Chất lượng là tiêu chí hàng đầu
Hiện nay Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức trao giấy phép cung cấp mạng và dịch vụ 4G cho 3 nhà mạng gồm VNPT (VinaPhone), Viettel, MobiFone. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này mới chỉ có VNPT là doanh nghiệp viễn thông đầu tiên chính thức thương mại hóa 4G tại Việt Nam. Địa phương đầu tiên được VNPT lựa chọn cung cấp 4G là hòn ngọc viễn đông – Phú Quốc.
Với việc chính thức thương mại mạng 4G đầu tiên, VNPT đã “khai hỏa” cuộc đua 4G chính thức tại Việt Nam. Tuy nhiên, dù lựa chọn chiến lược triển khai tại từng khu vực hay triển khai đồng loạt trên diện rộng, thì các doanh nghiệp viễn thông đều phải đối mặt với bài toán doanh thu và chi phí.
Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về viễn thông và công nghệ thông tin tại Việt Nam, VNPT đủ sức để có thể triển khai đồng loạt 4G trên toàn quốc. Tuy nhiên, VNPT đã không lựa chọn bước đi đó mà triển khai từng khu vực.
Chia sẻ về chiến lược này, ông Lương Mạnh Hoàng – Chủ tịch VNPT VinaPhone khẳng định:
“Chiến lược của VNPT là không triển khai ồ ạt. Đi đến đâu chỗ nào VinaPhone có sóng 4G, chỗ đó chất lượng phải đầy đủ và hoàn hảo. Chứ không phải vì việc phủ sóng mà bỏ qua chất lượng. Vì lắp đặt không đủ tầm thì chất lượng sẽ phải trả giá. Chiến lược của VinaPhone tuy tiên phong trong triển khai nhưng xác định phải lấy chất lượng làm đầu”.
Theo kế hoạch từ nay tới cuối năm và trong quý 1/2017, VNPT tiếp tục triển khai 4G tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 10 tỉnh trọng điểm khác trước khi phủ sóng 4G trên toàn quốc, ông Lương Mạnh Hoàng chia sẻ thêm.
Tạo sự khác biệt cho dịch vụ 4G sẽ là một thách thức lớn
Song song với việc đầu tư để đảm bảo chất lượng 4G, yếu tố được coi là quan trọng nhất giúp các nhà mạng có thể bứt phá, chính là dịch vụ. Điều này sẽ giúp vững lòng tin của khách hàng khi sử dụng dịch vụ 4G của VNPT.
ông Lương Mạnh Hoàng cho rằng: “Riêng VinaPhone, giai đoạn đầu tiên chúng tôi chủ yếu tập trung vào chất lượng, hiện các dịch vụ chủ yếu là video streaming. Chủ yếu mọi người trải nghiệm video streaming trên nền 4G sẽ khác biệt hơn 3G. Sự khác biệt này, người dùng cảm nhận rất rõ. Bên cạnh đó, các dịch vụ ứng dụng CNTT như IoT, M2M…sẽ mang lại những lợi ích lớn hơn trên nền 4G cho người dùng sau nay”.
Đúng vậy nếu không tạo ra được dịch vụ khác biệt cho 4G, nhà mạng khó có thể thuyết phục được người dùng chuyển sang 4G. Đây có lẽ đang là bài toán khó đặt ra cho các nhà mạng Việt Nam triển khai 4G. Với VNPT, thách thức này không chỉ đặt lên Tổng Công ty VNPT VinaPhone mà còn cả Tổng Công ty Truyền Thông VNPT Media - đây là đơn vị hiện đang cung cấp các dịch vụ phần mềm, dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng…cho VinaPhone cung cấp cho các thuê bao của nhà mạng này.
Tại buổi khai trương 4G tại Phú Quốc, khách hàng cũng đã được trải nghiệm dịch vụ Mobile TV kết hợp công nghệ video 4K (gấp 4 lần fullHD, nét hơn gấp bội lần so với HD). Đây là dịch vụ của Công ty Phát triển Dịch vụ Giá trị gia tăng VAS, trực thuộc Tổng công ty truyền thông (VNPT-Media), đơn vị chủ lực của VNPT trong phát triển dịch vụ CNTT và GTGT trên mạng di động.
Trên nền mạng 4G, khách hàng sử dụng dịch vụ MobileTV sẽ được trải nghiệm dịch vụ hoàn hảo, hiển thị sắc nét tới từng chi tiết, độ sâu của hình ảnh gần như công nghệ 3D, xem trực tuyến rất nuột, không hề bị trễ. Trong thời gian tới, VNPT VinaPhone cùng với VNPT-Media sẽ tập trung hướng tới những chương trình truyền hình mới, các dịch vụ tương tác hấp dẫn chuẩn 4G
Mobile TV chỉ là một ví dụ về các dịch vụ gia tăng trên mạng 4G. Rõ ràng, thành bại trong kinh doanh 4G, phụ thuộc rất nhiều vào sự hấp dẫn của các dịch vụ giá trị gia tăng 'chạy' trên đó. Sáng tạo ra các dịch vụ thu hút người dùng sẽ là một thách thức với không chỉ VNPT mà tất cả các nhà mạng tại Việt Nam./.
Theo xahoithongtin
Nguồn:Thế giới di động