4 thói quen bạn thường làm dưới đây những tưởng sẽ giúp điện thoại Android chạy nhanh hơn nhưng thực ra là ngược lại, nó sẽ phản tác dụng và thậm chí làm smartphone của bạn chạy chậm hơn.
Sử dụng các ứng dụng làm trống bộ nhớ RAM
Những ứng dụng “dọn dẹp”, làm trống bộ nhớ RAM, đóng các ứng dụng chạy ngầm như CCleaner được rất nhiều người dùng điện thoại Android tin tưởng. Tuy nhiên thực tế thì theo cơ chế hoạt động của Android, sau khi bạn tắt đi các ứng dụng chạy ngầm thì rất nhiều ứng dụng sẽ tự khởi động lại. Việc khởi động lại làm tốn tài nguyên hệ thống, dẫn đến máy chạy chậm hơn so với việc bạn cứ để chạy ngầm như vậy.
Hơn nữa, các bản Android mới đều tự đưa những ứng dụng vào trạng thái “ngủ đông” để sẵn sàng chạy lại bất cứ lúc nào. Do đó việc dùng Ccleaner quét toàn bộ ứng dụng chạy ngầm để cho RAM trống là một điều hoàn toàn không cần thiết.
Tắt các ứng dụng khi không dùng
Tương tự như việc sử dụng các phần mềm dọn dẹp, rất nhiều người có thói quen đóng các ứng dụng bằng tay khi không sử dụng (mở đa nhiệm và gạt tắt các ứng dụng đã mở). Thao tác này cũng gây nên hậu quả như trên. Những ứng dụng đang chạy hoặc đã rơi vào ngủ đông bị bạn tắt đi sẽ “âm thầm” khởi động lại và tiêu tốn tài nguyên. Lời khuyên của chúng tôi là bạn nên bỏ thói quen gạt tắt hết ứng dụng thường xuyên đi, thay vào đó chúng ta chỉ đóng một ứng dụng khi nó bị đơ và không phải hồi.
Cài phần mềm diệt Virus
Với một chiếc máy tính thì bạn nên cài phần mềm diệt virus, nhưng điện thoại Android thì không. Bởi vì máy Android rất hiếm khi nhiễm virus, các ứng dụng diệt virus không những không hiệu quả mà nó còn luôn chạy ngầm, chiếm một phần lớn RAM và làm máy chậm đi. Ngay cả khi bạn đang lướt web và gặp những dòng cảnh báo “Điện thoại Android của bạn đã bị nhiễm virus” thì bạn cũng đừng lo, vì đó chỉ là quảng cáo để bạn tải một ứng dụng rác nào đó thôi.
Tóm lại bạn không cần phải cài ứng dụng diệt virus trên điện thoại làm gì, đơn giản là không nên cài ứng dụng không rõ nguồn gốc và không vào các trang web độc hại là ổn.
Không bao giờ khởi động lại
Rất nhiều người không bao giờ khởi động lại điện thoại Android của mình trong suốt thời gian sử dụng. Thực tế thì điện thoại cũng như máy tính, không thể hoạt động liên tục trong thời gian dài. Thỉnh thoảng bạn nên khởi động lại máy để nó giải phóng các ứng dụng thừa và “làm tươi” lại. Nếu có điều kiện, việc tắt máy, cho máy “nghỉ ngơi” khi bạn ngủ cũng sẽ giúp máy chạy ổn định và tuổi thọ dài hơn.
Quân LNH
Nguồn: fptshop.com.vn