Có thể nói, OPPO luôn là hãng đi đầu về những công nghệ, phân cứng và đặc biệt là những chức năng mới được trang bị cho camera trên smartphone.
Chiếc OPPO U705T Ulike 2 được cho là chiếc smartphone đầu tiên có tính năng “làm đẹp” với camera selfie 5MP ở mặt trước.
Chiếc Oppo Find 5 được ra mắt vào tháng 9 năm 2012 là một trong những chiếc smartphone được trang bị màn hình 1080p đầu tiên (tiếc là danh hiệu đầu tiên đã thuộc về HTC Droid DNA). Thậm chí vào thời điểm đó, 1080p là độ phân giải đa phần chỉ xuất hiện trên những chiếc TV. Nghe có vẻ là điều không thể nhưng với sức mạnh của con chip Snapdragon S4 Pro (Snapdragon 600 tại Trung Quốc) thì mọi chuyện vẫn có thể làm được.
OPPO tiếp tục dẫn đầu khi chiếc Find 7 lại là chiếc smartphone đầu tiên sở hữu màn hình QHD. Tấm nền có kích thước 5.5” được sản xuất bởi JDI cho mật độ điểm ảo cao kỷ lục vào thời điểm đó, lên tới 538ppi.
Có một phiên bản khác sở hữu màn hình 1080p là Find7a. Nếu bạn chưa biết thì chiếc OnePlus One hồi đó cũng dựa trên cấu hình này, không ngạc nhiên hơn khi vị CEO của OnePlus – Pete Lau đã từng làm kỹ sư tại OPPO trong 15 năm.
OPPO Find 7 có khả năng chụp ảnh Ultra-HD. Máy sẽ chụp 10 ảnh với độ phân giải 13MP, sau đó sẽ xử lý và cho ra bức ảnh với độ phân giải lên tới 50MP. Dù chất lượng ảnh không thể vượt qua camera 38MP trên Lumia 1020 (được xem là kẻ độc cô cầu bại về camera thời đó), nhưng ảnh chụp từ OPPO vẫn đẹp hơn so với các máy đắc tiền khác.
Điểm ấn tượng khác trên chiếc Find 7 là công nghệ sạc nhanh VOOC mà Oppo vẫn nghiên cứu, phát triển và sử dụng đến bây giờ. Nó cho công suất lên tới 20W với hiệu điện thế thấp chỉ 5V. Hầu hết các công nghệ sạc nhanh khác lúc bấy giờ đều hoạt động ở hiệu điện thế cao cho nên sinh ra nhiệt khá lớn. Nhưng với VOOC từ Oppo, đây là công nghệ có thể sạc điện thoại nhanh nhất bấy giờ mà vẫn giữ cho điện thoại không bị nóng.
OnePlus một lần nữa lại được thừa hưởng từ OPPO. Tính năng Dash Charge về cơ bản chính là VOOC được đổi tên lại. Với những thế hệ sau, Oppo đã cho ra mắt Super VOOC cho công suất lên đến 50W – công nghệ này đã có mặt trên chiếc Oppo R17 Pro và một số phiên bản của Find X.
Cuối cùng ông Lau – vị CEO của OnePlus bây giờ cũng “leo” lên vị trí phó chủ tịch của OPPO và góp phần vào việc phát triển chiếc Oppo N1. Ngoài bản ROM ColorOS từ OPPO, đây là chiếc smartphone đầu tiên chính thức hỗ trợ CyanogenMod – một bản ROM được tinh chỉnh với nhiều tính năng được tích hợp thêm nhưng vẫn có hiệu năng không thua kém gì ROM gốc từ Google.
Chiếc Oppo N1 nổi bật với cụm camera có thể xoay được, camera chính có cảm biến 1/3.06 inch, độ phân giải 13MP, khẩu F/2.0. Và khi bạn xoay cụm camera 180 độ thì nó sẽ thấy một trong những camera selfie đẹp nhất thế giới ở thời điểm đó.
Máy cũng có một khu vực cảm biến ở mặt lưng được Oppo gọi là O-Touch pad. Hầu hết được sử dụng để thực hiện các thao tác cuộn, nhấn đúp để khởi chạy ứng dụng chụp ảnh và có thể sử dụng như một nút chụp ảnh. Thật tiếc khi Oppo lại không tiếp tục phát triển và sử dụng tính năng này, đây là một tính năng rất hữu ích để dùng máy 1 tay. Một số người từng dùng chức năng này đánh giá nó còn “ngon” hơn tính năng bóp của hTC nhiều.
Bạn phải xoay cụm camera trên N1 bằng tay nhưng “hiểu nổi lòng” chiếc N3 trang bị một motơ giúp cụm camera có thể xoay tự động. Không dừng lại ở đó, việc trang bị motơ này còn giúp bạn chụp ảnh panorama đẹp hơn, bạn chỉ việc cầm chắc máy, việc xoay sẽ được máy thực hiện tự động.
Chiếc Oppo N3 cũng là chiếc smartphone đầu tiên của Oppo được trang bị tính năng quét vân tay. Cảm biến được đặt ở mặt lưng của máy, nằm ở vị trí đã từng được sử dụng cho tính năng O-Touch pad trước đó. Đặc biệt, cảm biến vân tay trên N3 vẫn hỗ trợ cử chỉ vuốt để xoay cụm camera.
Năm 2016, Sony chính thức cung cấp cảm biến ảnh IMX398 cho OPPO và xuất hiện lần đầu tiên trên mẫu Oppo R9s và Oppo R9s Plus. Chi tiết về bộ cảm biến này có vẻ hơi “ồn ào” – không phải là công nghệ lấy nét Dual Pixel, nhưng Oppo cho biết nó còn tốt hơn công nghệ lấy nét theo pha (Phase Detection AF) thông thường. Cảm biến này về sau cũng được OnePlus sử dụng, gần đây nhất là trên chiếc OnePlus 5T.
Sự dẫn đầu của OPPO tiếp tục trên chiếc Oppo F3 Plus – được mệnh danh là “chuyên gia selfie”, là chiếc smartphone đầu tiên của công ty sở hữu camera selfie kép đồng thời được trang bị tính năng “làm đẹp” như trên chiếc Ulike 2. Một phiên bản nhỏ hơn là chiếc Oppo F3 cũng được ra mắt vài tháng sau đó.
Bộ đôi OPPO R11 và OPPO R11 Plus ra mắt sau đó cuối cùng cũng có camera kép ở phía sau (camera chính sử dụng cảm biến IMX398 từ chiếc R9s cùng với camera tele sử dụng cảm biến IMX376). Rất tiếc 2 chiếc máy này chỉ sở hữu 1 camera selfie, nhưng độ phân giải lên tới 20MP.
Trên là những điểm nhấn, những chiếc máy làm nên tên tuổi của OPPO trên thị trường di dộng, câu chuyện dù ngắn chỉ mới 6 năm nhưng rất “ngọt”. Những mẫu smartphone đến từ OPPO trong thời gian gần đây tập trung vào trải nghiệm màn hình và các tính năng camera.
Họ không còn dùng độ phân giải QHD nữa, nhưng những mẫu như Oppo R17 Pro đang tiên phong khi sở hữu cảm biến vân tay tích hợp bên dưới màn hình và tai thỏ nhỏ hơn. Chiếc smartphone này cũng được trang bị cảm biến 3D ToF – là cơ hội mới cho công nghệ nhận diện khuôn mặt, cử chỉ và hành động, chụp ảnh 3D và AR,...
Đó là Oppo – họ không ngại thử nghiệm các tính năng mới, những công nghệ và phần cứng mới. Họ luôn được đánh giá là một trong những công ty sáng tạo nhất và ghi được nhiều 'cái đầu tiên nhất' trong 6 năm qua.
@hieucocc | TECHRUM | GSMArena