Theo Cnet, nguyên mẫu đầu đọc vân tay nằm phía dưới màn hình mà Qualcomm vừa mới trưng bày rất có thể sẽ được trang bị cho chiếc Galaxy S10 dự kiến ra mắt vào đầu năm 2019.
Đón đầu xu thế tất yếu
Hành động của Samsung (nếu thông tin chính xác) hoàn toàn phù hợp với xu thế loại bỏ nút vật lý và mở rộng không gian, tăng tỷ lệ hiển thị ở mặt trước. Hiện nay, viền màn hình ngày càng bị thu hẹp dẫn đến việc cảm biến vân tay bị dời ra phía sau, khiến người dùng đôi khi cảm thấy không thuận tiện trong việc mở khóa điện thoại đang nằm trên mặt bàn.
Trước đó, cảm biến vân tay dưới màn hình bị hoài nghi về tính chính xác cũng như độ ổn định của quá trình nhận diện. Tuy nhiên, chỉ trong nửa năm trở lại đây, những chiếc điện thoại với cảm biến nằm phía dưới màn hình như Vivo X21 UD, Vivo NEX, Huawei Mate RS Porsche Design đã lần lượt ra đời và nhận được phản hồi khá tích cực.
Trải nghiệm cảm biến vân tay dưới màn hình trên Vivo X21 UD
Cả 3 chiếc điện thoại vừa nêu đều sử dụng công nghệ quang học, khác với kỹ thuật sóng siêu âm của Qualcomm. Nhưng dù các hãng sản xuất lựa chọn hình thức nào, đầu đọc vân tay dưới màn hình được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh vào năm sau.
Cụ thể, theo dự đoán của hãng nghiên cứu tiêu dùng IHS Markit, sẽ có 100 triệu điện thoại được trang bị cảm viến vân tay nằm dưới màn hình trong năm 2019.
Công nghệ của Qualcomm hoạt động như thế nào?
Cảm biến siêu âm của Qualcomm sử dụng sóng âm thanh để tạo ra bản đồ vân tay. Công nghệ này có một số lợi thế như: đọc được ngón tay đang ướt (vì sóng có thể đi qua chất lỏng), tỷ lệ từ chối chỉ 1%, thời gian trễ chỉ 250 mili giây – không hề thua kém đầu đọc vân tay dùng cảm biến điện dung truyền thống trên nút home của iPhone 8 hay Galaxy S9.
Ngoài ra, cảm biến siêu âm chỉ dày 0.15 mm, đảm bảo độ mỏng của thiết bị và hoạt động được thông qua kính hoặc kim loại. Sóng siêu âm cũng có thể sử dụng để theo dõi lưu lượng máu / nhịp tim.
Tạo sự khác biệt nhân dịp kỷ niệm 10 thế hệ Galaxy S
Qualcomm đã giới thiệu công nghệ siêu âm vào tháng 6 năm ngoái nhưng không được nhiều smartphone sử dụng. Nguyên nhân là do sóng siêu âm chỉ hoạt động thông qua màn hình OLED dẻo, theo chia sẻ từ Gordon – Giám đốc Quản lý sản phẩm Qualcomm.
Trong khi đó, điện thoại thông thường sử dụng màn hình OLED cứng tồn tại khoảng trống không khí ngăn chặn áp lực sóng đi qua. Ví dụ: Honor 10 phải đặt cảm biến vào phần kính ở cạnh dưới vì nó không hoạt động thông qua màn hình.
Honor 10 sử dụng cảm biến vân tay siêu âm đặt ở phần viền trống phía dưới
Hiện tại, chỉ có 2 công ty sử dụng màn hình OLED dẻo ở quy mô lớn là Apple và Samsung. Tuy nhiên, do Apple đang đấu tranh quyết liệt với Qualcomm về những bằng sáng chế, khả năng “Táo khuyết” trở thành khách hàng của hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới có vẻ không khả thi.
Nghĩa là, chỉ còn Samsung đủ tiềm lực, sử dụng công nghệ phù hợp và có nhu cầu về loại cảm biến mới, bởi công ty Hàn Quốc đang rất cần tạo nên điều gì đó khác biệt cho dịp kỷ niệm chiếc Galaxy S thứ 10 ra đời.
Tech Funny