Tuy nhiên, một nguồn tin uy tín gần đây cho thấy, chiến lược này rất có thể sẽ thay đổi lớn trong tương lai. Theo tin từ thời báo The Korea Times, Samsung đang nghiêm túc lên kế hoạch để khai thác và sử dụng hệ điều hành “cây nhà lá vườn”, mà hãng đã tự phát triển lâu nay là Tizen, cho tất cả các dòng sản phẩm trong tương lai.
Thực tế, ý tưởng này đã râm ran kể từ khi Samsung bắt đầu sản xuất một số sản phẩm trên nền hệ điều hành này như smartwatch Samsung Gear hay dòng điện thoại giá rẻ Samsung Z.
Mặc dù bấy lâu nay Tizen không phải là lựa chọn ưu tiên của hãng, phần nhiều là do phong cách chậm chạp cố hữu trong hoạt động nghiên cứu phát triển các nền tảng phần mềm và hệ sinh thái. Nhưng điều này sẽ sớm thay đổi bởi các sản phẩm chạy Tizen OS đang chứng minh được kết quả rất khả quan.
Mẫu đồng hồ thông minh Samsung Gear S2 được người dùng đón nhận khá nồng nhiệt và giới chuyên môn đánh giá là smartwatch tốt nhất từ trước đến nay của Samsung.
Chiếc smartphone giá rẻ Samsung Z1 khi được Samsung giới thiệu tại thị trường Ấn Độ đã tạo ra một cơn sốt ngoài dự kiến, khiến hãng phải nhanh chóng cho ra đời mẫu Z3. Việc 64 triệu chiếc Samsung dòng Z tiêu thụ tính tới hết quý I năm nay đã chứng minh cho khả năng cạnh tranh của Tizen.
Tuy chậm chạp đổi mới, nhưng phải thừa nhận các thiết bị Samsung đang ngày càng trở nên tốt hơn, không chỉ về thiết kế mà còn là phần cứng. Tuy nhiên, việc phụ thuộc hoàn toàn vào một hệ điều hành, với điểm yếu “luôn phân mảnh” như Android, sẽ không thể giúp Samsung thống trị giới công nghệ.
Samsung sẽ cần đến một hệ sinh thái của riêng mình, và Tizen chính là một tiền đề không chỉ tốt hơn. Hệ điều hành này không chỉ chứng minh hiệu quả sử dụng trong thực tế mà tiềm năng của nó không chỉ dừng lại ở các thiết bị di động.
Bằng chứng là đầu năm nay Samsung đã tiếp tục mang Tizen lên tủ lạnh thông minh, mở ra hướng đi của tương lai để điều khiển tất cả các thiết bị gia dụng kỹ thuật số của hãng như tivi, loa, máy giặt, điều hòa…
Trong xu hướng các đối thủ cạnh tranh đang tiến dần sang công nghệ nhà thông minh (Smart Home) và internet vạn vật (IoT), Tizen sẽ có thể đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là nền tảng chung kết nối mọi thứ.
Viễn cảnh của ngành công nghệ sẽ dần chuyển từ mô hình Business-to-Consumer (B2C) sang Business-to-Business, nghĩa là tập trung hơn vào người dùng doanh nghiệp và các giải pháp nền tảng hơn là chỉ đơn thuần về thiết bị đầu cuối.
Dù cũng là hệ điều hành mã nguồn mở như Android, nhưng Tizen đã được định hướng với khả năng tùy biến linh hoạt hơn. Tiềm năng là rất sáng sủa, nhưng để Tizen trở thành xương sống của hệ sinh thái sản phẩm trong tương lai cũng như tăng trưởng thị phần thì không đơn giản.
Samsung trước hết cần đầu tư và khuyến khích các nhà phát triển phần mềm bên thứ ba một cách mạnh mẽ hơn. Bài học thất bại vì kho ứng dụng nghèo nàn của Windows Mobile sẽ là một thách thức không hề nhỏ cho bước chuyển chiến lược này.
Theo thegioididong.com