Vừa qua thì mình cũng đã mượn để trên tay được dòng ASUS GTX 1070 Ti ROG STRIX Advanced Gaming, một trong những bản cao cấp nhất được bán tại Việt Nam.
Thông số kỹ thuật
- Tên sản phẩm: ASUS GTX 1070 Ti ROG STRIX Advanced Gaming
- Bộ xử lý đồ hoạ: GTX 1070 Ti
- Số nhân CUDA: 2432
- Xung nhịp mặc định: 1607 MHz (mặc định)/1683 MHz (OC)
- Xung nhịp boost: 1683 MHz (mặc định)/1759 MHz (OC)
- Bộ nhớ đồ hoạ: 8 GB GDDR5 8Gps
- Cổng kết nối: 1 DVI, 2 HDMI 2.0, 2 DisplayPort
- Cổng nguồn phụ: 1 cổng 8 pin
- Kích thước: 29,8 x 13,4 x 5,25 cm
- Giá tham khảo: 15,5 triệu đồng
- Bảo hành: 3 năm
Thiết kế đẹp, độ hoàn thiện cao
Mặc dù mang tên GTX 1070 Ti, tuy nhiên nếu xét về bản chất dòng card mới lần này lại có nhiều điểm tương đồng với GTX 1080 hơn là GTX 1070. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi ASUS GTX 1070 Ti ROG STRIX Advanced Gaming sử dụng lại tản nhiệt cao cấp nhất của... GTX 1080 Ti STRIX.
Nếu bạn từng thấy những dòng card cao cấp của ASUS thì bản GTX 1070 Ti ROG STRIX Advanced Gaming (mình sẽ gọi tắt là Strix 1070 Ti) sẽ mang lại cảm giác rất quen thuộc. Mặt nạ sử dụng toàn bộ là tông màu đen, kết hợp với những đường nét góc cạnh để mang lại sự hầm hố của ngoại hình của card.
Nếu chú ý vào những đường rãnh trên mặt nạ, bạn sẽ dây LED RGB được hãng ẩn bên trong. Khi sử dụng thì chúng sẽ sáng, giúp người dùng có thể tuỳ biến tốt hơn cũng như tạo sự linh động cho ngoại hình của sản phẩm. Đây là xu hướng mới, thay thế cho việc sử dụng màu sơn cố định cho mặt nạ trước đây.
Strix 1070 Ti được trang bị 3 quạt, với cánh được thiết kế đặc biệt để tăng lượng gió và giảm độ ồn.
Điểm ăn tiền nhất của Strix 1070 Ti và những dòng card cao cấp chính là khối tản nhiệt được làm rất hoành tráng. Bạn có thể thấy 5 ống đồng được mạ niken dẫn nhiệt từ CPU phân tán lên hệ thống lá tản nhiệt chi chít. Vẫn theo truyền thống, độ hoàn thiện của các chi tiết luôn là điểm nổi trội của ASUS, vốn tự động hoá 100% các công đoạn sản xuất.
Ốp lưng (back plate), tính năng giờ đây có thể xem như không thể thiếu trên các dòng card đồ hoạ từ tầm trung trở lên. Đối với Strix 1070 Ti thì nó chỉ có nhiệm vụ chống cong và bảo vệ mặt lưng của card mà thôi; một số dòng khác như Founder Edition thì còn hỗ trợ cả tản nhiệt. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, tản nhiệt custom của ASUS đã rất hiệu quả rồi nên nhìn chung dùng ốp hỗ trợ cũng không cần thiết.
Mặc dù là phiên bản cao cấp nhất, tuy nhiên Strix 1070 Ti vẫn chỉ có 1 cổng cấp nguồn 8 pin. Nguyên nhân của việc này là do Nvidia hạn chế việc ép xung của các đối tác với chip GTX 1070 Ti. Chúng ta sẽ tìm hiểu nhiều hơn trong phần hiệu năng.
2 chân cắm SLI cho phép bạn có thể chạy 2 card song song để tăng hiệu năng, điều chỉ có ở các dòng card GeForce 10 từ 1070 trở lên.
Nhìn ở góc độ này thì bạn sẽ thấy khối tản nhiệt của Strix 1070 Ti rất hoành tráng với rất nhiều lá nhôm xếp sát nhau. Đánh đổi lại thì card sẽ chiếm 2,5 slot khi gắn vào thùng máy.
2 HDMI, 2 DisplayPort, 1 DVI; nói chung là đầy đủ các cổng ăn chơi cho game thủ sử dụng.
Về tổng thể thiết kế, tính thẩm mỹ thì tuỳ gu của mỗi người nhưng xét về góc độ kỹ thuật thì chúng ta khó có thể đòi hỏi gì hơn ở Strix 1070 Ti. Câu hỏi tiếp theo là hiệu năng của nó ra sao:
Hiệu năng tương xứng với mức giá 15,5 triệu đồng
Trước khi bước vào nhận xét về hiệu năng, các bạn cần lưu ý một điều là đối với GTX 1070 Ti thì Nvidia không cho các đối tác tung ra những dòng card với BIOS ép xung sẵn. Điều này có lẽ là động thái của hãng để bảo vệ GTX 1080, vốn bị GTX 1070 Ti bám rất sát về hiệu năng. Chính vì vậy mà nếu như mọi khi các bạn thường thấy những dòng cao cấp của ASUS có ký hiệu là OC (Overclocked, ép xung) thì lần này là Advance Gaming (nói nôm na là hàng tuyển). Dĩ nhiên, đối với người dùng cuối thì cũng không có vấn đề gì nhiều lắm, bởi ASUS tích hợp sẵn chế độ OC trong ứng dụng ASUS GPU Tweak II và bạn chỉ việc kích hoạt thôi.
Để thử nghiệm hiệu năng của Strix 1070 Ti thì mình xây dựng hệ thống như sau: CPU Core i7-8700K, main GIGABYTE Z370 Ultra Gaming, 16 GB Corsair Vengence RGB DDR4-3000, 120 GB SSD Corsair MP500, PSU FSP Raider 650. Tất cả các phép thử đều ở độ phân giải FullHD với hiệu ứng tối đa (trừ bật khử răng cưa); không gian thử nghiệm là phòng máy lạnh 24 độ. Kết quả như sau:
3DMark FireStrike Ultra - 4725 điểm GPU
3DMark Time Spy - 6763 điểm GPU
Doom 2013 - Trung bình 190 fps
Battlefield 1 - Trung bình 122 fps
The Witcher 3 - Trung bình 69 fps
Rise of The Tomb Raider - Trung bình 130,52 fps
Sử dụng ứng dụng After Burner, chúng ta có thể thấy được tình trạng của card khi hoạt động:
Các thông số trên mục GPU lần lượt là hạn mức điện năng tiêu thụ (85%), nhiệt độ (63 độ), mức tải (98%) và xung nhịp (1924 Mhz). Như mọi khi, trong điều kiện lý tưởng thì V-core mặc định của Strix 1070 Ti cho phép xung nhịp boost (chế độ OC) lên tối đa đến 1924 MHz so với mức công bố 1759 MHz của nhà sản xuất. Nhiệt độ hoạt động trong phòng máy lạnh 24 độ là 63 độ, phải nói là xuất sắc.
Nhận xét nhanh
GTX 1070 Ti được sinh ra để lấp vào khoảng trống có phần hơi 'mênh mông' giữa GTX 1070 và GTX 1080; vì vậy chúng ta không có sự đột phá nào ngoài chuyện một chiếc card xứng đáng với tầm tiền của nó. Riêng đối với Strix 1070 Ti, nó vẫn tiếp tục phong cách truyền thống của ASUS khi bạn sẽ trả số tiền cao hơn một chút nhằm đổi lại sự hoàn thiệu trong thiết kế, tản nhiệt công suất cao và một chút cải thiện về hiệu năng.
Sắp tới thì mình sẽ làm bài phân tích chi tiết hiệu năng của GTX 1070 Ti so với GTX 1080 và Vega; mời các bạn đón xem.