6, dựa vào bẩng sau có thể thấy laptop này có chuẩn kết nối Bluetooth 4.0.
Đó là tất cả những thông tin về kết nối Bluetooth nói chung và Bluetooth trên laptop nói riêng mà đã tổng hợp lại giúp bạn. Có thể thấy kết nối Bluetooth ngày càng phát triển và sử dụng rộng rãi, có thể vài năm sau nữa thôi nó sẽ còn phát triển kinh ngạc hơn nữa.