Toàn bộ thân máy là nhựa nhám chống bám vân tay thay vì nhám bóng kết hợp trên PS4. Mặt trước liền mạch không có rãnh chia. Không sử dụng phím cảm ứng, nút nguồn (Power) và lấy đĩa (Eject) trên PS4 Slim quay trở lại với phong cách phím bấm vật lý tích hợp đèn LED. Hai cổng USB 3.1 được bố trí cách xa nhau - một chi tiết nhỏ nhưng đáng giá bởi điều đó giúp việc cắm cáp tay cầm hay USB tiện lợi hơn.
Mặt sau máy hỗ trợ các cổng kết nối quen thuộc gồm HDMI OUT, LAN, AUX được bố trí lại và không còn cổng opical. Một chi tiết khác so với bản tiền nhiệm là người dùng có thể thay thế ổ cứng dễ dàng, đơn giản hơn thông qua khe có nắp đậy ở cạnh hông và phía sau máy mà không cần phải tháo cả nắp trên. Việc giảm kích thước giúp PS4 Slim trông gọn, khoảng cách giữa mặt trên và dưới hẹp cũng khiến bụi khó lọt vào máy hơn (sẽ không bị ồn sau một vài tháng dùng) nhưng hệ thống tản nhiệt mặt sau đã phải bố trí lại ở dưới nắp máy (vẫn ở mặt sau). Với cấu trúc mới, người dùng nên đặt PS4 Slim ở chỗ thoáng để không khí lưu thông tốt hơn giúp tuổi thọ máy cao hơn.
Ở mặt dưới máy vốn dĩ thường không có gì đặc biệt (nhất là với dòng máy chơi game) tuy nhiên Sony lại tạo ra điểm nhấn cho PS4 Slim thông qua các đế cao su (chân máy). 8 chân đế được làm theo hình dạng lô-gô các phím bấm “thần thánh” vuông, tròn, X, tam giác bố trí đối xứng qua tâm chữ PS. Thiết kế này tạo sự mới mẻ và giúp PS4 Slim trông “chất” hơn, nhưng người dùng phải để máy dạng dựng đứng tương tự như kiểu Xbox (cần có thêm dock) mới khoe được mặt này.
Đi kèm với máy có một tay cầm, dây HDMI, cáp microUSB sạc và một cặp tai nghe. Tay cầm DualShock 4 của PS4 Slim có thiết kế hiện đại, bắt mắt. Cảm nhận khi mới cầm DualShock 4 khá đầm tay và dễ chịu. Các nút bấm có độ nảy tốt, các phím L1/R1, L2/R2 làm dạng nhám tạo độ bám, khi bấm hay bóp cò thấy “đã” hơn tay cầm cũ. Hai nút Start và Select nay đã được thay thế bằng Share dùng để chia sẻ hình ảnh trong game và Option có vai trò như nút Start. Ở chính giữa là bàn cảm ứng kiêm vai trò nút bấm (nếu ấn mạnh xuống). Khu vực cảm ứng đa điểm này có thêm dải đèn (báo pin) cùng với đèn LED ở cạnh trước (đổi màu tương ứng theo nội dung game) và bộ rung, cấu trúc này vừa bắt mắt vừa góp phần tăng cảm hứng thị giác và gắn kết khi chơi. Tay cầm có ổ cắm tai nghe 3,5mm và cổng microUSB.
Về phần cứng, PS4 Slim gần như không có thay đổi nào so với PS4. Máy trang bị CPU 1.6GHz 8 lõi AMD Jaguar, GPU 1.84 TFLOP AMD Radeon (18CU, 800MHz), RAM 8GB GDDR5, ổ cứng 500GB/1TB (5.400rpm). Trải nghiệm thực tế cho thấy PS4 Slim vận hành rất mượt và êm. Không chỉ thu gọn về kích thước, PS4 Slim cũng tiêu tốn ít năng lượng hơn so với bản tiền nhiệm. Thử chơi game PES 2017, PS4 Slim 'ngốn' 81W điện năng, chỉ bằng hơn một nửa so với PS4 (147,6W). Đó thực sự là một điểm cộng đáng giá của PS4 Slim.
Thông số kỹ thuật chi tiết
- Kích thước: 288 x 265 x 39mm
- Trọng lượng: 2,1kg
- CPU: 1.6GHz 8-core AMD Jaguar
- GPU: 1.84 TFLOP AMD Radeon (18CU, 800MHz)
- RAM: 8GB GDDR5
- Ổ cứng: 500GB/1TB (5.400rpm)
Sau đây là một số hình ảnh khui hộp PS4 Slim vừa có hàng tại Việt Nam.
Bộ phụ kiện đi kèm hộp PS4 Slim...
Thiết kế mỏng lại khiến máy thanh thoát hơn và đẹp mắt hơn
Lợp sơn trên lớp vỏ làm máy sang hơn và 'chất' hơn
Tin tức: Mai Nguyên, Nghe Nhìn Việt Nam
Hình ảnh và video: Mai Nguyên