Một số bổ sung chính trên phiên bản Android 7.0 Nougat gồm có: Chế độ đa cửa sổ (multi-window) cho phép bạn chạy hai ứng dụng trên màn hình cùng một lúc, bảng thông báo mới và có thể trả lời nhanh tin nhắn trên đó, nhiều biểu tượng cảm xúc mới,...
Google tung ra phiên bản Android mới thì đã sao, những máy Android đời cũ hoặc thậm chí là chỉ mới được tung ra thị trường vài tháng cũng chưa chắc được cập nhật lên Android 7.0. Vấn đề này thực sự không có gì mới khi nhắc đến hệ điều hành mở Android.
Như những gì mà biểu đồ bên dưới cho thấy, Android đang ngày càng bị phân mảnh nghiêm trọng hơn. Tính tới ngày 1/8 vừa qua, chỉ có 15.2% người dùng Android sử dụng phiên bản 6.0 Marshmallow, tăng gấp đôi kể từ tháng 5/2016 ( 7.5%). Tuy có tăng trưởng, nhưng con số tổng vẫn còn quá bé nhỏ cho một phiên bản Android đã ra mắt được 10 tháng với nhiều cải tiến.
Biểu đồ thị phần các phiên bản Android. Bấm vào ảnh để phóng lớn.
Trong khi đó, vẫn còn đến 35.5% người dùng đang sử dụng Android Lollipop và nghiêm trọng hơn 29.2% người dùng còn đang sử dụng Android 4.4 KitKat, một phiên bản Android ra mắt vào cuối năm 2013.
Vấn đề phân mảnh này không hề mới với Google nhưng có vẻ như càng có thêm nhiều phiên bản Android mới thì vấn đề này càng nghiêm trọng hơn. Việc cập nhật Android phụ thuộc vào các hãng sản xuất thiết bị và đôi khi có cả nhà mạng phân phối thiết bị.
Năm này qua năm khác, rất ít hãng có khả năng hoặc sẵn sàng cập nhật phần mềm cho khách hàng dù thiết bị của họ hoàn toàn có thể chạy phiên bản Android mới nhất.
Gần đây, một số hãng thậm chí còn không cam kết sẽ tung ra những bản cập nhật bảo mật hàng tháng theo đúng lịch trình của Google. Việc này khiến Android đã bị phân mảnh lại còn phải chịu các mối đe dọa bảo mật.
Những vấn đề trên của Android nói riết cũng... nhàm. Thử nhìn sang iOS, bạn sẽ dễ dàng nhận thấy hệ điều hành di động của Apple cũng bị phân mảnh nhưng không đáng kể.
Theo thông tin mà trang Developer của Apple đăng tải, tính tới ngày 15/8, 87% người dùng thiết bị di động của Apple đã cập nhật lên phiên bản iOS 9. 10% vẫn gắn bó với iOS 8 ra mắt năm 2014 và chỉ 3% còn sử dụng những phiên bản iOS cũ hơn.
iOS của Apple cũng bị phân mảnh nhưng không đáng kể. Bấm vào ảnh để phóng lớn.
Điều này không đồng nghĩa với việc iOS tốt hơn so với Android. Đúng hơn là nó cho thấy Google đang gặp khó trong việc đối mặt với vấn đề cơ cấu toàn ngành công nghiệp trong khi Apple đã xuất sắc kiểm soát được.
Sự xuất hiện của Android Nougat cũng chẳng làm cho tình hình phân mảnh khá hơn. Hiện tại, nếu luôn muốn nhận được các bản cập nhật phần mềm định kỳ, bạn nên chọn mua thiết bị Nexus - đây được xem là giải pháp tối ưu vào thời điểm này.
Tuy nhiên, mới đây ngay cả thiết bị Nexus cũng bị giới hạn, Google vừa công bố rằng Nougat không hỗ trợ Nexus 5 và Nexus 7 ra mắt năm 2013. Trong khi đó, Apple vẫn hỗ trợ cập iOS 10 cho iPhone và iPad đời cũ.
Nếu muốn thay đổi tình hình Google phải thực hiện những thay đổi lớn về mặt kỹ thuật để có thể tự cập nhật Android cho các thiết bị. Hoặc phải thay đổi hợp đồng với các hãng sản xuất thiết bị, gây áp lực buộc họ phải cập nhật phần mềm nhanh hơn và thường xuyên hơn.
Gần đây nhiều nguồn tin rò rỉ cho biết, Google có thể tự sản xuất một mẫu điện thoại của riêng họ để cạnh tranh trực tiếp với iPhone. Cũng có tin đồn cho rằng Google đang phát triển một hệ điều hành hoàn toàn mới.
Một thế hệ điện thoại mới mang thương hiệu Google và chạy hệ điều hành hoàn toàn mới sẽ giúp Google kiểm soát toàn bộ hệ thống tốt hơn như cách mà Apple thực hiện trong nhiều năm nay.
Smartphone của bạn hiện tại đang chạy Android bao nhiêu? Bạn có cảm thấy hài lòng chưa?