Đầu tuần này, OPPO vừa ra mắt Find X với tỷ lệ màn hình trên thân máy lên đến 93.8%, một kỷ lục. Họ làm được điều đó nhờ đặt khay trượt chứa cả camera trước và sau nhô lên khỏi cạnh trên khi cần sử dụng.
Trước đó, Vivo cũng giới thiệu chiếc NEX đạt tỷ lệ hiển thị mặt trước là 91.24%. Thiết bị này vẫn giữ camera ở phía sau như bình thường nhưng camera trước được thiết lập trở thành một bộ phận pop-up nhỏ, tức sẽ bật lên khi kích hoạt máy ảnh. Ngoài ra, nó còn có cảm biến vân tay nằm dưới màn hình – bộ phận cũng đồng thời đóng vai trò là loa thoại.
Cơ chế camera trượt trên OPPO Find X
Sự ra mắt của OPPO Find X lẫn Vivo NEX đại diện cho quá trình nghiên cứu và phát triển không ngừng của các hãng công nghệ nhằm mang lại cho người dùng trải nghiệm về màn hình “không viền” thực sự. Tuy nhiên, theo Android Authority, đó cũng có thể là mánh lới về phần cứng mà họ sử dụng để tạo ra chiếc điện thoại trông nổi bật.
Camera sử dụng kết cấu cơ khí chưa hẳn là cách làm đúng
Không có nghi ngờ gì về việc smartphone toàn màn hình trông đẹp hơn, nhưng thiết lập các bộ phận dịch chuyển để đạt được điều đó không hẳn đã là con đường thích hợp. Điều dễ nhận thấy nhất ở kiểu thiết kế này là các thành phần cơ khí sẽ được nâng lên, hạ xuống rất nhiều lần.
Nghĩa là, chúng có thể bị hao mòn và hư hỏng theo thời gian. Dù cả OPPO lẫn Vivo đều tuyên bố đã kiểm tra độ bền cho các bộ phận cơ khí trên Find X và NEX để đảm bảo chúng sẽ không bị hỏng, chúng ta vẫn cần thời gian kiểm nghiệm trong quá trình sử dụng thực tế.
Cơ chế camera bật lên của Vivo NEX
Nhưng ngay cả khi không bị hỏng, chúng vẫn phải đối mặt với nhiều vấn đề khác. Bạn không thể lắp ốp lưng cho Find X nếu như muốn chụp ảnh tự sướng. Cơ chế thanh trượt cũng khiến điện thoại tiếp xúc nhiều hơn với bụi, nước và trở nên khó bảo vệ, từ đó đặt ra nhiều thách thức cho chủ sở hữu.
Và những mánh lới quảng cáo về phần cứng khác
Không chỉ camera trượt mới xuất hiện trên Vivo NEX hay OPPO Find X, những “chiêu trò” về phần cứng đã nhiều lần được các hãng sản xuất áp dụng.
Chẳng hạn, Motorola đã quảng bá loạt phụ kiện Moto Mods cho dòng Moto Z vài năm nay. Các phụ kiện sẽ kết nối với điện thoại qua nam châm và cung cấp nhiều tính năng bổ sung như ống kính camera, pin dự phòng, loa hay tay cầm chơi game.
Smartphone Motorola kết nối với phụ kiện Moto Mods
Bên cạnh đó, còn có Essential Phone với chấu kết nối từ tính và giao thức truyền dữ liệu không dây để gắn thêm dock sạc hay camera 360 độ. LG cũng từng cố gắng tạo đột phá với thiết kế mô đun trên G5 cho phép tháo rời máy để lắp phụ kiện ngoài, nhưng không để lại ấn tượng gì.
Gần đây, xu hướng làm điện thoại chuyên chơi game đang bắt đầu nổi lên. Các nhà sản xuất đưa vào sản phẩm tính năng phần cứng như màn hình có tần số quét 90Hz (hoặc thậm chí lên đến 120Hz), hệ thống làm mát và đặc biệt là vi xử lý được ép tốc độ xung nhịp lên cao hơn.
Cũng đừng quên chiếc Red Hydrogen One đã ra mắt và sẽ phát hành vào cuối năm nay. Nó sở hữu mặt sau có thể lắp thêm ống kính cùng màn hình 3D được giới thiệu là cung cấp cho cả video có sẵn lẫn video trực tiếp một giao diện 3 chiều, tạo cảm giác như vật thể 'nhảy ra khỏi màn hình'.
Red Hydrogen One
Ngoài ra, rất có thể màn hình dẻo cho phép gập lại sẽ là “chiêu bài” được các hãng áp dụng trong tương lai. Hiện nay, đã xuất hiện những tin đồn về việc Samsung đang nghiên cứu về một chiếc điện thoại như vậy và sẽ ra mắt vào năm 2019, còn Huawei cũng đang phát triển điện thoại màn hình 8 inch có thể gập lại, dự kiến ra mắt cuối năm 2018.
Vẫn có những phần cứng thực sự hữu ích
Bên cạnh việc mang ý nghĩa quảng cáo, một số phần cứng cung cấp các chức năng thực sự hữu ích, chẳng hạn như hệ thống 3 camera trên Huawei P20 Pro, cảm biến vân tay trong màn hình và màn hình đóng vai trò là loa của Vivo NEX hay camera hồng ngoại để mở khóa bằng cách nhận diện gương mặt đang dần trở nên phổ biến ở nhiều mẫu điện thoại.
Cảm biến vân tay nhúng dưới màn hình của Vivo
Tất cả vì sự sinh tồn trong cuộc chiến khốc liệt
Các nhà sản xuất smartphone hiểu rằng, họ không thể phát hành smartphone cao cấp mỗi năm chỉ với chip nhanh hơn, RAM – ROM lớn hơn và màn hình độ phân giải cao hơn. Đây đã là xu hướng của vài năm trước.
Bây giờ, khi bất kỳ công ty nào cũng có thể làm được những thứ vừa nêu, họ phải tìm cách khác để sản phẩm trở nên nổi bật. Các tính năng phần cứng, dù nằm bên trong thiết bị hay có thể nhìn thấy ở ngoài, chính là công cụ để tạo ra sự khác biệt cho điện thoại.
Một bằng sáng chế mô tả điện thoại màn hình gập của Samsung
Sau này, thời gian sẽ chứng minh đâu là những tiến bộ thực sự và đâu là những xu hướng nhất thời, chỉ mang tính quảng cáo rồi nhanh chóng biến mất. Với cá nhân bạn, bạn nghĩ phần cứng nào được liệt kê trong bài viết sẽ được sử dụng về lâu dài? Cùng chia sẻ quan điểm thông qua phần bình luận ở bên dưới nhé.
Tech Funny