Cụ thể hơn, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 31/2015/TT-BTTTT hướng dẫn một số điều của Nghị định 187/2013/NĐ-CP đối với hoạt động xuất, nhập khẩu sản phẩm CNTT đã qua sử dụng.
Chi tiết đáng chú ý nhất là kể từ 15/12/2015, hàng loạt các sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng, bao gồm máy tính xách tay (gồm cả notebook, tablet) cho tới điện thoại di động, hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác sẽ bị cấm nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.
Danh sách cấm nhập khẩu này còn bao gồm nhiều thiết bị điện tử khác như loa thùng, tai nghe có khung choàng đầu, bộ micro/loa kết hợp, camera truyền hình, camera kỹ thuật số, radio cassette bỏ túi, ổ đĩa mềm, ổ đĩa quang, kể cả ổ CD-ROM, ổ DVD và ổ CD có thể ghi được (CD-R), cho tới màn hình LCD, LED và kiểu màn hình dẹt nếu là hàng cũ đã qua sử dụng.
Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu. Riêng với máy photocopy kỹ thuật số đơn sắc (đen trắng) có kết hợp tính năng in hoặc kết hợp tính năng khác đã qua sử dụng, việc nhập khẩu sẽ thực hiện theo quy định của pháp luật.
Trước khi có thông tư mới về việc cấm nhập khẩu từ 15/12 với một loạt sản phẩm CNTT đã qua sử dụng vào Việt Nam, Bộ Công Thương cũng đã có thông tư số 04 về việc cấm nhập khẩu điện thoại di động, máy tính cũ vào Việt Nam từ ngày 20/2/2014. Dù vậy, điện thoại di động, máy tính bảng hay đồ âm thanh cũ vẫn rất phổ biến ở thị trường Việt Nam nhiều năm qua.
Bị cấm nhập khẩu, nhưng ai đặt mua với số lượng bao nhiêu cũng có
Đúng như câu: 'Ông trời không triệt đường người'. Dù cơ quan thực thi pháp luật công khai cấm nhập khẩu, nhưng giới thương gia hàng xách tay vẫn có thể lách luật để nhập hàng về nước theo cách riêng của họ.
Thực tế mà nói, dân buôn hàng xách tay cũng không phải thần thánh gì mà có thể qua mặt được hải quan, chủ yếu phải thuộc nằm lòng câu: 'Đôi bên cùng có lợi'.
Hầu như tuần nào, tháng nào quanh khu vực người Việt cũng có người về Việt Nam thăm người thân và cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất “thính”, ai sắp về là họ biết và lên lịch chuyển hàng.
Lợi dụng chính sách ưu đãi cho Việt kiều về thăm quê hương, các thủ tục hải quan cũng đơn giản. Những hàng hóa quần áo, mỹ phẩm có thể nhiều hơn; các mặt hàng xa xỉ đắt tiền thường chia nhỏ ra, mỗi người xách 2-3 máy tính, vài chiếc đồng hồ, nếu lỡ hải quan hỏi, năn nỉ mãi họ cũng cho qua.
Dĩ nhiên, không phải lúc nào cũng 'thuận buồm xuôi gió', có trường hợp gặp phải nhân viên Cảng vụ Sài Gòn 'quá cứng', các chủ buôn hàng xách tay sẽ chuyển sang 'kế hoạch B'.
Họ vào các trường đại học, thuê nửa lớp cho mượn CMND, địa chỉ rồi gửi danh sách ra nước ngoài… và mọi thứ đâu lại vào đó, hàng chục sinh viên bỗng trở thành người nhà của thân nhân Việt kiều.
Thậm chí, đúng thời điểm thanh tra, kiểm tra, hàng đã nhận nhưng không làm sao ra khỏi sân bay, họ vẫn có cách 'đương đầu với nghịch cảnh' với đủ chiêu trò và nếu tình hình căng quá, họ có thể chịu 'thất thoát' đôi chút để lấy được số hàng.
Dù thế nào, dân buôn vẫn có cách tuồn hàng về Việt Nam. Không vận chuyển được số lượng lớn thì họ chia nhỏ ra kiểu 'tích tiểu thành đại', và rất khó kiểm soát.
Những sản phẩm này cũng là một loại hàng có giá tốt cho người tiêu dùng chọn lựa, nhưng cũng nên cẩn thận vì thị trường cũng nhiều loại hàng 'tào lao' chứ không phải xịn.
- Thực hư về điện thoại xách tay nguyên seal, fullbox tại Việt Nam
- Tiết lộ những chiêu trò của các cửa hàng xách tay không uy tín
- Tại sao smartphone Android cao cấp xách tay có giá rẻ như vậy?
Nguồn: Thế giới di động