Các công nghệ 5G, AI, điện toán đám mây dần trở nên quen thuộc ở các khu đô thị lớn, được ứng dụng vào các hoạt động ở môi trường đặc thù như nơi có nhiệt độ cao - thấp bất thường, ngoài khơi xa, những khu vực không có lưới điện… Điều này dẫn đến mức tiêu thụ điện ngày càng tăng, gây ra tình trạng thiếu hụt, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng.
Trong khi đó, thế giới đang hướng đến năng lượng xanh, giảm thiểu carbon, bảo vệ môi trường. Vì thế, cần những giải pháp chuyển đổi năng lượng hiệu quả, đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050.
Tại Hội nghị quốc gia lần thứ 24 về điện tử, truyền thông và công nghệ thông tin tổ chức tại Hà Nội ngày 18/12, các diễn giả chia sẻ xu hướng chuyển đổi năng lượng đến năm 2025. Theo đó, hàng loạt giải pháp ứng dụng công nghệ trong việc sử dụng và quản lý năng lượng hiệu quả được giới thiệu.
Chuyên gia của Huawei nhận định từ nay đến năm 2025, có nhiều xu hướng sử dụng năng lượng mới trong lĩnh vực viễn thông, trong đó có số hoá năng lượng, mạng lưới viễn thông “không carbon”, thay thế pin lead-acid bằng pin Lithium, ứng dụng 5G trong đời sống, đa dạng hóa nguồn năng lượng, hệ thống xe hơi tự lái…
Một số giải pháp chuyển đổi số trong ngành năng lượng đang được triển khai tại Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới là cung cấp nguồn điện tại chỗ cho các trạm thu phát sóng 5G, ATM ngân hàng, trường học, các khu vực thiếu lưới điện, thay thế giải pháp máy phát điện truyền thống. Các giải pháp số hoá năng lượng mang lại hiệu quả cao trong việc phân phối nguồn năng lượng thông minh, có thể kiếm soát từ xa, tiết kiệm chi phí vận hành.
Trên thế giới, những dự án áp dụng giải pháp chuyển đổi năng lượng cho thấy tính hiệu quả thực tiễn. Tại Tây Ban Nha, giải pháp tiếp cận năng lượng mặt trời thông minh giúp giảm 3,2 tấn carbon/năm. Tại Pakistan, 81% chi phí hoạt động của doanh nghiệp được cắt giảm khi loại bỏ máy phát diện diesel.
Mục tiêu năng lượng xanh, bảo vệ môi trường sớm được thực hiện nhờ chuyển đổi số trong ngành năng lượng
Ngoài các giải pháp ứng dụng công nghệ trong quá trình sử dụng, mục tiêu năng lượng xanh, bảo vệ môi trường còn được hiện thực hoá bằng các thiết bị lưu trữ để quản lý năng lượng, nâng cao số hoá module PV cải thiện quá trình sản xuất điện, ứng dụng IoT trong thời gian thực nhằm cải thiện độ tin cậy cung cấp điện…
Xu hướng sử dụng pin Lithium trong lưu trữ điện năng bắt đầu ứng dụng từ năm 2011 cho các dự án viễn thông tại Pakistan, Paraquay, Hà Lan, khu vực Mỹ Latinh, Nhật Bản, Trung Quốc… Tổng dung lượng toàn cầu của năng lượng tích trữ qua pin Lithium đạt gần 3GWh năm 2019, tiết kiệm chi phí đầu tư, mang lại lợi ích kinh tế cho đơn vị sử dụng.
Đạt mục tiêu số hoá năng lượng, các giải pháp nguồn điện tích hợp cũng cần giảm được không gian lưu trữ, cung cấp hệ thống kiểm soát nhiệt độ thông minh, nguồn dự phòng đáng kin cậy, bảo đảm an toàn an ninh mạng.
Giải pháp cung ứng điện linh hoạt cần được nhân rộng từ viễn thông sang giáo dục, môi trường, hàng không, đường sắt, dầu khí, truyền thông, an toàn công cộng, tài chính, y tế… đến các hoạt động trong hộ gia đình.
Với chuyển đổi số trong ngành năng lượng, trí tuệ nhân tạo AI giúp gia tăng khả năng tính toán, chủ động tự lọc thông tin, xác định và xử lý vấn đề nhanh. Giải pháp sử dụng AI dựa trên phân tích dữ liệu lớn, nhằm giúp phục hồi khả năng cung cấp nguồn điện, hỗ trợ đưa ra đề xuất, tư vấn đầu tư chính xác, mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp.