Khoảng tháng 10/2011, Verena Rentrop và Elsie Parumog, hai nhân viên làm việc tại Nokia nhưng ở hai nơi khác nhau trên thế giới đã có một cuộc trò chuyện qua mạng về quy trình CNTT của công ty. Đó là một điều hết sức bình thường mà hai nhân viên Nokia này vẫn làm.
Thế nhưng khi một làn sóng tái cơ cấu nữa bắt đầu và Nokia sa thải hàng chục ngàn nhân viên chỉ trong vòng vài năm sau đó, thì những cuộc trò chuyện như vậy, những mối qua hệ dù xa xôi nhưng thất thiết giữa hai con người này cũng đến lúc phải chấm dứt.
Cả hai cùng những nhân viên khác của Nokia cảm thấy rằng mình phải tìm ra một cách nào đó để giữ liên lạc và vì thế Rentrop cùng Parumog đã tạo ra một nhóm trên Facebook với tên gọi “Beyond Nokia”. Khoảng 5 năm sau, vào ngày 10/11/2016, nhóm kín này đã đạt đến con đáng nể nhưng chưa mấy ấn tượng: 952 thành viên.
“Trong buổi chiều hôm đó, tôi đã đăng một tin nhắn khuyến khích mọi người mời những đồng nghiệp cũ tại Nokia vào trong nhóm với hy vọng rằng số thành viên sẽ đạt lên 1.000 vào cuối năm”, cô nhớ lại.
Trong ngày tiếp theo, số người trong nhóm đã tăng gấp đôi, mà theo Rentrop thì đó là “một bất ngờ lớn và hoàn toàn không lường trước”. Sau đó chỉ 7 ngày, nhóm vượt qua con số 19.000 thành viên, và hiện tại nhóm có thêm 1.000 mới mỗi ngày.
“Đó là một con số choáng váng nếu bạn so sánh với số nhân viên của Nokia. Nhóm sẽ nhanh chóng đạt đến con số bằng số lượng nhân viên đã bị sa thải trong vòng 2 năm trước”, cô Rentrop cho biết.
Thế nhưng có một điều còn đáng chú ý hơn cả việc nhóm “Beyond Nokia” đã phát triển nhanh như thế nào trong vòng vài tuần trở lại đây đó là tình yêu mà những cựu nhân viên Nokia vẫn dành cho công ty và dành cho nhau.
“Đó là một câu chuyện tình yêu”, Sotiris Makrygiannis, người từng làm giám đốc mảng ứng dụng và quản lý trung tâm nghiên cứu phát triển Nokia Helsinki cho biết. “Tôi chưa bao giờ thấy một nhóm lớn nhiều người cùng yêu công ty đến vậy. Cực kỳ ấn tượng. Tất cả hơn 10 nghìn con người này đã mất việc làm và thay vì căm ghét công ty họ lại ngưỡng mộ công ty.
Để hiểu lý do, cô Rentrop đã chỉ cho phóng viên của trang Techcrunch khẩu hiệu rất cũ của Nokia “Connecting People” (Kết nối mọi người). Thông điệp đó vang vọng trong hàng trăm tin nhắn và hình ảnh được đăng tải trong nhóm mỗi giờ.
“Đó là 120.000 con người của công ty thế nhưng cảm giác bé nhỏ hơn nhiều và tôi không thể hiểu vì sao lại vậy”, một thành viên trong nhóm nói.
“Suốt nhiều năm liền trong sảnh của công ty, các nhân viên luôn tràn trề năng lượng và tin tưởng rằng chúng ta có thể làm được bất cứ thứ gì. Bạn có thể đi bộ dọc một tầng nào đó và tìm thấy một ai đó đang lên kế hoạch cho những điều ý nghĩa, và bạn có thể nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt họ. Tôi thích điều ấy”, một người khác bổ sung.
Cũng không có gì ngạc nhiên bởi Nokia từng là một nhà sản xuất phần cứng rất mạnh mẽ. Sự nhớ nhung cũng như những hội ức về các thiết bị cũng là một chủ đề xuất hiện nhiều lần trên nhóm. Những bức ảnh về những chiếc điện thoại đã bị ngừng sản xuất, những niềm tự hào của Nokia được đăng tải kèm theo những bức ảnh về những model, nguyên mẫu chưa bao giờ xuất hiện trên thị trường.
Đây chỉ là một phần rất nhỏ so với rất rất nhiều những kỷ niệm về Nokia được chia sẻ. Từ những chiếc bút được nhiều cựu nhân viên đã dùng để ký các hợp đồng với công ty, ánh đèn neon từ các khu nhà máy Nokia đã dừng hoạt động…
Socola cũng là một chủ đề được thảo luận rất sôi nổi. Tại châu Âu, nhắc đến socola, người ta thường nhắc đến Thụy Sỹ và Bỉ. Thế nhưng đất nước nơi Nokia được sinh ra cũng là một mảnh đất của socola.
Rentrop giải thích: “Du lịch vòng quanh thế giới là thứ dành riêng cho những công việc cấp cao, còn đối với những người khác thì đó là những dịp hiếm có. Dường như một điểm chung trong tất cả các chuyến đi đó chính là socoloa của hãng Fazer Phần Lan. Đấy là món quà công tác được mong đợi nhất đối với các nhân viên bởi nó là hương vị được nhiều người Nokia mong muốn thưởng thức nhất”.
Các nội dung trong nhóm có khi còn về những lời trêu đùa mà chỉ người trong cuộc mới hiểu được. Những chủ để được gửi từ khắp nơi trên thế giới, thể hiện sự hiện diện trên toàn cầu một lần nữa của Nokia. Đôi khi mọi người còn gọi điện nhóm cho chau để trao đổi về các chủ đều riêng tư và tình cảm.
“Dường như có rất nhiều giờ làm việc đã được dành cho những cuộc điện đàm”, Rentrop nói. “Những kỷ niệm ngọt ngào về ‘im lặng và không im lặng’, tiếng chó sủa, những lần vào toilet, những lần nhắn tin riêng tư trên một đường dây mở, những lần ‘chat chit’ song song với những người trong một cuộc họp…”
Nhưng một câu chuyện tình yêu không thể hoàn thiện nếu ít nhất không có một đám cưới. Và tại Nokia thì đã có rất nhiều đám cưới. Rất nhiều câu chuyện đã được các nhân viên Nokia chia sẻ, những người đã vượt qua khoảng cách và tìm thấy tình yêu. Từ Đan Mạch tới Brazil, từ Mỹ tới Hungary, từ Phần Lan tới Trung Quốc, và rất nhiều nơi khác nữa trên thế giới, để kết nối với một nửa Nokia đặc biệt của mình suốt phần đời còn lại.
Những mối quan hệ này đã tạo nên một thế hệ gia định Nokia mới. Một thành viên trong nhóm viết: “Sản phẩm Nokia tốt nhất hiện đã bước sang tuổi thứ 12, chính là cô con gái yêu quý của chúng tôi”.
Beyound Nokia và một trang riêng với tên gọi ‘Nokia People’ vẫn đang tiếp tục sứ mạng kết nối các cựu nhân viên của mình. Và trong ghé thăm gần đây nhất, con số thành viên của nhóm đã lên tới 21.000 người.
Theo Ictnews
Nguồn:Thế giới di động