Mà bên cạnh đó các OEM (nhà sản xuất thiết bị gốc) phải tích hợp cho máy nhiều tính năng hữu ích thay vì chỉ mang tính chất biểu diễn, ít dùng đến. Đặc biệt, cần tung ra các bản cập nhật phần mềm thường xuyên, để cải tiến hiệu suất cũng như bảo mật cho smartphone trước vấn nạn hacker tấn công.
Hãy bắt đầu với Sony, hãng sản xuất smartphone Android nổi tiếng trong nhiều năm qua đang đứng trước biến cố lớn. Thực tế mà nói, Sony chỉ biết chế tác và làm hài lòng người dùng smartphone cao cấp mà thôi. Trong suốt ba năm qua, Sony chỉ mải mê đầu tư cho dòng Xperia Z, kể từ Z1 cho đến Z5 và mới đây nhất là XZ, nhưng model 2016 này vẫn không 'lột xác' gì nhiều so với các phiên bản tiền nhiệm.
Dĩ nhiên, smartphone Xperia đầu bảng của Sony luôn sở hữu các thông số kỹ thuật mới nhất, thiết kế bắt mắt cùng một mức giá cao tương ứng. Nhưng rồi thì sao, cái gì cũng mới mà hệ điều hành Android luôn ở phiên bản cũ, thay vì mới nhất giống như các đối thủ khác (không phải chờ nhận thông báo cập nhật sau khi mua về).
Chưa hết, dù camera của Sony có chất lượng đến đâu mà phần mềm bổ trợ chụp ảnh không xứng tầm thì cũng xem như... thua! Và đây cũng chính là những gì Xperia XZ đang gặp phải: Đẹp ở bên ngoài, cấu hình cao ở bên trong, nhưng hệ điều hành Android 'lỗi thời' và camera chưa thật sự thuyết phục.
Nếu bạn là một fan hâm mộ của Sony, chắc chắn sẽ cảm thấy khá khó chịu khi họ cứ lặp lại những sai lầm tương tự hàng năm. Với Xperia XZ được trình làng hồi đầu tháng 9 này, máy được trang bị các thông số kỹ thuật và phần mềm ngang ngửa với 'siêu phẩm' giá phải chăng Xiaomi Mi 5 ra mắt hồi mùa xuân này, hoặc OnePlus 3 trong tháng 6 vừa qua.
Sony Xperia XZNhư các bạn thấy đó, Sony Xperia XZ chỉ hơn các đối thủ khác ở mặt... giá cao! Hiện vẫn có các sự lựa chọn thay thế tốt hơn trong cùng phân khúc cao cấp của Sony, chẳng hạn như iPhone 7 sẽ được cài sẵn phiên bản hệ điều hành mới nhất - iOS 10 khi bán ra.
Còn về phía Google được cho là sẽ trình làng mẫu smartphone 'made by Google' vào cuối năm nay. Nhiều khả năng trong thời gian tới, mảng smartphone của Sony sẽ gặp phải rất nhiều sức ép từ các đối thủ cạnh tranh và ngày càng 'khó sống' hơn.
Không chỉ có Sony, mà cả HTC cũng chán chường không kém, và giờ nhà sản xuất xứ Đài đang dành nhiều thời gian hơn vào các thiết bị thực tế ảo, điển hình như kính HTC Vive VR. Điều gì đã khiến HTC thay đổi chiến lược kinh doanh ở mảng di động trong 2016? Tất cả cũng là vì HTC 10.
Tuy chiếc smartphone đầu bảng này được mệnh danh là 'ông hoàng âm nhạc', cùng hiệu suất tuyệt vời và camera chất lượng cao, được hãng kỳ vọng sẽ hút khách. Nhưng đời không như là mơ, do giá bán cao (giá quốc tế 699 USD, còn ở Việt Nam gần 17 triệu đồng) nên đã phần nào không kích thích được người mua.
Trong khi phân khúc cao cấp gặp nhiều khó khăn, bộ đôi Desire 530 và 630 lại tỏ ra khá nổi bật ở phân khúc giá bình dân.
Tại IFA 2016 vừa qua, HTC đã trình làng One A9s - phiên bản kế nhiệm One A9 được tung ra thị trường hồi năm ngoái. Nhìn chung One A9s có ngôn ngữ thiết kế tương đồng với tiền bối của mình. Khác biệt có chăng chính là chiếc smartphone Android từng bị lầm tưởng là iPhone 6s ngày nào đã được HTC tái bố trí cụm camera chính trông hợp lý hơn và giúp mặt lưng máy hài hòa hơn.
HTC One A9sTheo giới công nghệ phỏng đoán, ký tự “s” trong tên gọi của chiếc One A9s dường như không hàm ý những cải tiến về tốc độ, hay bất kỳ một chi tiết nâng cấp nào đáng chú ý mà gần như chỉ muốn ngụ ý đây là một “người anh em” của mẫu One A9 và sẽ có mức giá bán rẻ hơn.
Cuối cùng là LG, người bạn cùng quê Hàn với Samsung, nhưng một bên ăn nên làm ra ở mảng di động, còn một bên thất bại thảm hại. Sau nhiều năm gắn bó với thiết kế nhôm nguyên khối 'sang chảnh', năm nay LG quyết định 'đổi gió' với chất liệu nhựa bóng loáng cho mặt lưng của smartphone đầu bảng G5 (do được sơn lên nên trông giống kim loại). Nếu không tính phần mô-đun lắp ghép, xét tổng thể thì ngoại hình của LG G5 không có gì nổi trội.
Về phía Samsung, họ quá thành công với chiếc di động Galaxy S7 mang tính thẩm mỹ cao, cùng hàng tá tính năng hữu ích phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dùng. Ngoài ra, còn có thêm sự lựa chọn hấp dẫn khác đến từ Huawei là P9, chiếc camera-phone sở hữu ống kính kép của Leica, với giá cả phải chăng.
Sau sự thất bại toàn diện của flagship G5, LG đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào mẫu smartphone tiếp theo mang tên V20. Nếu thêm một lần sảy chân, LG có thể sẽ phải trả giá đắt cho tương lai của hãng trên thị trường smartphone thế giới.
LG V20 được cài sẵn Android 7.0 Nougat khi bán ra, 'siêu dế' này ra mắt trước 1 ngày sự kiện công bố iPhone 7 của Apple. Tuy nhiên, hầu như tất cả sự chú ý của mọi người, từ người dùng bình thường cho đến tín đồ công nghệ và cả giới báo chí đều hướng sự chú ý về chiếc smartphone của nhà Táo, nên đã xảy ra một việc khá khôi hài - rất nhiều người còn không biết hôm 7/9 (giờ Việt Nam) là ngày trình làng của LG V20 - sự kiện diễn ra đồng thời ở Mỹ và Hàn Quốc.
[media=https://www.youtube.com/watch?v=bqAkvgQ39Fs]Video giới thiệu LG V20Chắc có lẽ, LG tính đánh phủ đầu Apple, nhưng không ngờ sự việc đã nằm ngoài dự tính. Kể cả đến ngày hôm nay, nhiều trang báo mạng trên toàn cầu cũng chỉ đề cập đến bộ đôi iPhone 7 và các sản phẩm liên quan, chứ ít thấy tin bài bàn sâu về LG V20.
Theo đó, nhiều người dùng không mấy hài lòng với thiết kế của LG V20 và nhất là phần nắp lưng có thể tháo rời. Còn giới chuyên môn không đánh giá cao doanh thu mà chiếc phablet này mang lại cho LG.
Không khó khăn như BlackBerry hay Sony, nhưng HTC và LG cũng được xếp vào danh sách những nhà sản xuất smartphone đang phải đối mặt với một giai đoạn bất định, khi mà chỉ một sai lầm trong chiến lược cũng có thể làm thay đổi tất cả. Bộ tứ quyền lực này vẫn còn một chặng đường đầy gai phía trước.
- 'Tôi đã hết yêu Sony - nhà sản xuất đến từ đất nước mặt trời mọc'
- Thị trường smartphone, chỉ có Samsung và Apple là không bị lỗ
Nguồn: Thế giới di động