Reuters cho biết các công tố viên Hàn Quốc ngày 15/1 nói rằng họ đang cân nhắc các thiệt hại kinh tế có thể xảy đến nếu lãnh đạo của tập đoàn Samsung bị bắt. Quyết định có bắt giữ Lee hay không được dời đến ngày 16/1.
Lee hiện là phó chủ tịch Samsung Electronics và là con trai Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun Hee. Ông bị điều tra vì liên quan các cáo buộc hối lộ trong vụ bê bối người bạn thân của Tổng thống Park Geun Hye.
Ông Lee đến trả lời thẩm vấn tại văn phòng công tố viên tại Seoul ngày 12/1
Việc các lãnh đạo doanh nghiệp lớn được hưởng án nhẹ hơn nhằm tránh tổn hại cho nền kinh tế là chuyện có tiền lệ tại Hàn Quốc. Nhờ yếu tố kinh tế, một số người đứng đầu các tập đoàn tài phiệt tại Hàn Quốc (chaebol) đã được rút ngắn án tù.
Cha của ông Lee, đồng thời là chủ tịch Samsung, từng hưởng 3 năm tù treo vì tội trốn thuế và sau đó được ân xá. Theo số liệu năm 2012 của Korea Times, doanh thu của Samsung chiếm 23% GDP của Hàn Quốc.
“Luật lệ và nguyên tắc là những thước đo quan trọng nhất. Sau khi cân nhắc các yếu tố được đề cập trước đó, chúng tôi sẽ quyết định dựa trên luật pháp”, người phát ngôn các công tố viên cho biết.
Trước đó, ngày 11/1, AFP dẫn lời các công tố viên Hàn Quốc cho biết người thừa kế tập đoàn Samsung Lee Jae Yong đã trở thành nghi phạm hình sự trong vụ điều tra tham nhũng và thao túng quyền lực xoay quanh Tổng thống Park cùng người bạn thân.
Tâm điểm của vụ bê bối làm rung chuyển chính trường Hàn Quốc này là Choi Soon Sil, người thân tín của Tổng thống Park. Bà Choi được cho đã lợi dụng quan hệ với bà Park để trục lợi, thuyết phục các tập đoàn lớn “quyên góp” hàng chục triệu USD vào 2 quỹ phi lợi nhuận của bà và sử dụng số tiền đó vào việc riêng. Trong khi đó, các tập đoàn lớn bị cáo buộc đã dùng số tiền quyên góp để đổi lấy lợi thế trong kinh doanh.
Samsung là nhà quyên góp lớn nhất cho các quỹ của bà Choi. Tập đoàn này còn bị cáo buộc đã tài trợ hàng triệu USD khác cho các khóa huấn luyện đua ngựa của con gái bà Choi tại Đức.
Các quan chức của Samsung đã bị thẩm vấn trong nhiều tháng qua. Họ lập luận rằng dù có đóng góp cho bà Choi, nhưng không nhận lại lợi ích gì, vì vậy số tiền đó không thể xem là hối lộ.
Các công tố viên đang điều tra cáo buộc Samsung đã đưa hối lộ cho bà Choi để giành lấy sự ưu ái của chính quyền trong một vụ sáp nhập hồi năm 2015.
Xem thêm: 'Mổ xẻ' bộ xử lý, camera bên trong Galaxy S7
Theo zing.vn