Một nhân viên Samsung đang giúp khách hàng mua Galaxy Note7 mới tại một cửa hàng của Samsung ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 2-9-2016. (An employee helps customers purchase a Samsung Electronics’ Galaxy Note 7 new smartphone at its store in Seoul, South Korea, September 2, 2016. REUTERS/Kim Hong-Ji)
Bọn xấu lợi dụng chính sách bảo hành Vàng “bảo hành tại nhà” để lừa đảo người dùng Note7 giao máy cho chúng, có giấy biên nhận hẳn hoi. Anh Trí Thông nói rõ: chế độ bảo hành này chỉ áp dụng trong tình trạng bình thường mà chắc chắn là số lượng cần bảo hành không nhiều. Nhưng trong trường hợp Samsung tự nguyện thu hồi hàng loạt máy đã bán ra để đổi máy mới cho khách hàng, số lượng rất lớn, nằm ngoài khả năng “thu hồi tại nhà” của công ty. Vì vậy, Samsung Vina đề nghị người dùng có nhu cầu đổi lại Note7 cần đem sản phẩm trực tiếp tới các trung tâm chăm sóc khách hàng của Samsung gần nhất.
Nhằm không tạo thêm phiền hà cho khách hàng, Samsung Vina thực hiện quy trình thu đổi máy rất đơn giản, không cần phải qua kiểm tra kỹ thuật. Hễ khách hàng còn giữ đầy đủ hộp và các phụ kiện đi kèm cùng hóa đơn mua hàng là được chấp nhận ngay. Nếu khách hàng có nhu cầu, Samsung Vina sẽ cho khách hàng mượn một chiếc smartphone tầm trung dòng A Series để sử dụng trong thời gian chờ đổi máy mới.
Tập đoàn Samsung trong thông cáo của mình nói rằng phải mất vài tuần mới có thể có máy mới. Giám đốc Truyền thông Samsung Vina mong rằng người dùng hiểu và thông cảm cho hoàn cảnh không ai muốn này. Áp lực đè nặng lên các nhà máy của Samsung vốn đã nặng (do số lượng đặt hàng Note7 vượt mức mong đợi), nay càng nặng thêm do vừa phải sản xuất cho các đơn đặt hàng đợt 2, vừa phải sản xuất thêm sản phẩm đổi cho đợt 1 đã bán ra ở hơn 10 nước tới hơn 2,5 triệu chiếc. Đợt 2 vì thế chắc chắn bị chậm lại (dự kiến trước đây là ngày 9-9).
Ở Việt Nam, Samsung Vina thu đổi các Note7 bán ra từ ngày 19-8 tới ngày 7-9-2016 (căn cứ hóa đơn). Các sản phẩm được bán tại Việt Nam sau ngày 7-9-2016 sẽ không thuộc chương trình thu đổi này mà áp dụng chế độ bảo hành thông thường. Anh Trí Thông giải thích, sau khi có quyết định từ Tập đoàn, Samsung Vina vào ngày 2-9 đã gửi tới các nhà phân phối của mình thông báo ngưng bán Note7. Tuy nhiên, hiểu được điều kiện cụ thế ở Việt Nam, có thể có những đại lý ở vùng xa chưa biết thông tin kịp, nên Samsung Vina quyết định kéo dài thời hạn tới ngày 7-9.
Cũng theo Samsung Vina, tất cả các Note7 được bán ra ở Việt Nam từ ngày 7-9-2016 đổ về trước đều có thể đổi lại Note7 được sản xuất sau sự cố kỹ thuật với nguyên tắc 1 đổi 1 và cùng màu, cùng dung lượng bộ nhớ. Nếu chưa có nhu cầu đổi máy mới trong lúc này, người dùng Note7 được mua trong thời gian đó có thể đổi máy mới bất cứ lúc nào trong vòng 1 năm kể từ ngày mua.
Note7 bị lỗi do viên pin nằm trong máy. Phần có các cực điện quá mỏng làm tăng nguy cơ pin bị chạm điện. Theo tin nước ngoài, có tới 70% số lượng pin Note7 do nhà máy Samsung SDI cung cấp. Phần còn lại do một đối tác Trung Quốc là Amperex Tecnology cung cấp. Hiện nay, Samsung chưa công bố pin lỗi thuộc lô nào và do ai sản xuất. Samsung cũng chưa cho biết sản phẩm bị lỗi do nhà máy nào sản xuất. Trong số 35 trường hợp Note7 bị sự cố pin được Samsung ghi nhận tới nay có 17 ở Hàn Quốc, 17 ở Mỹ và 1 ở Đài Loan. Nhà máy Samsung ở Việt Nam hiện cung cấp số lượng Note7 chiếm 30% tổng số lượng Note7 trên thế giới. Về lý thuyết, lỗi do chất lượng viên pin không phải là lỗi của thiết kế chung sản phẩm hay của dây chuyền sản xuất chung. Tuy nhiên nhà máy có trách nhiệm do để lọt qua hàng rào kiểm nghiệm chất lượng linh kiện.
Công bằng mà nói, với 35 trường hợp lỗi trong tổng số 2,5 triệu sản phẩm đã bán ra và nhiều hơn số đó tổng số sản phẩm đã được sản xuất cho đợt 1, xác suất này rất nhỏ. Nhưng để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình và bảo đảm an toàn tối đa cho người dùng, Samsung đã chủ động thu đổi toàn bộ số Note7 đã bán ra đợt 1. Theo ước tính của giới chuyên môn, Samsung có thể thiệt hại tới 1 tỷ USD cho chương trình thu đổi Note7 này. Con số này chiếm gần 5% tổng doanh thu ròng năm 2016 của Samsung (ước tính 20,6 tỷ USD).
Theo mediaonlinevn.com