Theo Patently Apple, hãng điện tử Cupertino (Mỹ) đã đệ đơn xin cấp sáng chế mới chỉ cách đây ít ngày. Điểm quan trọng nhất ở chiếc điện thoại mới là khả năng gập đôi theo chiều ngang và thiết kế siêu mỏng. Để có được điều đó, Apple đã đưa vào 'ống nano cacbon' – công nghệ giúp tạo các khớp nối liền mạch, ít khoảng trống nhưng vẫn đảm bảo khả năng gập/duỗi linh hoạt.
9to5mac nhận định, thiết kế mới nếu được áp dụng cho iPhone sẽ giúp sản phẩm bớt nhàm chán hơn so với kiểu dáng nguyên khối như hiện tại. Tuy nhiên, sáng chế này khó có thể đưa vào iPhone thế hệ tiếp theo dù năm sau là thời điểm kỷ niệm 10 năm ngày iPhone ra đời, bởi thời gian không cho phép.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple đăng ký sáng chế cho một thiết bị nắp gập. Năm 2014, một phát minh tương tự đã xuất hiện nhưng đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Rất có thể, đây là chiến lược ngăn chặn các đối thủ có thể dùng đến ý tưởng đó trong tương lai, như hãng vẫn làm từ trước đến nay.
Hồi tháng 7, Samsung cũng gửi hồ sơ đăng ký bản quyền lên Ủy ban Thương hiệu và Bản quyền Mỹ cho ý tưởng điện thoại màn hình dẻo được trang bị 'cơ nhân tạo', hay các khớp nối, với các thiết kế khác nhau để có thể mở ra hay gập vào dễ dàng.
Các mẫu điện thoại uốn cong của Samsung nằm trong dự án Project Valley, ra đời cách đây hơn một năm. Dự án này được thành lập nhằm chuẩn bị đối phó với iPhone 2017 - mẫu điện thoại được cho là sẽ có rất nhiều đột phá nhân kỷ niệm 10 năm iPhone có mặt trên thị trường.
Điện thoại màn hình dẻo có thể sẽ được Samsung công bố tại triển lãm Mobile World Congress vào tháng 2/2017 tại Barcelona (Tây Ban Nha), hứa hẹn một năm đầy hấp dẫn trên thị trường smartphone.
Theo Sohoa.vnexpress.net