Nhiều trở ngại cho các nhà sản xuất điện thoại Android
Galaxy S6 chỉ mới trải qua 3 năm tuổi đời (ra mắt năm 2015) đã bị ngừng hỗ trợ nâng cấp phần mềm dù đây chính là sản phẩm mở đầu cho kỷ nguyên thành công mới của Samsung với hàng loạt cải tiến về thiết kế, vi xử lý, sạc không dây, màn hình cong,...
Việc này gây ra nhiều khó hiểu, bởi Samsung không có lý do gì để ngừng hỗ trợ phần mềm. Cũng giống như iPhone, Samsung kiểm soát tất cả phần cứng của điện thoại Galaxy và có đủ tầm ảnh hưởng để tác động đến phần mềm, ít nhất là cho những lỗ hổng bảo mật thường thấy.
Tuy nhiên, như vừa nêu trên, Galaxy S6 đã không còn được nâng cấp phần mềm mà Samsung chỉ hỗ trợ cập nhật bảo mật đến tháng 10/2020.
Cả hãng sở hữu hệ điều hành Android là Google cũng không đưa ra một lộ trình rõ ràng: Có thể có những bản cập nhật bảo mật dành cho phiên bản Android cũ hơn, nhưng firmware cho smartphone Nexus lại bị hạn chế. Năm ngoái là Nexus 6, còn năm nay là Nexus 5X và 6P: Chúng sẽ chạy Android 8, nhưng không còn nhận cập nhật bảo mật kể từ mùa thu (khoảng tháng 9).
Một số công ty khác không phát hành cập nhật bảo mật sớm hoặc không thực hiện thường xuyên và giải thích: Họ phải phụ thuộc vào driver của vi xử lý hoặc gặp trục trặc với nhà cung cấp là Google.
Ngược lại hoàn toàn, iPhone 5 dù trình làng vào tháng 9/2013 vẫn nhận bản vá bảo mật vào tháng 2/2018, nghĩa là sau gần 5 năm. Apple chưa bao giờ cho phép các nhà cung cấp hoặc nhà sản xuất chip bên thứ ba gây trở ngại cho việc cập nhật.
Smartphone Android làm cách nào để cạnh tranh với Apple?
Hiện nay, với dự án Project Treble (tái kiến trúc Android), Google đang nỗ lực loại bỏ các trở ngại trong việc nâng cấp phần mềm, giúp các nhà sản xuất dễ dàng nâng cấp hệ điều hành và chống tình trạng phân mảnh. Họ có thể dễ dàng cài đặt và “lên đời” Android cho những thiết bị có cấu hình thấp, chạy chip Qualcomm đời cũ.
Trên trang tổng quan về cập nhật bảo mật Android hàng tháng, bốn nhà sản xuất smartphone Android đã liệt kê thiết bị nào của họ tham gia vào chương trình. Bên cạnh Google còn có LG, Motorola và sau đó là Samsung gia nhập. Tại đây, bạn có thể thấy Moto G (ra mắt tháng 11/2013) được cập nhật lần cuối vào tháng 2/2017.
Dẫu vậy, vấn đề quan trọng là:
- Chương trình thiếu vắng rất nhiều nhà sản xuất.
- Chỉ một tỷ lệ nhỏ smartphone của các nhà sản xuất trên nhận được cập nhật bảo mật.
- Không điện thoại Android nào được cập nhật trong thời gian dài như iPhone.
Bạn có thể cho rằng 3 năm cập nhật là đủ, vì sau tất cả, đồ công nghệ rồi sẽ lỗi thời. Nhưng vấn đề là khi pin không thể thay thế (mà đây lại là bộ phận quan trọng để giữ máy hoạt động đáng tin cậy) và không có cập nhật, thiết bị sẽ dễ dàng bị tổn thương trước số lượng các lỗ hổng bảo mật ngày càng tăng.
Để bảo vệ môi trường, chúng ta cần sử dụng smartphone, tablet lâu hơn. Chỉ có điều, do các thiết bị không an toàn và nhà sản xuất cũng không cập nhật phần mềm, việc sử dụng bền vững trong thời gian dài là không thể, đặc biệt là khi mỗi tháng có hàng chục lỗ hổng được phát hiện, lại thường liên quan đến vấn đề quan trọng là thanh toán điện tử.
Vì không có quyền kiểm soát tính sẵn có của bản cập nhật, nếu không mua sản phẩm mới hơn thì người dùng sẽ phải đối mặt với rủi ro về bảo mật.
Kết: Apple vẫn “vô đối” ở khoản cập nhật phần mềm
Smartphone Android vẫn có nhiều ưu điểm, nhưng thua tuyệt đối iPhone ở khoản nâng cấp phần mềm. Thời gian hỗ trợ 5 năm của Apple đơn giản là tốt hơn so với 3 năm bên phía Android (mà lại chỉ dành cho chưa đến 1% số thiết bị).
Với bạn, việc smartphone Android không hỗ trợ cập nhật lâu dài trên có phải là vấn đề quan trọng? Bạn có mua một chiếc iPhone vì nó được hỗ trợ lâu hơn không? Cùng chia sẻ quan điểm thông qua phần bình luận ở bên dưới nhé.
Tech Funny