Vào thời điểm iPod vẫn là sản phẩm chủ lực của Apple, vị cố giám đốc tài năng của Táo khuyết lo ngại chức năng nghe nhạc được tích hợp sẵn sẽ khiến điện thoại dần lấn lướt iPod, và đó là động lực chính thúc đẩy ông và các cộng sự nghiên cứu và phát triển iPhone.
Nhìn lại quãng đường phát triển của công nghệ di động 10 năm trở lại đây, không ai có thể phủ nhận sự phát triển mạnh mẽ và mức độ ảnh hưởng sâu rộng của iPhone. Với dòng sản phẩm này, nhà Táo đã có những bước đi tiên phong trong kỷ nguyên smartphone, để từ đó trực tiếp và gián tiếp thay đổi quan niệm về vấn đề giao tiếp cũng như trao đổi thông tin của mọi người. Có lẽ phải phải một thời gian rất lâu nữa mới xuất hiện một thiết bị mang tính đột phá thay đổi thế giới như vậy.
Dòng sản phẩm iPhone danh tiếng với mức doanh thu ngất ngưởng hàng năm
Ngược dòng thời gian về đầu thế kỉ 21, khi mà không phải Nokia mà Motorola với những chiếc Razr đình đám mới là bá chủ của ngành công nghiệp di động, nhiều người cho rằng việc Apple lấn sân kinh doanh smartphone là không biết lượng sức mình. Nhưng, giới công nghệ đã phải thay đổi cách nhìn khi chiếciPhone đầu tiên ra mắt. Sản phẩm sở hữu tính đột phá cả trong công nghệ lẫn thiết kế mà chưa hãng nào làm được đã tạo được tiếng vang lớn và trở thành bàn đạp vững chắc cho sự cất cánh của Apple trên bầu trời công nghệ sau này. Vậy, yếu tố nào đã thúc đẩy Steve Jobs và đội ngũ của mình tạo nên một thiết bị như vậy?
Phiên bản iPhone đầu tiên của Apple
Trong thị trường kinh doanh thiết bị nghe nhạc thời kì đó, iPod trở nên nổi bật với mức độ tiêu thụ tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí tới năm 2005, sản phẩm này trở thành quân bài chủ lực của Apple khi chiếm tới 45% tỉ suất lợi nhuận của hãng. iPod giúp nhà Táo củng cố chỗ đứng trên thị trường nhưng với tầm nhìn chiến lược của một CEO hàng đầu, Jobs lo lắng có một ngày các nhà sản xuất di động sẽ nhìn thấy tiềm năng của thị trường kinh doanh béo bở này và gia nhập cuộc chơi. Nếu như họ cũng trang bị cho điện thoại khả năng lưu và chơi nhạc, đó là lúc triều đại của iPod chấm dứt! Chưa dừng lại ở đó, sự hợp tác không mấy hòa hảo với ông trùm di động những năm 2000 – Motorola trong việc sản xuất chiếc điện thoại Rokr có tích hợp chức năng nghe nhạc của Apple đã khiến Steve Jobs phải thất vọng thốt lên: “Tôi phát ốm vì phải cộng tác với những công ty ngớ ngẩn như Motorola” để rồi kết hợp với viễn cảnh ảm đạm của iPod, vị CEO tài năng đã quyết tâm tạo ra iPhone.
Trong một cuộc phỏng vấn với trang VentureBeat, người được mệnh danh là cha đẻ của iPod: Tony Fadell cho biết ý tưởng ban đầu trong việc chế tạo iPhone là tạo ra một chiếc iPod có thể đàm thoại được: “Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu tạo ra iPod. Một chiếc iPod được tích hợp module điện thoại bên trong. Tuy vậy, đội ngũ vướng phải các rắc rồi với bánh xe cuốn, nhất là trong việc thực hiện cuộc gọi”. Cùng thời điểm đó, Apple nhận ra tiềm năng của công nghệ cảm ứng đa điểm, yếu tố chính giúp iPhone ngồi lên ngôi vương sau này. Và họ đã bí mật thâu tím một công ty nhỏ chuyên về lĩnh vực sản xuất bàn xúc giác đa điểm có tên FingerWorks.
Ý tưởng iPhone ban đầu chỉ là chiếc iPod nghe gọi được
Sau những nỗ lực bất thành của đội ngũ ký sư trong việc cải tiến bánh xe cuốn trên iPod. Steve Jobs đặt hi vọng vào công nghệ cảm ứng đa điểm và đề ra mục tiêu tạo ra một thiết bị có màn hình lớn, bỏ đi bàn phím cơ học. Tony Fadell tiết lộ thêm: “Sau khi không thành công trong việc nghiên cứu chiếc iPod gọi điện được. Steve Jobs đến gặp tôi và đưa ra một bàn mô phỏng màn hình cảm ứng đa điểm đồng thời cho biết công ty nên cân nhắc đưa công nghệ này vào iPod. Sau đó, thay vì tiếp tục bỏ công sức vào bánh xe cuốn, chúng tôi bắt tay xây dựng màn hình cảm ứng chạm.”
AnhNQ
Theo: zingnews