Quyền lực của vị thái tử trẻ tuổi Lee Jae Yong – người thừa kế sáng giá của tập đoàn Samsung vừa mới được tăng lên gấp bội sau quyết định chính thức bổ nhiệm anh này nắm giữ một ghế trong hội đồng quản trị gồm 9 thành viên của Samsung Electronics được công bố vào ngày hôm qua.
Động thái này giúp anh Lee sẽ có tiếng nói quan trọng hơn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao cũng như với các quyết định chiến lược của Samsung, trong đó có vấn đề tái cấu trúc cũng như các thương vụ mua bán, sáp nhập.
“Thái tử” của tập đoàn Samsung Lee Jae Yong
Điều đáng nói là quyết định bổ nhiệm kể trên được công bố cùng ngày Samsung đưa ra báo cáo kinh doanh đáng buồn, ghi nhận mức lợi nhuận sụt giảm mạnh do sự cố Note 7.
Cụ thể, lợi nhuận giảm còn 4,41 nghìn tỷ won (tương đương 3,9 tỷ USD) trong quý 3 kết thúc vào tháng 9 vừa qua.
Anh Lee Jae Yong hiện là Phó Chủ tịch Samsung Electronics. Kể từ sau khi chủ tịch Lee Kun Hee bị đau tim và phải nhập viện vào năm 2014, tầm ảnh hưởng của anh Lee tại Samsung đã tăng lên rất nhiều.
Tập đoàn Samsung vốn kinh doanh đa ngành nghề từ dịch vụ tài chính, khách sạn, y tế… nên cổ phần của các thành viên trong gia đình nhà sáng lập tập đoàn này được thể hiện thông qua mạng lưới sở hữu vô cùng phức tạp. Cũng chính bởi vậy, quyết định đưa anh Lee vào Hội đồng quản trị của một trong những mảng kinh doanh quan trọng nhất của tập đoàn là điện tử có tính chất tương tự như một lễ đăng quang.
Lee Chaiwon, Giám đốc đầu tư tại công ty Korea Value Asset Management nhận định: “Bây giờ chúng ta hoàn toàn có thể nói triều đại của Lee Jae Yong chính thức bắt đầu. Tôi cho rằng một kỷ nguyên mới đang đến với tập đoàn Samsung”. Ông Lee tin rằng ảnh hưởng của “thái tử” Lee sẽ là một “liều adrenaline” (một loại thuốc kích thích) cho Samsung trong cơn khủng hoảng Note 7 hiện tại. “Samsung sẽ trở thành một công ty thân thiện với thị trường hơn”. Giám đốc Chaiwon cũng dự báo sau khi tiếp nhận quyết định bổ nhiệm mới, anh Lee sẽ sớm tiến hành tái cấu trúc tập đoàn này.
Hiện tại Samsung Electronics đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Ngoài việc phải xử lý hậu quả do thảm hoạ Note 7 gây ra, “thái tử Lee” còn đối mặt với sự thúc ép từ phía quỹ đầu tư Mỹ về việc đơn giản hóa cấu trúc sở hữu tập đoàn. Quỹ Elliott Management còn muốn công ty bổ sung các giám đốc độc lập và trả 27 tỷ USD tiền lãi cổ tức cho nhà đầu tư.
Ông Heo Pil Soek, Giám đốc Midas International Asset Management nói: “Trở thành thành viên Ban quản trị đồng nghĩa với trách nhiệm quản lý cao hơn. Thị trường đang kỳ vọng anh Lee đưa ra các biện pháp tiếp theo để xử lý sự cố Note 7”.
Xem thêm: Sức ảnh hưởng 'không tưởng' của Samsung tại Hàn QuốcTrong khi đó, phía hội đồng quản trị Samsung nói rằng họ đang “thận trọng xem xét” tất cả những đề nghị từ phía Elliott. Được biết trong buổi bỏ phiếu thông qua việc đưa anh Lee Jae Yong vào hội đồng quản trị của công ty, có mặt 400 nhà đầu tư nhưng bản thân vị “thái tử” này không tham dự. Thay vào đó, Phó chủ tịch Kwon Oh-hyun và đồng CEO Shin Jong-kyun của mảng di động đã phát biểu về khủng hoảng mà công ty đang trả qua và những thiếu sót còn tồn tại trong khâu quản lý.
Ngoài di động, Samsung Electronics còn sản xuất cả chất bán dẫn và màn hình. Công ty đang phải xử lý việc giá tấm nền LCD giảm và các đối thủ Trung Quốc với giá rẻ hơn trên thị trường tivi.
Tổng cộng doanh thu quý 3 giảm 7% xuống còn 47,8 nghìn tỷ won và có thể ghi nhận doanh thu thường niên giảm 3 năm liên tiếp. Trong năm tới, Samsung dự định chi mức kỷ lục 27 nghìn tỷ won cho nhà máy và trang thiết bị.
Ông Chung Sun Sup, Tổng Giám đốc hãng nghiên cứu Chaebul cho rằng: “Điều Samsung cần nhất lúc này là tái thiết lại toàn bộ hệ thống và lực lượng nhân sự nhằm làm mới hình ảnh thương hiệu sau bê bối Note 7”. Ông Chung cũng khẳng định nhận thấy rõ tầm ảnh hưởng của anh Lee trên phạm vi toàn đế chế Samsung, bắt đầu từ việc tổng tái cấu trúc tập đoàn vào cuối năm nay.
Ông Lee Kun Hee (trái) và con trai Lee Jae Yong
Do người Hàn Quốc rất quan trọng hiếu nghĩa đối với cha mẹ nên anh Lee không thể chính thống nắm toàn quyền kiểm soát Samsung sau khi cha bị ngã bệnh từ hơn 2 năm trước. Mặc dù vậy, bắt đầu từ năm 2015 anh Lee nhận được sự quan tâm của giới truyền thông khi đích thân xin lỗi trên truyền hình sau sự cố bệnh viện do Samsung điều hành không thể kiểm soát dịch MERS.
Khi được hỏi, Franz-Hermann Hirlinger, Giám đốc ngoại quốc đầu tiên trong lịch sử Samsung Electronics nhớ lại hình ảnh của Lee khi ấy còn rất trẻ tuổi, luôn ngồi ngồi ngay ngắn, tay đặt lên đầu gối, lặng lẽ quan sát, theo dõi tất cả các cuộc họp của hội đồng quản trị. Mọi người trong phòng, bao gồm cả anh Hirlinger đều hiểu rằng đó chính là một phần trong quy trình đào tạo, dọn đường cho một ngày không xa anh Lee đón nhận “ngai vàng” từ cha mình.
Và khoảnh khắc ấy có lẽ đã đến vào ngày hôm qua – khi quyết định bổ nhiệm Lee Jae Yong vào hội đồng quản trị được thông qua. Chỉ có điều, nó đến vào đúng thời điểm tập đoàn Samsung đang phải chống chọi với dông bão.
Sustinvest, một hãng tư vấn tại Hàn Quốc, trong lá thư gửi cổ đông tuần này viết rằng anh Lee không đủ phẩm chất để có mặt trong Ban quản trị do được hưởng lợi từ các giao dịch “liên kết nội bộ” tại Samsung.
Trong khi đó, Giáo sư Kim Sang Jo tại Đại học Hansung lại cho biết Phó Chủ tịch Lee được kỳ vọng sẽ chứng minh mình có đủ khả năng nắm quyền và đưa Samsung vượt qua khủng hoảng và nhanh chóng tạo ra những thay đổi đáng kể.
Xem thêm: 10 điều thú vị bạn chưa biết về SamsungCòn đối với những người thường xuyên được tiếp xúc, làm việc cùng vị thái tử Lee kín tiếng này thì miêu tả anh như mẫu người hoàn toán trái ngược với cha mình. “Thái tử Lee” niềm nở, dễ gần, tầm nhìn rộng và có tham vọng hiện đại hóa tập đoàn lớn bậc nhất Hàn Quốc là Samsung.
Với việc được bổ sung thêm vai trò mới, dĩ nhiên “nhất cử, nhất động” của anh Lee sẽ chịu nhiều sự dò xét hơn. Ông Chung nhận định: “Cho đến thời điểm này, anh Lee hoàn toàn có thể tận hưởng những ngày tháng tươi đẹp mà chưa phải trực tiếp chịu trách nhiệm về bất kỳ sự cố lớn nào xảy ra trong tập đoàn. Tuy nhiên, chỉ cần một thảm hoạ giống Note 7 xảy ra một lần nữa, tất cả mũi dao sẽ chĩa vào anh ấy”.